Không chỉ là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ tại các quốc gia châu Phi đang hứa hẹn sẽ bùng nổ trong năm 2020.
Công nghệ đang trở thành lĩnh vực thu hút đầu tư mới tại châu Phi
Tiềm năng "lục địa đen"
Hiện nay, làn sóng các doanh nhân trẻ, đầy tham vọng đang thay đổi bộ mặt kỹ thuật số của lục địa đen trong các lĩnh vực khác nhau đang truyền cảm hứng và mang lại nguồn đầu tư lớn về cho châu Phi từ những nơi có chỉ số kết nối công nghệ thông tin vẫn còn rất thấp.
William Kamkwamba ở Malawi là một trong tấm gương điển hình của những người trẻ đam mê công nghệ của châu Phi. Anh đã tìm cách khai thác năng lượng gió để vận hành các thiết bị điện và hệ thống tưới tiêu cho các hộ gia đình tại ngôi làng mà anh đang sinh sống.
Ngoài ra, Muthoni Wanyoike (Kenya) và Jade Abbott (Nam Phi) là hai người phụ nữ châu Phi đi đầu trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo (AI) tại châu Phi khi họ sử dụng AI để giải quyết và mang lại cơ hội những phụ nữ khác.
Có thể bạn quan tâm
15:46, 27/10/2019
17:30, 19/10/2019
22:19, 10/09/2019
Có thể thấy, những ví dụ trên đang mang đến những triển vọng tích cực cho việc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại khu vực châu Phi. Báo cáo thường niên về lĩnh lực khởi nghiệp công nghệ châu Phi cho thấy, 210 công ty khởi nghiệp công nghệ tại ‘’lục địa Đen’’ trong năm 2018 đã thu hút thành công 334,5 triệu USD vốn đầu tư, tăng 75% về lượng vốn và 32,1% về số công ty khởi nghiệp được cấp vốn.
Số liệu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra, số vườn ươm khởi nghiệp tại châu Phi đã tăng lên khoảng 443, từ mức 10 cách đây một thập niên.
Đây được cho là con số kỷ lục kể từ khi làn sóng start-up công nghệ bắt đầu xuất hiện tại lục địa này gần một thập niên trước. Trong đó, Nigeria đã vượt Nam Phi trở thành quốc gia thu hút nhiều nhất vốn đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ trong năm 2018 với 95 triệu USD, tiếp theo là Nam Phi với 60 triệu USD.
Ai Cập cũng đang trở thành một trong những trung tâm thu hút nhiều vốn đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ tại châu Phi, sau khi thu hút được 59 triệu USD trong năm 2018.
Về lĩnh vực, các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (fintech) thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất với 133 triệu USD, chiếm tới 39,7% tổng số vốn huy động được trong năm 2018. Tiếp theo là các start-up công nghệ giáo dục, thương mại điện tử, công nghệ chăm sóc sức khỏe và công nghệ nông nghiệp.
Những gã khổng lồ công nghệ như Google, IBM và Microsoft đã nhìn thấy tiềm năng và đang đầu tư vào châu Phi. Ngoài ra, công ty điện thoại di động Trung Quốc Huawei Technologies và tập đoàn phát triển phần mềm của Đức cũng đang bắt đầu đẩy mạnh sự hiện diện tại châu lục này.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia Zandre Campos, CEO của ABO Capital đã phân tích, việc châu Phi là một cộng đồng đang phát triển nhanh chóng và liên tục cải thiện các vấn đề xã hội của họ đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp bên ngoài nên đầu tư vào khu vực này.
Trong đó, đổi mới công nghệ là cơ hội đầu tiên các doanh nghiệp nên xem xét vì điều này sẽ mang đến nhiều giải pháp khác nhau cho nền kinh tế Châu Phi.
Đồng thời làm thay đổi sinh kế của người dân sinh sống trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển những lĩnh vực khác, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, khi thanh khoản đang là một trong những rào cản lớn nhất để các quốc gia châu Phi nhập khẩu hàng hóa, cải thiện sự thiếu hụt thực phẩm.
Mặt khác, châu Phi cũng được các nhà đầu tư đánh giá cao nhờ sở hữu dân số trẻ, hứa hẹn sẽ là một thị trường tiêu thụ lớn trong thập kỷ tới. Cùng với xu hướng sử dụng điện thoại thông minh đang ngày một phát triển mạnh mẽ, giới trẻ "lục địa đen" đã phát triển nhiều giải pháp sáng tạo của riêng họ và đang chờ các nhà đầu tư giúp đưa ra thị trường.
Chính vì vậy, các quốc gia châu Phi đang nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ để đạt được bước nhảy vọt trong sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, lĩnh vực này được các chính phủ quan tâm, thiết lập nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Vượt qua rào cản
Cho đến hiện nay, châu Phi vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức khi tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia vẫn còn đình trệ. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang đẩy mạnh đầu tư vào xây dựng công nghệ, viễn thông vào thị trường châu Phi với sự tiên phong của Tập đoàn Viettel.
Tuy nhiên, việc biến động tỷ giá cùng những rủi ro thanh toán tại các quốc gia khu vực châu Phi gây ảnh hưởng rất lớn khiến các doanh nghiệp vẫn còn e dè đầu tư vào thị trường này.
Do đó, để tạo được sự đột phá, các quốc gia châu Phi vẫn cần nhiều cải cách hơn nữa về mặt chính sách, đồng thời ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng mềm và cứng để phát triển kênh thanh toán trực tuyến. Khả năng thâm nhập internet của Châu Phi vẫn ở mức thấp 25% và truy cập vào điện cũng ở mức trung bình 43% so với 87% trên toàn cầu.
Tương lai của sự phát triển chắc chắn là ở Châu Phi. Khu vực này cũng đang ngày càng trở thành một trung tâm đầu tư công nghệ và khởi nghiệp định hướng thương mại trong tương lai. Chính vì vậy, cơ hội đầu tư tại châu Phi đang mở ra những tiềm năng lớn để có thể bắt tay ngay từ những giai đoạn đầu.