Doanh nghiệp

Củng cố nội lực, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Hạnh Lê 11/04/2025 03:50

Thương mại toàn cầu thay đổi, cần chủ động ứng phó với thuế đối ứng đồng thời trau dồi nội lực, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Tận dụng 90 ngày tạm hoãn thực hiện thuế đối ứng 46% của Mỹ với Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chuyên hàng xuất Mỹ đã chủ động đàm phán với các đối tác để chia sẻ rủi ro về thuế đối ứng và thúc đẩy xuất khẩu.

may mac
Nhiều doanh nghiệp chuyên hàng xuất Mỹ đã chủ động đàm phán với các đối tác và thúc đẩy xuất khẩu

Là doanh nghiệp có hơn 90% hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Thăng - Giám đốc điều hành Tổng công ty May Đáp Cầu cho biết: ngay khi có thông báo tạm hoãn thực hiện thuế đối ứng 46% của Mỹ với Việt Nam, các đối tác đã chốt đơn và đơn hàng đã quay trở lại.

Hiện dù ngành dệt may đang bị áp thuế 10% nhưng có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác. Ngoài lợi thế về mức thuế, các doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng nhiều mặt hàng mà các nước không làm được; được bạn hàng tín nhiệm và đánh giá tốt về chất lượng, tiến độ giao hàng, tuân thủ thủ tục, quy định.

Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá 90 ngày tạm hoãn thực hiện thuế đối ứng 46% của Mỹ là khoảng thời gian để Việt Nam tiến hành đàm phán thương mại, làm rõ những vấn đề mà Mỹ quan tâm.

GS TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Việt Nam có thời gian chuẩn bị những giải pháp để ứng phó với những thay đổi và là thời gian để chúng ta biết thực sự tác động của việc Mỹ áp thuế quan đối ứng với toàn thế giới…

Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh: một trong những nguyên tắc, giải pháp cần tuân thủ trong quan hệ thương mại với Mỹ là minh bạch xuất xứ. Nguyên liệu sản xuất không phải một nước cung ứng từ đầu đến cuối nhưng cần làm rõ giá trị gia tăng, phần thực sự được tạo ra ở Việt Nam chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong từng loại hàng hoá. Đây sẽ là căn cứ để Mỹ xem xét đánh thuế.

Đó là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, dù kết quả thế nào thì một điều rõ ràng là hoạt động thương mại toàn cầu đã thay đổi so với trước đây, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo.

nang luc DN
Về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo

Trong khuyến nghị giảm thiểu tác động tiêu cực với chính sách thuế đối ứng, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho rằng, cùng với giải pháp tăng cường đối thoại song phương với Mỹ, khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại công bằng và đáng tin cậy, cần cải thiện những yếu tố mà Mỹ cho rằng Việt Nam đang bảo hộ, cạnh tranh không lành mạnh; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ…

Từ góc nhìn khác, TS Vũ Thành Tự Anh - Đại học Fulbright Việt Nam đề cập đến bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và cạnh tranh các nước lớn ngày càng gay gắt khiến cho nội lực của nền kinh tế trở nên rất quan trọng. Chỉ bằng cách phát triển kinh tế tư nhân mới trau dồi nội lực, thúc đẩy tăng trưởng cao.

Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế - vấn đề này đã được đề cập nhiều. Quan trọng nhất, thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào các nguồn lực đầu vào như hiện nay sang tăng trưởng theo năng suất lao động. Để làm được điều này, cần thiết phát triển khoa học công nghệ, lao động có kỹ năng, các thể chế dung hợp và thị trường quốc tế.

Do vậy, theo TS Vũ Thành Tự Anh ngoại giao kinh tế trong thời gian tới là tối quan trọng. Đây là vấn đề trước đây cũng đã rất quan trọng nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ như hiện nay, có nhiều bất định thì ngoại giao kinh tế càng có ý nghĩa. Việt Nam nhìn thấy trước, xa hơn những vấn đề sắp diễn ra nhằm lựa chọn các biện pháp phù hợp nhất cho mình cũng như chuẩn bị tâm thế cho doanh nghiệp và xã hội, trong một thế giới đầy biến động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Củng cố nội lực, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO