Thành công của Trung Quốc trong việc thúc đẩy Saudi Arabia và Iran nối lại quan hệ có thể giúp nước này thúc đẩy hoà đàm Nga- Ukraine?
>>Mỹ ấp ủ nhiều "át chủ bài" như AUKUS để đối phó với Trung Quốc
Chiến sự Nga- Ukraine đang gây ra những thay đổi mang tính kiến tạo. Những thay đổi này đã tạo ra những cơ hội lớn cho Trung Quốc, nước hiện đang tìm cách "đánh bóng" uy tín của mình với tư cách là một nhà kiến tạo hòa bình toàn cầu.
Tháng trước, nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, Trung Quốc đã đưa ra một bản kế hoạch hòa bình 12 điểm nhằm nỗ lực thể hiện mình là một bên trung lập có thể giúp chấm dứt cuộc chiến kéo dài tròn 1 năm này.
Vì vậy, khi ông Tập tới Moscow để gặp nhà lãnh đạo Nga vào tuần trước, đã có nhiều hy vọng rằng ông có thể đặt nền móng cho việc hòa giải giữa hai nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Alexander L. Vuving, Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương, cách làm của ông Tập Cận Bình có thể khiến bàn đàm phán nghiêng về phía có lợi cho Nga.
Một phần lớn tuyên bố chung được đưa ra vào cuối cuộc hội đàm của ông Tập Cận Bình với ông Putin được dành cho cuộc xung đột Ukraine. Bên cạnh việc thể hiện thiện chí của Trung Quốc trong việc "đóng vai trò tích cực" trong việc khôi phục hòa bình và sự ủng hộ của Nga đối với việc Trung Quốc đóng vai trò này, tuyên bố cũng đặt ra các điều kiện cho một "giải pháp chính trị và ngoại giao".
Điều kiện chung đã nêu là các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc phải được tuân thủ và tôn trọng luật pháp quốc tế. Tất cả các bên liên quan sẽ sẵn sàng xác nhận điều này. Tuy nhiên, điều tiếp theo được đề cập là cần phải tôn trọng "những mối quan tâm an ninh chính đáng của tất cả các quốc gia." Khái niệm mơ hồ này được cho là đã che đậy tham vọng của Tổng thống Putin ở Ukraine.
Điều kiện cụ thể thứ hai được trích dẫn trong tuyên bố là cần tránh "thổi bùng ngọn lửa" và ngừng "mọi động thái dẫn đến căng thẳng và kéo dài giao tranh". Mặc dù ngôn ngữ một lần nữa có vẻ trung lập, như cách gọi chung của Nga và Trung Quốc, nhưng điều này nhằm tạo ấn tượng rằng không phải Moscow đang thổi bùng ngọn lửa cũng như không phải là bên kéo dài xung đột bằng cách điều động thêm binh lính và vũ khí. Nói một cách tế nhị, tuyên bố đã đổ lỗi cho Ukraine và phương Tây tiếp tục kéo dài giao tranh.
Ông Philippe Le Corre, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết: “Trung Quốc chưa bao giờ lên án Nga, quốc gia bị phần lớn thế giới cho là kẻ gây hấn ở Ukraine. Điều này sẽ đặt câu hỏi rằng Trung Quốc có thực sự công bằng khi nỗ lực thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine?"
>>Toan tính của Nga khi triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus
Có thể thấy, cuộc gặp của ông Tập với ông Putin là bài kiểm tra lớn đầu tiên về uy tín của Bắc Kinh với tư cách là người trung gian hòa giải giữa các bên trong cuộc xung đột Ukraine. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng tuyên bố chung là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã thất bại ở rào cản đầu tiên này.
Trên thực tế, Bắc Kinh có vị thế tốt để làm trung gian hòa giải giữa Saudi Arabia và Iran vì lợi ích của họ không ủng hộ bên nào. Tuy nhiên, giữa Ukraine và Nga, lợi ích của Trung Quốc gần với lợi ích của Nga hơn nhiều. Các nhà phân tích cho biết, những thành công tương tự có thể khó lặp lại do nỗ lực của Trung Quốc đóng vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Ông Wang Yiwei, một chuyên gia về các vấn đề châu Âu tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh cho biết: "Tham vọng bao trùm của Trung Quốc là cạnh tranh với Mỹ và phương Tây. Chính xu hướng này có thể ngăn cản Bắc Kinh xuất hiện với tư cách là một nhà trung gian hòa giải công bằng và ngăn cản nước này trở thành một nhà kiến tạo hòa bình toàn cầu".
Ông cũng nói thêm: “Trung Quốc không muốn làm mất lòng Ukraine và phương Tây, nhưng cũng hạn chế gây mất thiện cảm với Moscow. Trung Quốc là một bên trung lập, nhưng vai trò của họ trong xung đột Nga- Ukraine sẽ rất hạn chế".
Có thể bạn quan tâm