Chiến lược bán dẫn của Singapore (Kỳ I): "Bước đi" khác người

QUÂN BẢO 24/07/2024 04:00

Giữa thời bùng nổ chip AI, Singapore lại tập trung vào chip “nút lớn”, loại cấp thấp hơn thường dùng trong ô tô và các thiết bị công nghiệp. Liệu họ sẽ bị thua thiệt trong cuộc đua bán dẫn?

>>Cách huy động nhân tài bán dẫn của một "ông lớn" Mỹ

Giới quan sát cho rằng đây không phải điều đáng lo ngại, vì thị trường chip nút lớn (mature-node chip) có quy mô lớn hơn rất nhiều so với chip AI, tuy công nghệ không hiện đại bằng. Ang Wee Seng, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Singapore (SSIA), khẳng định thị trường chip mà Singapore đang hướng đến là thị trường đại chúng.

Không hứng thú với chip AI

Singapore lại tập trung vào chip “nút lớn

Singapore lại tập trung vào chip “nút lớn.

Tilly Zhang, nhà phân tích công nghệ người Trung Quốc của Gavekal Research, cho biết trong khi chip nút lớn có kích thước  từ 28 nanomet (nm) trở lên, thì chip AI chỉ có kích thước từ 7nm trở xuống. Những nghiên cứu gần đây thường tập trung vào phát triển chip có kích thước từ 2 - 3nm.

Theo ông Ang Wee Seng, chip AI là thứ mà Singapore không thể sản xuất, trước hết vì họ không có công nghệ in thạch bản EUV (cực cực tím), loại công nghệ chuyên dụng để làm ra chip AI.

Hiện tại, Đài Loan và Hàn Quốc là hai thế lực thống lĩnh thị trường chip AI trên toàn cầu. Cả thế giới cũng chỉ có 3 công ty đủ khả năng, đó là TSMC, Samsung và Intel.

Chi phí là một trong những trở ngại lớn nhất. Trendforce cho biết toàn cầu chỉ có một bên sản xuất máy in thạch bản EUV với giá lên đến 180 triệu USD mỗi chiếc, chưa kể chi phí bảo trì hàng năm.

Đây là nguyên nhân khiến hầu hết chip AI đều được sản xuất tại TSMC, một công ty trụ sở tại Đài Loan và được nhận định là phát triển và đáng tin cậy hơn cả Samsung. Trong thị trường chip AI, TSMC chiếm từ 90 đến 95% thị phần.

Mặc dù thị phần thua kém, nhưng Hàn Quốc lại tỏa sáng nhờ việc sản xuất chip bộ nhớ, bao gồm chip băng thông cao tiên tiến - thứ rất cần thiết trong đào tạo mô hình AI.

Trong khi đó, Singapore lại không có cơ sở vật chất để sản xuất những con chip tiên tiến này. Zhang nhận định rằng nếu những công ty như TSMC hay Samsung chuyển một phần công suất sản xuất sang Singapore, thì Singapore có thể thành lập một vài cơ sở sản xuất chip tiên tiến trong nước.

>> Châu Á vẫn giữ vị thế trung tâm sản xuất chip toàn cầu

Tuy nhiên, điều này nói dễ hơn làm. Trong thời điểm những nhà sản xuất chip tiên tiến được săn đón như hiện nay, kéo được họ về mở nhà máy ở một quốc gia nào đó đồng nghĩa với việc quốc gia ấy phải bỏ ra một con số khổng lồ. Gần đây, cả Mỹ và Nhật Bản đã tung ra những khoản trợ cấp rất lớn trị giá hàng tỷ USD để thu hút hoạt động sản xuất chip của những ông lớn như TSMC. Rõ ràng trong cuộc chạy đua này, Singapore không đủ nguồn lực để đua với hai cường quốc Mỹ và Nhật.

Đồng thời, dù chính phủ Singapore muốn kéo về, thì vẫn phải xem liệu các công ty Singapore có đồng ý chuyển hướng sang sản xuất chip công nghệ cao hay không.

Cơ hội gián tiếp

Singapore không được hưởng lợi từ sự bùng nổ của chip AI

Singapore không được hưởng lợi từ sự bùng nổ của chip AI.

Ông Ang Wee Seng cho biết nếu xét trong một bối cảnh rất hẹp, thì đúng là Singapore không được hưởng lợi từ sự bùng nổ của chip AI. Tuy nhiên nếu xét tổng thể hệ sinh thái chip, Singapore vẫn có lợi thế nhất định của họ.

Theo phân tích của Ang, công nghệ AI yêu cầu khả năng tính toán cao hơn, bộ nhớ nhiều hơn để lưu trữ và tốc độ kết nối nhanh hơn để truyền dữ liệu khối lượng lớn. Thứ có thể làm được những điều này vẫn là chip nút lớn. Nói cách khác, thị trường chip nút lớn vẫn còn nhiều cơ hội và ổn định về dài hạn. Thế giới sẽ tiếp tục sử dụng chúng trong tự động hóa nhà máy, xe điện thông minh, điện thoại và những chiếc máy tính xách tay.

Frederic Neumann, Chuyên gia kinh tế trưởng châu Á của HSBC, đồng tình với quan điểm rằng chip AI không đáng theo đuổi. Ông nhận định rằng chip AI đòi hỏi công nghệ rất cao và chi phí rất lớn, vậy nên các bên hoàn toàn có thể tạm bỏ qua chip AI, dành tối đa nguồn lực cho những lĩnh vực phần cứng và phần mềm liên quan đến AI khác.

Ông cũng nhấn mạnh rằng cơ hội của Singapore nằm ở chỗ họ nên củng cố thêm chuyên môn hiện có trong lĩnh vực chip bộ nhớ, bao gồm loại 3D Nand, thứ mà họ chiếm đến 10% thị phần sản xuất toàn cầu.

Chip nút lớn cũng có những điểm mạnh riêng. Chúng được dùng rộng rãi, đồng nghĩa cơ sở khách hàng đa dạng hơn. Thêm vào đó, chip nút lớn nằm ngoài những căng thẳng địa chính trị xung quanh chip AI. Chẳng hạn, nếu là một nhà sản xuất chip AI, có lẽ nhà sản xuất đó phải tuyên bố rõ ràng rằng công nghệ của mình không đến từ Trung Quốc, vì điều này có thể khiến những khách hàng đến từ Mỹ e ngại.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản công nghiệp nâng tầm nhờ bán dẫn

    Bất động sản công nghiệp nâng tầm nhờ bán dẫn

    03:00, 04/07/2024

  • Việt Nam cần ưu đãi thuế và vốn phát triển sản xuất chip bán dẫn

    Việt Nam cần ưu đãi thuế và vốn phát triển sản xuất chip bán dẫn

    10:55, 01/07/2024

  • Chuyên gia hàng đầu Mỹ làm cố vấn phát triển công nghiệp bán dẫn

    Chuyên gia hàng đầu Mỹ làm cố vấn phát triển công nghiệp bán dẫn

    12:27, 28/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến lược bán dẫn của Singapore (Kỳ I): "Bước đi" khác người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO