Đồng nhân dân tệ được dự báo sẽ mất giá mạnh trước đồng đô la Mỹ trong nhiệm kỳ II của ông Donald Trump.
Ông Trump cho biết sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Trước đó, ông Trump đã cam kết áp thuế 60% trở lên đối với hàng hóa Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử của mình.
Hàng loạt tin tức về chính sách thuế quan mới của ông Donald Trump với hàng hóa Trung Quốc đã bắt đầu gây ảnh hưởng dây chuyền. Hầu như không ai có thể là ngoại lệ.
Triển vọng phục hồi kinh tế Trung Quốc ngày càng kém khả quan. Trong bối cảnh bất động sản suy yếu, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh đã làm nản lòng nhà đầu tư.
Đồng nhân dân tệ đối mặt với nguy cơ suy yếu khi các ngân hàng đầu tư lớn và các công ty nghiên cứu dự báo đồng nhân dân tệ ở nước ngoài sẽ suy yếu xuống mức trung bình 7,51 đổi 1 đô la Mỹ cho đến cuối năm 2025, theo tính toán của CNBC từ dự báo của 13 tổ chức.
Đây là mức trượt giá tồi tệ nhất kể từ năm 2004 của đồng tiền Trung Quốc so với đô la Mỹ. Do ảnh hưởng của bầu cử Tổng thống Mỹ, nhân dân tệ ở nước ngoài đã mất hơn 2% giá trị.
Theo dữ liệu kinh tế của Reuters, trong đợt áp thuế thương mại đầu tiên với hàng hóa Trung Quốc hồi năm 2018, đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 5% giá trị, và tiếp tục suy yếu thêm 1,5% vào năm sau khi căng thẳng thương mại gia tăng.
Jonas Goltermann, Phó giám đốc Capital Economics, cho biết: “Thuế quan của Mỹ, nếu xét đến các yếu tố khác, sẽ dẫn đến sự tăng giá của đồng đô la Mỹ; các loại tiền tệ của các nền kinh tế có mối liên hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ sẽ chứng kiến đợt điều chỉnh tỷ giá lớn nhất”.
Giới hoạch định kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với một quyết định khó khăn là bảo vệ đồng nhân dân tệ khỏi việc mất giá quá nhiều trong khi vẫn nỗ lực đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng như mục tiêu đề ra.
Hệ lụy trước mắt, theo các nhà kinh tế, là bất kỳ sự mất giá mạnh nào của đồng nhân dân tệ đều có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng chảy vốn ra nước ngoài và gây ra cú sốc cho thị trường tài chính.
Nhưng bài toán đau đầu hơn là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PoBC) có thể không muốn tăng lãi suất để kiềm chế sự sụt giảm của đồng nhân dân tệ, vì điều đó chẳng khác nào làm khó thêm khả năng phục hồi của một nền kinh tế vốn đã yếu kém.
Với việc đồng nhân dân tệ có khả năng suy yếu, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại song phương Việt - Trung. Tại thị trường trong nước, khi nhân dân tệ giảm mạnh, hàng hóa Trung Quốc sẽ cạnh tranh hơn, sản phẩm của Trung Quốc cũng đang làm cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn.
Điều đó gây áp lực lên tỷ giá VND, đó là bài toán xác định biên độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh,… để tránh tối đa tác dụng phụ, như: lạm phát, gây ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất, cũng như một số tài sản khác như trái phiếu Chính phủ.
Theo tính toán của các chuyên gia trong nước, nếu giảm mạnh giá VND sẽ giúp hàng xuất khẩu giảm giá nhưng giá hàng nhập khẩu lại tăng. Và các khoản nợ nước ngoài bằng USD cũng sẽ tăng mạnh; đồng thời các nhà đầu tư khi mua USD chuyển lợi nhuận về nước cũng sẽ thiệt hại khi VND giảm giá.