Sau khi Úc yêu cầu các công ty công nghệ trả tiền cho các cơ quan báo chí, Facebook tuyên bố sẽ chặn mọi cơ quan và người dùng chia sẻ hoặc xem những nội dung tin tức về quốc gia này và tin quốc tế.
Trong thông báo mới nhất, William Easton, Giám đốc điều hành Facebook Australia và New Zealand cho biết, nền tảng của mình sẽ chặn mọi nội dung tin tức liên quan đến Australia và không cho người dùng tại Australia đọc tin tức trong nước lẫn quốc tế.
Ngay lập tức, các trang tin tức đã dừng hoạt động và đưa ra thông báo lỗi cho một số người dùng. Và đến 9 giờ sáng tại Sydney, tác động đã rõ ràng và thậm chí còn lan rộng. Ngoài việc tin tức bị chặn, các trang page của trung tâm Cứu hỏa và Cứu hộ New South Wales, Cục Khí tượng và các sở cảnh sát thuộc các bang nước Úc đều đã bị xóa sạch.
Thậm chí, ngay cả các trang của chính quyền tiểu bang đăng tải những thông tin về đại dịch cũng bị chặn. Điều này gây ra sự phẫn nộ từ nhiều quan chức và các nhà lập pháp Úc.
Đây là phản ứng của Facebook trước việc Quốc hội Australia chuẩn bị thông qua dự luật yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia. Được biết, Google đã đạt thêm thỏa thuận với tập đoàn truyền thông News Corp toàn cầu sau khi đạt được sự thống nhất với hai tập đoàn truyền thông lớn của Australia là Seven West và Nine.
Có thể thấy, trong nhiều năm, hai gã khổng lồ công nghệ đã đối xử với các nhà xuất bản tin tức ít nhiều giống nhau. Cả hai đều có ít động lực để trả tiền cho các cơ quan báo chí để có nội dung và thông tin chất lượng, khi cả Facebook và Googe đều đã giúp các cơ quan báo chí thu hút rất nhiều độc giả thông qua việc chia sẻ nội dung trên cả hai nền tảng này.
Việc trao đổi giá trị giữa Facebook và các cơ quan báo chí đã mang lại nhiều lợi ích cho một số tòa soạn. Năm 2020, Facebook đã tạo ra khoảng 5,1 tỷ lượt giới thiệu miễn phí cho các cơ quan báo chí ở Úc, trị giá ước tính khoảng 407 triệu AUD.
Nhưng theo các chuyên gia trong ngành công nghiệp tin tức cũng cho biết, những nguồn thông tin kịp thời chính xác từ các tòa soạn báo, một nguồn đáng tin cậy chính là giá trị mà cả hai gã khổng lồ kỹ thuật số được hưởng.
Trong những năm gần đây, cả Facebook và Google đã bắt đầu trả tiền cho các tờ báo cung cấp tin tức thông qua các chương trình khác nhau sau khi những lời chỉ trích về thông tin sai lệch trên nền tảng gia tăng và làm tăng nhu cầu đọc các bài viết chất lượng hơn.
Tuy nhiên, cuộc chiến ở Australia xoay quanh quyền quyết định và vị thế đàm phán. Google và Facebook được hiểu là đang cố gắng duy trì vị thế trong quyết định chi trả cho báo chí.
Với luật được đề xuất ở Australia, nếu các cơ quan báo chí và các nền tảng công nghệ như Google không thể thống nhất giá cho nội dung tin tức, một cơ quan trọng tài độc lập sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp. Điều này cũng đồng nghĩa nguy cơ bị áp giá.
Trong khi đó Pháp, chính phủ quốc gia này cho phép đàm phán với các tòa soạn, sử dụng các tiêu chí mà nền tảng đã thiết lập, bao gồm khối lượng tin bài xuất bản hàng ngày, lưu lượng truy cập hàng tháng, hay cả mức độ đóng góp cho thông tin chính trị và chính thống. Đó chính là lý do vì sao Facebook đồng thuận trả tiền cho dịch vụ tin tức tại một số quốc gia châu Âu.
Mặt khác, theo Siva Vaidhyanathan, giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Virginia, cho biết, Facebook và Google có cách đánh giá tin tức khác nhau. Sứ mệnh của Google từ lâu đã là tổ chức thông tin của thế giới, một tham vọng không thể đạt được nếu không có tin tức cập nhật từng phút.
Nhưng với Facebook, tin tức không phải là trọng tâm. Thay vào đó, công ty tự định vị mình như một mạng lưới người dùng kết nối với nhau để chia sẻ ảnh, quan điểm chính trị, meme trên internet, video, và đôi khi là các bài báo. Bên cạnh đó, Úc không phải là thị trường lớn của Facebook. Do đó, công ty này đã lựa chọn không nhượng bộ trong “cuộc chiến” tin tức tại đây.
Cuộc chiến của Facebook tại Úc đang là tín hiệu mà doanh nghiệp này gửi đến các quốc gia khác, đặc biệt là các nước thuộc Liên minh châu Âu và Canada về việc họ sẽ nhận hậu quả gì nếu muốn “nắn gân” Facebook. Nhưng điều đó cũng có thể phản tác dụng một cách ngoạn mục. Nếu các quốc gia quyết định liên kết và đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, Facebook sẽ đứng trước nguy cơ mất đi hàng loạt thị trường lớn.
Có thể bạn quan tâm