Các hiệp định thương mại tự do (FTA) được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy phát triển cho nhóm doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, nhưng cơ hội không dành cho tất cả doanh nghiệp.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital nhận định, nhóm doanh nghiệp nội địa nổi bật nhất sẽ định hình lại ngành sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới. Đáng chú ý là, cơ hội sẽ không dành cho số đông, biến động thị trường do nhóm thiểu số tạo ra sẽ là rủi ro cho rất nhiều doanh nghiệp khác. “Đây cũng là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp già cỗi bán mình”, ông Tuấn nói.
Mặc dù vậy, ông Tuấn vẫn nhìn nhận, mặt tích cực từ các FTA chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tự thay đổi để cạnh tranh về năng lực sản xuất, công nghệ và định vị lại thương hiệu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước cần tránh những “cái bẫy” được tạo ra từ các FTA. Theo ông Tuấn, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung thường chọn đầu tư vào bất động sản, thay vì đầu tư vào năng lực cốt lõi. Đây là rủi ro mà rất nhiều doanh nghiệp mắc phải, do phần lớn đang quản trị tài chính dựa trên kinh nghiệm, không tối đa hóa được cơ cấu vốn.
“Các doanh nghiệp thường nhìn vào những trường hợp thành công nhờ đầu tư bất động sản rồi tham gia, nhưng không nhận ra rằng, những người thất bại rất nhiều”, ông Tuấn chia sẻ.
Về phần mình, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc U&I Group khuyến nghị nhấn mạnh một phương pháp tự làm mới mình mà các công ty trực thuộc U&I Group thường áp dụng là chọn một doanh nghiệp lớn trên thế giới hoạt động cùng ngành để làm mục tiêu phấn đấu. “Chúng ta hãy phấn đấu đạt được ngang với họ về quy trình sản xuất, công nghệ rồi hãy nghĩ tới việc vượt qua họ”, ông Tín nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm