Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội liên quan đến phương án quy hoạch hai dự án ở cửa sông Hàn.
>>> Thanh tra Đà Nẵng chỉ ra hàng loạt sai phạm tại chung cư F.Home
>>> Hệ lụy từ dự án treo Đà Nẵng (Bài cuối): Bao giờ dân được an cư?
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Đà Nẵng, 2 dự án trên đã nhiều lần phải điều chỉnh quy hoạch. Trong đó, lần gần nhất là năm 2020, UBND TP Đà Nẵng điều chỉnh theo hướng mở rộng tuyến đường ven sông, tăng diện tích cây xanh, bổ sung bãi đỗ xe công cộng và không còn các khối nhà cao tầng tại 2 dự án này, chỉ còn nhà biệt thự.
Đại diện Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, theo quy định, thành phố phải bồi thường cho 2 chủ đầu tư do dự án bị giảm mật độ xây dựng đơn vị ở, giảm diện tích đất ở mà chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước đó.
Tuy nhiên, ý kiến mới nhất của UBND TP Đà Nẵng cho rằng việc đề xuất cao tầng với khoảng cách các tòa tháp theo quy hoạch trước đây có thể xem xét nhằm phát huy tầm nhìn thoáng rộng ra sông Hàn. UBND TP Đà Nẵng cũng nhận định về mặt kiến trúc cảnh quan, việc tổ chức nhà thấp tầng dàn trải, kéo dài sẽ không phát huy được lợi thế của dự án ven sông, hiệu quả chiếu sáng về đêm cho sông Hàn không cao.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sự việc liên quan đến 2 dự án trên đã tồn tại suốt từ năm 2019 tới nay. Trong đó, dự án đầu tiên được biết với cái tên Marina Complex hiện do Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai góp vốn đầu tư.
Dự án được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết lần đầu vào năm 2011, điều chỉnh vào các năm 2015, 2016, và lần gần đây nhất tại Quyết định số 5197/QĐ-UBND ngày 15-9-2017.
Thông tin từ Sở xây dựng Đà Nẵng, qua các lần điều chỉnh, đến năm 2019, tổng diện tích dự án điều chỉnh giảm còn 117.311m2. Trong đó, diện tích đất phần đất liền là 107.311m2; diện tích phần đất mặt nước, cầu tàu giảm từ 63.003m2 còn 10.000m2. Ranh giới mặt nước cách luồng tàu chạy tăng từ 30m lên 60-200m. Tăng diện tích công viên, cây xanh từ 7.065m2 thành 24.415m2.
Khu vực phía sông điều chỉnh từ 13 khối tháp cao tầng còn 2 khối tháp (chiều cao từ 16 - 33 tầng) và 57 căn biệt thự, góp phần giảm áp lực về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tại khu vực; bố trí lối đi công cộng ven sông rộng 8m, không xây dựng tường rào và cổng vào khu vực phía sông tạo thuận tiện cho mọi người dân tiếp cận không gian dọc bờ sông.
>>> Sở Xây dựng Đà Nẵng nói gì về những lùm xùm tại chung cư F.Home?
Trong khi đó, dự án Olalani được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết lần đầu vào năm 2008, điều chỉnh vào các năm 2012, 2013, và gần nhất tại Quyết định số 713/QĐ-UBND ngày 24-1-2014. Hiện nay, dự án có diện tích hơn 81.000 m2 đã đầu tư hoàn thành cơ bản các hạng mục hạ tầng kỹ thuật.
Về phía chủ đầu tư 2 dự án bày tỏ doanh nghiệp đã quá vất vả, mệt mỏi khi phải nhiều lần điều chỉnh quy hoạch dự án và mong rằng họ chỉ phải thực hiện thêm một lần điều chỉnh quy hoạch cuối cùng để bắt tay vào xây dựng dự án.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, chủ đầu tư dự án Bất động sản - Bến du thuyền Đà Nẵng cho biết, doanh nghiệp đồng ý với ý kiến giảm mật độ nhà cao tầng tại dự án.
“Việc bỏ hết nhà cao tầng sẽ giảm giá trị dự án, đồng thời Đà Nẵng sẽ phải mất khoản tiền lớn để bồi thường và chúng tôi không hề mong muốn điều đó. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý việc giảm nhà cao tầng và sẽ mời tư vấn nước ngoài để thiết kế khối cao tầng xứng tầm theo đúng ý kiến của các ban, ngành Đà Nẵng”, bà Loan cho biết.
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng đề nghị, đối với dải đất công cộng ven bờ sông Hàn phải liên tục, không ngắt quãng. Khi làm cao tầng và biệt thự thì xem xét về mật độ, chiều cao, khoảng lùi, màu sắc công trình và hạn chế bố trí nhiều cụm nhà cao tầng án ngữ bên sông. Đồng thời, phải tính toán bố trí bãi đỗ xe công cộng phù hợp quy mô dân số.
“Lãnh đạo thành phố cũng nên ngồi lại với chủ đầu tư khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc phát sinh chi phí bồi thường trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, ông Thắng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm