Giới chức của chính quyền Mỹ được cho là đang áp dụng "biện pháp trả đũa" đối với Nga và Ả-Rập Xê-Út sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ của liên minh OPEC+ tan vỡ.
Mỹ cho rằng, dường như Nga và Ả-Rập Xê-Út đang “cố tình” nhắm vào ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ sau khi chính quyền Trump theo đuổi chính sách “thống trị năng lượng” toàn cầu để xuất khẩu dầu khí sang châu Âu và châu Á.
Nước Mỹ đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp dầu đá phiến với công nghệ nứt vỡ thủy lực (hydraulic fracturing hay fracking) từ đó khiến cho việc khai thác loại dầu này trở nên dễ dàng với chi phí giảm thiểu và thời gian ngắn hơn. Và cũng nhờ sự bùng nổ từ công nghệ dầu đá phiến, Mỹ đã vượt qua Ả Rập Saudi và Nga để trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới.
Các công ty dầu đá phiến của Mỹ đã trở thành những người được hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận hạn chế sản lượng để tăng giá giữa Nga và OPEC. Bằng cách giữ giá tăng cao hơn và hạn chế sản lượng của Ả-Rập Xê-Út, đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông đã củng cố sự bùng nổ ngành công nghiệp dầu đá phiến ở Mỹ lần đầu vào quãng thời gian 2011 đến năm 2014 và giai đoạn thứ hai 2017 đến năm 2018).
Tuy nhiên, thỏa thuận ba năm “kiềm chế sản xuất” giữa Nga và OPEC sẽ chấm dứt vào cuối tháng 3 này. OPEC muốn Nga ngồi vào bàn đàm phán để cùng đưa ra một thỏa thuận khác về việc cắt giảm sản lượng dầu thô trên toàn thế giới nhưng mọi thứ đã “đổ vỡ” sau khi hai bên đều giữ quan điểm riêng của mình.
Thời điểm này, giá dầu thấp đang “tàn phá” túi tiền của các nhà sản xuất dầu thô của Mỹ, nơi mà chi phí sản xuất dầu đá phiến cao hơn khá nhiều so với các đối tác và đối thủ của họ ở Ả-Rập Xê-Út và Nga. Các công ty dầu mỏ của Mỹ, vốn không tham gia bất kỳ hiệp ước hạn chế sản lượng dầu mỏ nào lại đang là một trong những người đầu tiên cảm thấy sức nóng đầu tiên. Khi giá dầu thế giới giảm mạnh, họ bắt buộc phải công bố kế hoạch cắt giảm cổ tức và hạn chế chi tiêu.
Có thể bạn quan tâm
05:26, 14/03/2020
11:53, 14/03/2020
06:30, 17/03/2020
Theo tờ Wall Street Journal đưa tin, chính quyền của Tổng thống Trump được cho là đang xem xét một “nỗ lực ngoại giao” để khiến Ả-Rập Xê-Út “đóng vòi dầu” và đồng thời sử dụng mối "đe dọa trừng phạt" đối với Nga để buộc họ phải giảm sản lượng.
Trước đây, Mỹ đã từng đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với đường ống khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 của Nga đến Đức và một đơn vị của công ty dầu mỏ Rosneft vì đã tiếp thị dầu ở Venezuela.
Bên cạnh việc “trừng phạt” đối với Nga, Mỹ cũng áp dụng chính sách ngoại giao “mềm dẻo” với Ả-Rập Xê-Út. Chín thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa, trong đó có Kevin Cramer của Bắc Dakota, người đã khuyên Trump về chính sách “thống trị năng lượng” trong chiến dịch tranh cử năm 2016, đã có một cuộc gọi vào hôm thứ tư vừa qua với Đại sứ Ả-Rập Xê-Út, Reema bint Bandar bin Sultan, với hy vọng thuyết phục nước này hạn chế sản xuất.
Đích thân D.Trump đã có cuộc trò chuyện “thân mật” để trao đổi về thị trường dầu mỏ với Thái tử Mohammed bin Salman. Ngoài ra, Đại sứ Mỹ tại Ả-Rập Xê-Út, John Abizaid cũng đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng năng lượng của nước này.
Theo các chuyên gia đánh giá, nước Nga thời điểm này đang có một nền kinh tế đa dạng và không phụ thuộc “tất tay” vào dầu mỏ như Ả- Rập Xê-út. Ngoài ra, họ còn tích lũy một khoản dự trữ ngoại tệ lên đến 570 tỷ USD, cùng với chính sách đồng rúp linh hoạt, cho phép nước này nhanh chóng tiến hành các tùy chỉnh theo diễn biến thị trường. Ngược lại, Ả- Rập Xê-út lại có tỷ lệ dư nợ trên GDP rất thấp, chỉ rơi vào khoảng 25%, mang lại cho nước này nhiều tiềm năng đi vay. Ngoài ra, họ cũng đang chuẩn bị “đạn dược” là khoản dự trữ ngoại tệ rơi vào khoảng 500 tỷ USD.
Trong cuộc chiến dài hơi và tốn kém này, rõ ràng là các đối thủ đều có thể “ngã ngựa” bất cứ thời điểm nào khi các khoản dự trữ ngoại tệ cạn kiệt và không chịu nổi sự “tra tấn” của giá dầu tụt giảm.
“Cuộc chiến dầu mỏ” hiện này là không tránh khỏi khi cả Nga và OPEC không tìm được tiếng nói chung. Nhưng tại thời điểm mà dịch bệnh COVID-19 đang tàn phá các nền kinh tế trên toàn cầu thì liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để tổ chức cuộc chiến giữa hai bên?
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết rằng ông sẽ tham gia vào cuộc chiến giá dầu giữa Ả-Rập Xê-Út và Nga vào một thời điểm “hợp lý” và trong một phát biểu ở Nhà Trắng vào hôm thứ 5 vừa qua, ông cũng nói rằng giá xăng dầu thấp đang là một động thái tốt cho người tiêu dùng Mỹ ngay cả khi điều đó đang làm tổn thương ngành công nghiệp của nước này. Có lẽ, hiện tại mối quan tâm hàng đầu của ngài Tổng thống đang là dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên khắp nước Mỹ và cuộc chiến bầu cử đang đến rất gần.