Đà Nẵng bị "truy" tài liệu vụ đấu giá đất 600 tỷ

Theo Nhadautu.vn 25/10/2018 08:10

Bộ Tư pháp đề nghị UBND TP. Đà Nẵng cung cấp bản sao toàn bộ các văn bản trả lời của UBND TP. Đà Nẵng và các Sở, ngành hữu quan đối với kiến nghị, phản ánh của Công ty TNHH MTV Vipico.

Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) ngày 22/10 vừa có công văn gửi UBND TP. Đà Nẵng liên quan đến vụ đấu giá lô đất A20 rộng 11.487 m2 trên đường Võ Văn Kiệt, Quận Sơn Trà.

Theo đó, để Bộ Tư pháp có thông tin đầy đủ, tin cậy, chính xác phục vụ việc xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan việc thi hành pháp luật liên quan đến thủ tục giao đất cho doanh nghiệp sau khi hoàn tất thủ tục nộp tiền đấu giá vào ngân sách TP. Đà Nẵng, Cục QLXLVPHC&TDTHPL đề nghị UBND TP. Đà Nẵng cung cấp bản sao toàn bộ các văn bản trả lời của UBND TP. Đà Nẵng và các Sở, ngành hữu quan đối với kiến nghị, phản ánh của Công ty TNHH MTV Vipico.

Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng ngày 15/10 có công văn gửi Bộ Tư pháp về diễn biến vụ việc, nhấn mạnh cơ quan này đã thống nhất huỷ kết quả đấu giá với nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Vipico.

fggg

Lô đất A20 - "nhân vật" chính của vụ việc

Trúng đấu giá đất vàng, nhà đầu tư "ôm hận"

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, Công ty TNHH MTV Vipico ngày 27/6/2017 trúng đấu giá lô đất số A20 rộng 11.487 m2 tại đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Giá trúng là gần 653 tỷ đồng, cao hơn 240 tỷ đồng, tức là gấp 1,6 lần so với mức khởi điểm. Doanh nghiệp này sau đó nộp tiền sử dụng đất đợt hai (cả lãi phạt, chậm trả) muộn 52 ngày so với thời hạn của Cục Thuế Đà Nẵng.

UBND TP. Đà Nẵng sau đó muốn huỷ kết quả đấu giá, căn cứ theo Quyết định 01/2015/QĐ-UBND. Văn bản áp dụng pháp luật này tiếp tục được Kiểm toán Nhà nước dẫn giải, cho rằng cần huỷ kết quả đầu giá và thu hồi tiền cọc nộp về ngân sách Thành phố.

Tuy nhiên quan điểm trên của Đà Nẵng lẫn Kiểm toán Nhà nước đã gặp nhiều ý kiến trái chiều của các cơ quan, ban ngành.

Cụ thể, Bộ Tài chính ngày 9/2/2018 có công văn hướng dẫn Đà Nẵng áp dụng trường hợp của Vipico là chậm nộp tiền sử dụng đất, không thuộc diện huỷ kết quả đấu giá. Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ TNMT giữa tháng 8/2018 khẳng định Công ty Vipico đã trúng đấu giá và hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ, ký hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật.

Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng cũng tham mưu cho UBND Đà Nẵng rằng huỷ kết quả đấu giá với Công ty Vipico là không đảm bảo về cơ sở pháp lý.

Về Quyết định 01/2015 được UBND Đà Nẵng và KTNN viện dẫn, Cục Thuế Đà Nẵng cho biết quyết định này đã hết hiệu lực thi hành từ 1/7/2017, tức là trước thời điểm Công ty Vipico chính thức được công nhận trúng đấu giá (28/7/2017).

Bản thân Cục QLXLVPHC&TDTHPL (Bộ Tư pháp) ngày 9/10 cũng đã có công văn gửi UBND TP. Đà Nẵng, nêu quan điểm Công ty Vipico thuộc trường hợp chậm nộp tiền, không phải huỷ kết quả trúng đấu giá.

Cùng ngày 9/10, Văn phòng Chính phủ có công văn số 9777 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Giao UBND TP. Đà Nẵng kiểm tra, xem xét giải quyết các nội dung phản ánh, kiến nghị của Công ty Vipico theo đúng quy định pháp luật, có văn bản trả lời doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 31/11/2018.

Được và mất

Thay vì giao đất cho doanh nghiệp để triển khai dự án, quan điểm cứng rắn và chưa rõ ràng về mặt pháp lý, bỏ ngoài tai ý kiến tham mưu từ các cơ quan cả trung ương lẫn địa phương của UBND Đà Nẵng khiến vụ việc kéo dài hơn 8 tháng nay, cũng là quãng thời gian dự án bị đình trệ.

Con số này xem ra gấp nhiều lần 52 ngày chậm nộp của Vipico. Và quan trọng hơn cả, nó cho thấy hạn chế nhất định trong môi trường kinh doanh của Đà Nẵng, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước khẳng định tầm quan trọng của kinh tế tư nhân và nêu rõ quan điểm hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Chưa rõ động cơ thực sự của Đà Nẵng khi nhất quyết đòi thu hồi lô đất. Có thể lãnh đạo thành phố này muốn mạnh tay, lấy đây làm vụ điểm để "răn" các trường hợp khác. Tuy nhiên, như đã nhấn mạnh, căn cứ pháp lý của UBND Đà Nẵng đưa ra là không rõ ràng. Và nếu cơ quan này vẫn bất chấp, kiên quyết huỷ đấu giá, thì cái lợi đối với xã hội, e rằng khó bù đắp nổi những hệ luỵ. Đó là môi trường kinh doanh mà chính quyền không đứng về phía doanh nghiệp; là hơn 1ha đất vàng tiếp tục "đắp chiếu" thêm một thời gian với đơn vị có khi tính bằng năm, kéo lùi sự phát triển của bộ mặt đô thị; là một doanh nghiệp khó khăn, thậm chí phá sản, người lao động mất việc, ngân hàng cho vay bị ảnh hưởng...

Trong vụ việc lô đất A20, doanh nghiệp đã thể hiện sự cầu thị khi bằng mọi cách thức, huy động số tiền rất lớn (cả lãi phạt, lãi chậm nộp) nộp vào ngân sách Đà Nẵng. Dù có chậm trễ, song 52 ngày, nếu so với 5-7 năm, thậm chí cả thập kỷ "quây tôn, đắp chiếu" của nhiều dự án trên địa bàn, thì dường như không đáng để Đà Nẵng "xé bé ra to".

Lúc này, một quyết định thuận về tình, hợp về lý của Đà Nẵng sẽ là "chìa khoá" giải quyết vấn đề. Ngân sách đã thu về số tiền rất lớn, doanh nghiệp có đất triển khai dự án, có thu nhập để hoạt động, tiếp tục nộp thuế. Đà Nẵng qua đó "ghi điểm" trong mắt giới đầu tư, phù hợp với tinh thần Chính phủ kiến tạo của Đảng và Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đà Nẵng bị "truy" tài liệu vụ đấu giá đất 600 tỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO