Nghiên cứu - Trao đổi

Chính sách ưu việt cho công nghệ số bứt phá

Yến Nhung 14/05/2025 11:45

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có chính sách thực sự rõ ràng, ưu việt từ ưu đãi đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp thì rất khó để ngành công nghiệp công nghệ số phát triển đúng tiềm năng.

Luật Công nghiệp Công nghệ số là một dự án luật mới, lần đầu tiên được xây dựng.

du-lich.jpg
Giới thiệu mẫu robot phục vụ trong khách sạn tại Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội - VITM Hà Nội 2025. Ảnh: Hoàng Quyên

Hoàn thiện thể chế cho công nghệ số

Theo đó, Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số (Dự thảo) hiện đang được lấy ý kiến, chỉnh lý và hoàn thiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầu tiên cho sự phát triển của một ngành công nghiệp nền tảng trong kỷ nguyên số.

Điểm mới đáng chú ý của Dự thảo là lần đầu tiên đưa trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số vào nội dung điều chỉnh, thể hiện bước tiến trong tiếp cận các công nghệ mới nổi. Cụ thể, AI được xác định là công cụ đột phá nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia, nhưng cũng là lĩnh vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý. Vì vậy, Dự thảo đã lựa chọn hướng tiếp cận nguyên tắc, “mềm dẻo” quy định khung trong luật, đồng thời Chính phủ sẽ ban hành các quy định chi tiết phù hợp thực tiễn.

Cùng với đó, khái niệm tài sản số - một lĩnh vực hoàn toàn mới và phức tạp - cũng được đề cập trong Dự thảo. Các nội dung quản lý bước đầu xoay quanh định nghĩa, phân loại và nội dung quản lý tài sản số theo hướng linh hoạt, hướng đến mục tiêu vừa quản lý hiệu quả, vừa tạo điều kiện phát triển thị trường tài sản số trong nước.

Dự thảo cũng xác lập rõ ràng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số. Cơ chế này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cho phép doanh nghiệp thử nghiệm trong môi trường pháp lý an toàn, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người dùng và giảm thiểu rủi ro.

Dự án Luật xác lập rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số. Cơ chế này bao gồm các quy định về nguyên tắc triển khai, tiêu chí lựa chọn, thẩm quyền, trách nhiệm pháp lý, quyền lợi của người dùng, và miễn trừ trách nhiệm đối với các rủi ro khách quan trong thử nghiệm.

Cần cơ chế ưu đãi vượt trội hơn

Đánh giá cao quá trình chuẩn bị công phu của cơ quan chủ trì soạn thảo, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương cho biết, Dự thảo đã kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 57- NQ/TW với nhiều cơ chế ưu đãi tại Điều 15, từ ưu đãi vượt trội cho dự án đặc biệt, đến khuyến khích nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo công nghệ số; ưu đãi thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số nhằm chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam…

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu đãi mang tính đột phá hơn nữa cho các cơ sở giáo dục, đào tạo nhân lực công nghệ số, đảm bảo tính khả thi và thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, nghiên cứu. Cần có cơ chế phù hợp, tăng cường hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư tốt hơn nữa trong việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo khởi nghiệp trong phát triển và áp dụng công nghệ số.

Một điểm đáng chú ý khác trong Dự thảo là quy định riêng về phát triển bền vững trong công nghiệp công nghệ số, được thể hiện tại Mục 8, Chương II. Dự thảo xác định rõ định hướng phát triển thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên thông qua tái sử dụng, tái chế, tân trang sản phẩm công nghệ sau sử dụng; đồng thời thúc đẩy phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ số theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng cùng xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung, hoặc giao Chính phủ bổ sung thêm những chính sách vượt trội hơn nhằm giảm thiểu tác động môi trường từ sản phẩm công nghệ số.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ, Dự thảo đã có nhiều chính sách quan trọng, góp phần thúc đẩy ngành này tại Việt Nam. Song để Việt Nam đi sau nhưng không đi trễ, cần thiết phải có các chính sách đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp số. Đây chính là tiền đề để phát triển ngành.

“Trong đó, cần đẩy mạnh các ưu đãi, đặc biệt là về thuế, một cách cụ thể, vượt trội để thúc đẩy phát triển công nghệ cao, hướng tới mục tiêu Việt Nam làm chủ công nghệ bán dẫn”, đại biểu này nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính sách ưu việt cho công nghệ số bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO