Châu Âu đang bối rối trước áp lực từ Pháp đòi thúc đẩy một cuộc chiến thuế quan nhắm vào xe điện Trung Quốc.
Chứng kiến xe điện giá rẻ Trung Quốc dần tràn ngập thị trường châu Âu, Ủy viên Thị trường Nội bộ EU Thierry Breton đã nghiêm túc cảnh báo về nguy cơ "lép vế" của ngành công nghiệp ô tô của châu Âu trong một phát biểu gần đây.
>>Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ III): Cuộc “so găng” trong ngành bán dẫn
Ông Breton cho biết: “Chúng tôi nhận thấy một xu hướng đang nổi lên là nhập khẩu dòng xe điện hoặc tấm pin mặt trời (từ Trung Quốc). Chúng ta chỉ đang thay đổi từ phụ thuộc về nhiên liệu hóa thạch sang phụ thuộc vào công nghiệp và công nghệ”.
Pháp đang dẫn đầu một nỗ lực nhằm buộc EU phải mở một cuộc điều tra mới trước sự “xâm lăng” của xe điện Trung Quốc. Mới đây nhất, nước này gây sức ép lên Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen phải đưa vấn đề vào bài phát biểu Thông điệp Liên minh hàng năm.
Trong nhiều tháng, chính phủ Pháp, các ủy ban trong ngành công nghiệp ô tô và Ủy ban Châu Âu đã thúc đẩy cơ quan điều hành EU tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các nhà sản xuất ô tô điện đang trỗi dậy của Trung Quốc. Điều này có thể mở đường cho châu Âu áp đặt thuế bổ sung đối với xe Trung Quốc mà họ cho rằng đang được bán với giá rẻ để đè bẹp các đối thủ châu Âu.
Đức, nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu, lại phản đối bất kỳ biện pháp trừng phạt nào, chủ yếu đến từ nguy cơ cường quốc số 1 châu Âu có nhiều thương hiệu lớn đang làm ăn tại thị trường Trung Quốc.
Nhưng bất chấp sự phản đối từ Berlin, Paris vẫn đang kiến quyết, đồng thời kỳ vọng sự việc sẽ tiến lên một nấc thang mới nếu cuộc điều tra được người đứng đầu EU ủng hộ.
Thế nhưng, động thái cứng rắn của Pháp vẫn chưa nhận được sự đồng tình của Đức và EU, phần lớn tới từ nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa lên ngành công nghiệp tối quan trọng của nhiều trụ cột EU.
Một số nhà ngoại giao thương mại EU nghi ngờ về cơ hội thành công bởi “không ai muốn một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng với Trung Quốc, điều sẽ làm nổ tung Volkswagen (nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Đức)”, một quan chức giấu tên nói với Politico.
Các nhà sản xuất ô tô Mỹ và châu Âu đều có các nhà máy sản xuất lớn ở Trung Quốc, như Tesla hay BMW, Volvo… Một phần lớn ô tô điện xuất khẩu từ Trung Quốc cũng là thương hiệu của phương Tây. Cùng với đó, hàng loạt công ty xe điện đang phải phụ thuộc vào nguồn cung pin dung lượng cao từ Trung Quốc.
Chuyên gia Martin Benecke từ công ty tư vấn S&P Global Mobility cho biết: “Nếu họ bắt đầu bằng chủ nghĩa bảo hộ thì đó sẽ là một cú phản lưới nhà”.
Pháp không gặp vấn đề lớn như vậy vì các doanh nghiệp nước này không hoạt động tích cực ở Trung Quốc, nhưng đối với các nhà sản xuất ô tô Đức, thị trường Trung Quốc lại có vai trò quá quan trọng, dẫn tới việc Berlin sẽ làm mọi cách để tránh một rào cản thương mại, các chuyên gia cho biết.
Thế nhưng, lo ngại của Paris cũng có lý khi một cuộc “tấn công toàn diện” của ô tô Trung Quốc đang cắt giảm thị phần của các nhà sản xuất châu Âu trên chính “sân nhà” của họ.
Các thương hiệu Trung Quốc như BYD, Great Wall và MG đang đẩy mạnh các chiến lược ra mắt tại châu Âu sau khi đã chinh phục thành công các thị trường quốc tế khác như Australia, Nga, hay Nam Mỹ. Sự thống trị các gian hàng ở Triển lãm Munich mới đây là một minh chứng cho tham vọng của Bắc Kinh, với lợi thế từ giá bán nhờ tự chủ được nguồn pin so với với các đối thủ nước ngoài.
Sự dè dặt của châu Âu nói chung và Berlin nói riêng trong việc khởi động một tranh chấp thương mại lớn đã hé lộ sức ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế ở châu Âu.
Để cứu vãn ngành ô tô nội địa mà không gây hấn với Bắc Kinh, Brussels đang cố gắng tiếp tục giao dịch trong khi giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Giám đốc thương mại EU Valdis Dombrovskis dự kiến sẽ tới Bắc Kinh vào cuối tháng 9 này để thảo luận về việc giảm các rào cản thương mại với các đối tác Trung Quốc.
Sigrid de Vries, người đứng đầu tổ chức vận động hành lang ô tô lớn nhất châu Âu ACEA, gần đây đã kêu gọi một “cách tiếp cận cân bằng” trước mối đe dọa từ ô tô điện Trung Quốc, tập trung nhiều hơn vào “chiến lược công nghiệp mạnh mẽ” để hỗ trợ các nhà sản xuất xe điện châu Âu.
>>Xuất khẩu ô tô Trung Quốc "vụt sáng" giữa bức tranh kinh tế ảm đạm
Ngoài địa kinh tế, còn có một vấn đề kỹ thuật hơn. Để tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá, Ủy ban Châu Âu sẽ phải xác định xem liệu ô tô Trung Quốc có bị bán phá giá trên thị trường châu Âu hay không, tức là chúng đang được bán dưới mức giá ở nước sản xuất. Thế nhưng, Trung Quốc đã khôn khéo bằng cách chưa đưa ra thị trường đại chúng chiếc xe điện trị giá 25.000 euro.
Một quan chức ngành công nghiệp châu Âu cho biết: “Bất chấp tất cả những tin đồn này, Ủy ban Châu Âu khó có thể bắt đầu một cuộc điều tra chính thức nếu họ không có sự hỗ trợ của ngành công nghiệp ô tô. Trong khi đó, các nhà sản xuất sẽ không dại dột làm điều đó bởi họ sẽ chỉ bị thiệt nếu đối đầu với Trung Quốc – nhà cung cấp chính trong nhiều thành phần ô tô điện.
Có thể bạn quan tâm
Ngành du lịch Châu Âu “phát sốt” vì nắng nóng
04:00, 29/08/2023
Châu Âu khó thắt chặt lại quan hệ với Trung Quốc
03:30, 14/08/2023
Xuất khẩu ô tô Trung Quốc "vụt sáng" giữa bức tranh kinh tế ảm đạm
04:00, 08/09/2023
Chủ tịch Trung Quốc không tham dự Thượng đỉnh G20 cho thấy điều gì?
04:00, 09/09/2023