Chuyển đổi số để sống sót và bứt phá

LÊ HÀ thực hiện 07/08/2021 11:33

Không chỉ dừng ở mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số mà đây là con đường để doanh nghiệp sống sót và bứt phá.

Chia sẻ với DĐDN bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho rằng, càng khó khăn thì việc áp dụng chuyển đổi số càng giúp doanh nghiệp tìm thấy đường ra.

- Bà đánh giá thế nào về tốc độ chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt hiện nay?

Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp lớn có nhận thức và sự dịch chuyển nhanh hơn đặc biệt là khối tư nhân. Tiêu biểu và dễ nhận thấy nhất là khối tài chính ngân hàng. Mọi người có thể nhận thấy ngay tiện ích của các ngân hàng số, ví điện tử rất phổ biến hiện nay. Tiếp sau đó là các doanh nghiệp trong khối bất động sản, giáo dục, nông nghiệp.

Ở phía các doanh nghiệp nhỏ, những giải pháp, việc chuyển đổi số chưa rõ ràng nhưng sự chuyển dịch là rất tích cực. Điều này thể hiện rất rõ thông qua việc phổ biến của các dịch vụ số chuyển đổi các nghiệm vụ riêng lẻ như: chữ ký số, hóa đơn điện tử, quản lý bán hàng, thúc đẩy bán hàng, quản lý công việc…

Các doanh nghiệp đều nhận thấy sau khi chuyển đổi số việc quản lý bài bản hơn, tập chung, tiết kiệm nguồn lực, tài chính, thời gian...

- Tuy nhiên, dường như các doanh nghiệp đang thiếu những đơn vị tư vấn tổng thể chiến lược chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động. Điều này khiến không ít doanh nghiệp loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, trình tự thế nào, ứng dụng nào phù hợp?

Câu chuyện khó khăn trong chuyển đổi số của doanh nghiệp hiện tại không hẳn là thiếu đơn vị tư vấn tổng thể. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hiện nay hoàn toàn đáp ứng được vấn đề công nghệ từ tổng thể đến chi tiết nghiệp vụ. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin của chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết cái các bài toán chuyển đổi số từ tổng thể đến chi tiết của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, từng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đúng là không ít doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu? Không biết dùng giải pháp cụ thể nào và doanh nghiệp cung ứng nào phù hợp?

Để có thể đưa ra câu trả lời cho doanh nghiệp, VINASA đang tập hợp các chuyên gia để xây dựng những khung hướng dẫn chuyển đổi số cụ thể cho các ngành, các lĩnh vực, kèm theo đó là bộ giải pháp, và tiêu chí đánh giá. Chương trình sẽ sớm được công bố trong 1-2 tháng tới nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

- Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn thấp. Phải chăng, cuộc cách mạng chuyển đổi số này chỉ là cuộc chơi dành cho các doanh nghiệp lớn có tiềm lực mạnh, thưa bà?

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Những doanh nghiệp này không cần những giải pháp tổng thể, cồng kềnh, mà cần những giải pháp cụ thể giải quyết vấn đề của họ. Ví dụ: Một doanh nghiệp siêu nhỏ họ chỉ cần các giải pháp: quản lý bán hàng, thúc đẩy bán hàng, hóa đơn điện tử, chữ ký số, lớn hơn một chút thì cần quản lý công việc, quản lý khách hàng, lớn hơn nữa thì quản lý nhân sự, nhà cung cấp, chất lượng…

Thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất tích cực trong ứng dụng những nghiệp vụ cụ thể này. Các nghiệp vụ này giúp các doanh nghiệp số hóa tài liệu, số hóa quy trình ngay ở những bước đi đầu tiên, cơ bản nhất. Tiến trình chuyển đổi số sẽ được tiếp diễn và thuận lợi hơn rất nhiều khi quy mô công ty nâng dần lên.

- Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tài của chính các doanh nghiệp. Do đó, chiến lược đầu tư chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại buộc phải cân nhắc kỹ, thưa bà?

Điều này rất thực tế, doanh nghiệp khó khăn thì phải cắt giảm đầu tư, cắt giảm chi tiêu để phục vụ mục tiêu sống sót trước đã. Tuy nhiên, nếu xác định đúng trọng tâm, chuyển đổi số sẽ là yêu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh lớn, đưa doanh nghiệp từ sống sót đến phát triển và bứt phá.

Thực tế, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng mong muốn chia sẻ những khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, trong giai đoạn đại dịch. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành, cùng nghiên cứu, triển khai giải pháp số với khách hàng. Và chỉ khi có được thành quả, có được giá trị, họ mới nhận phần chia sẻ lợi nhuận.

Câu chuyện chuyển đổi số của doanh nghiệp không phải là chuyện khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi mới làm. Đây là câu chuyện sống còn của doanh nghiệp trong thời đại số. Vai trò của các tổ chức VINASA là kết nối và chia sẻ. Kết nối những doanh nghiệp công nghệ có giải pháp, có phương pháp với những doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số. Chia sẻ những phương pháp, những kiến thức, những kinh nghiệm với càng nhiều doanh nghiệp, cành nhiều tổ chức thì tiến trình chuyển đổi số sẽ càng được rút ngắn.

- Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Gia hạn hồ sơ cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số

    Gia hạn hồ sơ cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số "Viet Solutions 2021"

    17:45, 04/08/2021

  • SMEs chuyển đổi số: Lộ trình và giải pháp

    SMEs chuyển đổi số: Lộ trình và giải pháp

    03:59, 02/08/2021

  • SMEs Chuyển đổi số: Các xu hướng phát triển công nghệ chiến lược năm 2021

    SMEs Chuyển đổi số: Các xu hướng phát triển công nghệ chiến lược năm 2021

    03:12, 01/08/2021

  • SMEs chuyển đổi số: Doanh nhân thực và kinh doanh ảo

    SMEs chuyển đổi số: Doanh nhân thực và kinh doanh ảo

    04:17, 31/07/2021

  • Nhân Hòa chia sẻ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số mùa dịch

    Nhân Hòa chia sẻ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số mùa dịch

    09:39, 30/07/2021

  • Chuyển đổi số: “Thay máu” hay thay đổi tư duy?

    Chuyển đổi số: “Thay máu” hay thay đổi tư duy?

    03:00, 18/07/2021

  • Doanh nghiệp chuyển đổi số và sức ép mang tên đại dịch Covid – 19

    Doanh nghiệp chuyển đổi số và sức ép mang tên đại dịch Covid – 19

    14:17, 14/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyển đổi số để sống sót và bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO