Ở vị trí thứ 9/63 tỉnh thành theo Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI) vừa được VCCI công bố, Đà Nẵng đã lên kế hoạch cải thiện trong năm nay.
>>PCI 2022: Thước đo “đánh giá chất lượng điều hành kinh tế”
Với vị trí như trên, Đà Nẵng đã tụt 5 bậc so với năm 2021. Nói về các nguyên nhân ảnh hưởng đến thứ hạng, ông Lê Minh Tường, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho hay Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phân tích rằng, tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn, vì vậy địa phương sẽ nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong tương lai.
Trong đó, tại chỉ số tiếp cận đất đai Đà Nẵng giảm 0,9 điểm. Đối với việc tiếp cận thông tin có cải thiện, nhưng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng phải cải thiện hơn nữa.
Theo phân tích, những tài liệu khó tiếp cận nhất với doanh nghiệp lần lượt là bản đồ và các quy hoạch sử dụng đất, các kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Đây đều là các loại thông tin tài liệu phải công khai theo quy định nhưng trên thực tế hầu như chưa được cung cấp một cách đầy đủ, rõ ràng bởi các địa phương.
Theo thông tin, các doanh nghiệp tiếp cận thị trường khó khăn, nguyên nhân chính do các doanh nghệp đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải đáp ứng đầy đủ mới có thể gia nhập thị trường.
Cùng với đó, sau dịch Covid-19, số lượng lao động của doanh nghiệp không ở lại địa phương đã gây ảnh hưởng đến quá trình đào tạo và tuyển dụng của doanh nghiệp. Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng để hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội chung.
Cũng theo ông Lê Minh Tường, Đà Nẵng hiện nay vẫn gặp phải những khó khăn, trong đó nguồn lực của địa phương vẫn chưa được khơi thông khiến cho việc thu hút đầu tư còn hạn chế. Trong đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu.
Hoạt động triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn đang trong giai đoạn tập trung đầu tư. Song song là quỹ đất có quy mô lớn còn thiếu và chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, làm cơ sở để thu hút đầu tư.
“Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các bản án của tòa…”, ông Tường cho hay.
Để cải thiện chỉ số PCI và tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, Sở KH&ĐT Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 12 về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Tại kế hoạch, địa phương sẽ nỗ lực giữ vững tăng trưởng kinh tế, sớm vượt qua các khó khăn thách thức, phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2023.
Kế hoạch này cũng đề ra mục tiêu tổng sản phẩm xã hội (GRDP, giá so sánh 2010) tăng 6,5-7% so với ước thực hiện năm 2022. Song song, TP Đà Nẵng sẽ tập trung phối hợp với các bộ ngành Trung ương khẩn trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến các kết luận thanh tra, quy hoạch, thủ tục đầu tư.
Bên cạnh đó là hoàn thành Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050,hoàn thành các quy hoạch phân khu theo quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đồ án, bảo đảm tính kế thừa và không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư xây dựng đang triển khai.
Đà Nẵng cũng giao kế hoạch, công khai và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo quy định cho các nhiệm vụ, dự để có cơ sở triển khai thực hiện và giải ngân từ đầu năm 2023. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, các công trình động lực, trọng điểm.
Về phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, Đà Nẵng khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư và đưa vào sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin và công nghiệp phục vụ xúc tiến đầu tư, phối hợp giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình đưa vào vận hành Khu công viên phần mềm số 2. Đà Nẵng cũng sẽ sớm đưa vào khai thác, vận hành Cụm công nghiệp hỗ trợ khu công nghệ cao, sớm lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Khu công nghiệp Hòa Ninh,...
Đà Nẵng tiếp tục thực hiện có hiệu quả 15 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế xã hội quan trọng. Tiếp tục rà soát, thu thập thông tin, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh để đảm bảo các loại hình kinh tế phát triển ổn định và giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tiến tới khởi công triển khai đầu tư một số dự án động lực, trọng điểm đã được cấp phép đầu tư. Đẩy nhanh triển khai các thủ tục đảm bảo pháp lý thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2023.
“Sở mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong việc triển khai giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển”, Sở KH&ĐT Đà Nẵng đề cập.
Có thể bạn quan tâm
PCI 2022: Thái Bình chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư
00:58, 16/04/2023
Bắc Giang tăng 29 bậc, đột phá trong cải thiện thứ hạng PCI 2022
18:47, 12/04/2023
PCI 2022: Đăk Nông tăng 14 bậc, bứt tốc cải cách thủ tục hành chính
18:27, 12/04/2023
“Bí quyết” giúp PCI Bắc Ninh giữ vững Top 10
15:18, 12/04/2023