Đã đến lúc Trung Quốc chấp nhận nước này không còn là "quốc gia đang phát triển"!

AN CHI 28/08/2020 05:00

Trung Quốc rõ ràng không còn là một nước nghèo sau 4 thập kỷ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định.

Trung Quốc rõ ràng không còn là một nước nghèo sau 4 thập kỷ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định. Theo dữ liệu chính thức từ WTO, nền kinh tế của nước này đã tăng trưởng trở lại trong quý II, thậm chí tăng 3,2% ngay cả khi nhiều nền kinh tế phát triển lớn “lao đao” dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Các công ty Trung Quốc sẽ phải phát triển thêm công nghệ bản địa và xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng và dịch vụ được cải thiện

Các công ty Trung Quốc sẽ phải phát triển thêm công nghệ bản địa và xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng và dịch vụ được cải thiện

Đầu năm nay, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu cho thấy GDP bình quân đầu người hàng năm của quốc gia này đã lần đầu tiên vượt 10.000 USD, trong khi theo một số số liệu của các đơn vị độc lập khác cho thấy, số tỷ phú tại Trung Quốc nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.

Chính sự tăng trưởng kinh tế được xem là bền vững của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý từ các quốc gia khác đang tìm kiếm ý tưởng thúc đẩy sự phát triển của chính họ. Nhưng cũng chính điều này đã khiến Mỹ và một số nền kinh tế tiên tiến khác lập luận rằng Trung Quốc đã không còn được xem là một quốc gia “đang phát triển” để có thể được hưởng ưu đãi như một thị trường mới nổi theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới hay các hiệp định quốc tế khác.

Trung Quốc nhận thấy mình sẽ chỉ được rất ít lợi ích từ sự thay đổi này. Do đó, Bắc Kinh đã ra sức biện minh và đưa ra các chỉ số như tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ mù chữ ở người trưởng thành hay tuổi thọ trung bình của người dân vẫn còn thấp, để lập luận rằng quốc gia này vẫn nên được coi là một nền kinh tế đang phát triển vì mục đích thương mại và viện trợ.

Thật vậy, Trung Quốc cũng kém các nước phát triển về các chỉ số như thu nhập bình quân đầu người hay sự ổn định của các thể chế. Tuy nhiên, những thách thức chính mà Trung Quốc phải đối mặt không giống với những nước đang phát triển khác như Myanmar và Lào hiện phải đối mặt. Thay vào đó, nền kinh tế Trung Quốc mang nhiều đặc điểm giống với những "nền kinh tế đầy khát vọng" như Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ hơn!

Trung Quốc chắc chắn đã đi được một chặng đường dài từ đầu những năm 1970 khi thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 120 USD/ năm. Nền kinh tế Trung Quốc chỉ bắt đầu ghi nhận những bước tăng trưởng khiêm tốn khi các cải cách kinh tế cho phép kinh tế tư nhân hoạt động vào năm 1979. Đến năm 1997, Ngân hàng Thế giới chính thức công nhận Trung Quốc là nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Năm 2010, ngân hàng này đã nâng cấp Trung Quốc lên thành quốc gia có mức thu nhập bình quân của người dân trên mức trung bình.

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc không gây ra được nhiều ấn tượng, vì Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nền kinh tế châu Á khác trước đó đã có mức tăng trưởng dài hạn tương đối mạnh mẽ. Nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội lại đặc biệt ổn định trong hơn bốn thập kỷ với rất ít những cú vấp.

Trung Quốc ngày nay đã tập trung mạnh mẽ vào việc nâng cao chuỗi giá trị và nỗ lực vươn mình để trở thành nhà lãnh đạo công nghệ thế giới. Không giống như ở một số nước phương Tây, các tổ chức có liên quan đến nhà nước ở Trung Quốc đang thực hiện phần lớn công việc tiếp thu và cải tiến công nghệ nước ngoài để giúp nâng cao năng lực của ngành công nghiệp Trung Quốc. Do Trung Quốc vẫn đang bắt kịp trong nhiều lĩnh vực về công nghệ và năng suất, nên Trung Quốc có thể tiếp tục trong một số năm để tiếp thu và cải tiến các thiết kế sản phẩm công nghệ sẵn có.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc bắt đầu đạt đến mức bẫy thu nhập trung bình từ 12.000 đến 15.000 USD trong thập kỷ tới, những cải tiến công nghệ nói trên sẽ tạo ra ít giá trị hơn. Các công ty Trung Quốc sẽ phải phát triển thêm công nghệ bản địa, cũng như xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng và dịch vụ được cải thiện. Mặc dù Chính phủ có thể đưa ra các gói hỗ trợ hay các chính sách thuận lợi, nhưng về bản chất các doanh nghiệp phải tự nỗ lực để khẳng định mình nếu không muốn bị nhấn chìm trong biển lớn.

Một nhà máy dệt ở Thanh Đảo, ảnh vào tháng 10 năm 2019: Trung Quốc tập trung mạnh mẽ vào việc nâng cao chuỗi giá trị.

Trung Quốc tập trung mạnh mẽ vào việc nâng cao chuỗi giá trị. Ảnh: Một nhà máy dệt ở Thanh Đảo, tháng 10 năm 2019

Có một thực tế rằng các nền kinh tế đang phát triển sẽ không có khả năng sáng tạo ra những sản phẩm khác biệt, có giá trị gia tăng cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các nền kinh tế này sẽ khó vươn lên hàng ngũ các nền kinh tế phát triển và trên thực tế Trung Quốc hiện đang đối mặt với vấn đề này.

Tuy nhiên, Trung Quốc hoàn toàn có thể tự rút ra bài học từ những tấm gương của các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc thúc đẩy công nghệ, xây dựng thương hiệu bản địa, cũng như học tập kinh nghiệm của những quốc gia khác đã thất bại trong nỗ lực tự khẳng định mình.

Trung Quốc không còn là một nền kinh tế mới nổi và cũng không còn là một nền kinh tế đang phát triển trong gần một thập kỷ qua. Có thể Đại diện Thương mại Mỹ đã hành động vội vàng khi tuyên bố rằng Washington sẽ bắt đầu coi Trung Quốc là một quốc gia phát triển vì mục đích thương mại vào tháng Hai năm ngoái, các cơ quan đa phương nên có cái nhìn mới mẻ về những quốc gia đang “lửng lơ” giữa hai trạng thái kinh tế như vậy!

Trong khi Trung Quốc đánh giá cao vị thế là một nền kinh tế đang phát triển về các đặc quyền và nghĩa vụ thương mại theo các quy định của hiệp định về biến đổi khí hậu, thì ở khía cạnh nào đó Bắc Kinh nên đánh giá cao việc được công nhận là "phát triển" sẽ đồng nghĩa với việc nhận được những lợi ích riêng khác.

Việc Trung Quốc đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 trong phạm vi biên giới của mình, xây dựng các bệnh viện mới chỉ trong vài ngày hay phát triển các phương pháp thử nghiệm mới…. đã cho Bắc Kinh cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo và xây dựng ảnh hưởng của mình. Một Trung Quốc phát triển, đồng thời thực hiện vai trò lãnh đạo có trách nhiệm là rất quan trọng đối với sự ổn định của châu Á cũng như trong những nỗ lực chống đói nghèo trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • “Áo giáp” trên mặt trận Biển Đông của Trung Quốc

    “Áo giáp” trên mặt trận Biển Đông của Trung Quốc

    15:00, 27/08/2020

  • Khủng hoảng Mỹ-Trung gia tăng, Trung Quốc sẽ làm gì để đáp trả Mỹ?

    Khủng hoảng Mỹ-Trung gia tăng, Trung Quốc sẽ làm gì để đáp trả Mỹ?

    06:00, 27/08/2020

  • Tập trận dồn dập ở Biển Đông: Trung Quốc sẵn sàng “đối đầu” với Mỹ?

    Tập trận dồn dập ở Biển Đông: Trung Quốc sẵn sàng “đối đầu” với Mỹ?

    04:00, 27/08/2020

  • Biển Đông: Mối hiểm nguy từ dân quân biển của Trung Quốc

    Biển Đông: Mối hiểm nguy từ dân quân biển của Trung Quốc

    05:00, 26/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đã đến lúc Trung Quốc chấp nhận nước này không còn là "quốc gia đang phát triển"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO