Chính sách tiền tệ - tài khóa "lỏng" hơn để hỗ trợ nền kinh tế

HUỲNH HOÀNG PHƯƠNG - TP Nghiên cứu & Phân tích Đầu tư FIDT 24/04/2023 05:00

Tuần này, một loạt các chỉ thị về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế được thị trường chờ đón ban hành, sẽ có ý nghĩa tích cực không chỉ trong ngắn hạn.

>> Giảm thiểu rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản

Mặc dù các thông tin chính sách dự kiến được ban hành mới ở mức độ Dự thảo, nhưng đây đều là những "tin tốt" dự báo tác động tích cực đến doanh nghiệp, nền kinh tế và đặc biệt là vốn đầu tư cũng như tâm lý của nhà đầu tư.

Các chính sách cần được

Các chính sách cần được "lỏng" hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và đảm bảo ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Quốc Tuấn

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để rà soát, thúc đẩy việc ban hành ngay 2 thông tư quan trọng về cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, về dự thảo Thông tư liên quan đến hướng dẫn cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện dự thảo theo hướng cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng phù hợp.

Đồng thời thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát và đẩy mạnh phân cấp để tăng cường trách nhiệm của các tổ chức dụng và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phải thiết kế hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường niềm tin thị trường và theo hướng cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp. 

Dự thảo Thông tư và cơ cấu nợ

Dự thảo Thông tư về cơ cấu nợ vẫn còn những quy định "chặt"

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng đầu tư, cho vay đối với trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng nguồn cung, tính thanh khoản, phát triển thị trường trên cơ sở an toàn, hiệu quả.

Đây là 2 dự thảo mà: Với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-NHNN đã được NHNN ban hành lấy ý kiến thị trường rộng rãi trước đó.

Còn với dự thảo Thông tư liên quan đến hướng dẫn cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, NHNN đã công bố các nội dung quy định trong dự thảo vào giữa tuần trước. 

FIDT đánh giá chung, các động thái của Chính phủ rất tích cực khi liên tục ban hành các chính sách, dự thảo để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản (BĐS) nói riêng.

>>Khó có cơ hội đột phá cho trái chủ ngân hàng

Tuy nhiên còn một số điểm mà FIDT đánh giá là cần nới lỏng hơn nữa để hỗ trợ thị trường và Thủ tướng cũng đã nêu đích danh vấn đề này:

Thứ nhất, Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 về đầu tư TPDN của Ngân hàng: Nếu theo Dự thảo, bản chất là ngân hàng sẽ khó hỗ trợ cho thị trường do điều kiện vẫn rất khắt khe và Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng liên tục yêu cầu sửa đổi cho phép ngân hàng mua trái phiếu mục đích cơ cấu nợ.

Việc thiết kế lại quy định và ban hành ngay cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu sẽ tháo gỡ nút thắt trên thị trường nợ, đã bị thắt chặt nhất từ tháng 10/2022 đến nay, cho dù đã có Nghị định 08 và các chính sách hỗ trợ nhất định.

Thứ hai, về Dự thảo cơ cấu nợ: Theo Dự thảo hiện nay các TCTD sẽ chỉ cơ cấu cho các khoản nợ có mục đích là sản xuất kinh doanh và thời hạn cơ cấu tối đa là 12 tháng.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng, kỳ vọng Dự thảo sẽ có phiên bản mới khi ban hành theo hướng mở rộng đối tượng được cơ cấu nợ hơn (có thể mở rộng mục đích vay) và kéo dài thời hạn áp dụng phù hợp ở đây có thể là kéo dài thời hạn cơ cấu tối đa hoặc kéo dài thời gian áp dụng của Thông tư (hiện nay Dự thảo cho áp dụng đến 31/12/2023).

Có thể nói, NHNN còn quá thận trọng trong các Dự thảo chính sách và quan điểm của người đứng đầu Chính phủ - phải "lỏng" hơn nữa mới cứu được thị trường và nền kinh tế - sẽ là xúc tác mang đến hiệu ứng tốt nhất cho thị trường khi được hiện thực hóa vào chính sách ban hành. 

Ngoài ra, chúng ta không quên một quyết định chính sách (cũng ở dạng dự thảo) quan trọng, ở góc độ tài khóa, mang tính hỗ trợ cho nền kinh tế, hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó đạt mục đích thúc đẩy chi tiêu nội địa và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo tăng trưởng. Đó là Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT (VAT) năm 2023, với đề xuất giảm thuế VAT về 8% đến hết năm nay, dự kiến sẽ được xem xét trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV khai mạc vào 22/5. FIDT cũng đã đề cập và nhận định doanh nghiệp, người dân đều hưởng lợi gián tiếp và trực tiếp qua chính sách hưởng giảm thuế này.

Đây là chính sách đã được áp dụng trong năm 2022 và việc tiếp tục được duy trì ở năm nay, dự kiến, sẽ giúp "xốc" lại sức mua, tiêu dùng, tạo tác động kép.

Có thể bạn quan tâm

  • Loạt ông lớn địa ốc đề xuất cho phép cơ cấu nợ

    Loạt ông lớn địa ốc đề xuất cho phép cơ cấu nợ

    13:34, 08/02/2023

  • Cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ: Cân nhắc phương án trích lập dự phòng

    Cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ: Cân nhắc phương án trích lập dự phòng

    05:03, 20/04/2023

  • Chính sách tiền tệ nới lỏng, thị trường chứng khoán hưởng lợi

    Chính sách tiền tệ nới lỏng, thị trường chứng khoán hưởng lợi

    05:00, 02/04/2023

  • Hạ lãi suất và sự kiện SVB có đảo ngược chính sách tiền tệ chống lạm phát?

    Hạ lãi suất và sự kiện SVB có đảo ngược chính sách tiền tệ chống lạm phát?

    05:24, 19/03/2023

  • Bước ngoặt mới của chính sách tiền tệ toàn cầu

    Bước ngoặt mới của chính sách tiền tệ toàn cầu

    05:30, 01/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính sách tiền tệ - tài khóa "lỏng" hơn để hỗ trợ nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO