Trong năm 2022, Đà Nẵng sẽ chú trọng phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh,...
>>Miền Trung phát huy tiềm năng thu hút FDI
Tại chương trình xúc tiến đầu tư trong năm 2022, TP Đà Nẵng sẽ gắn định hướng ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo. Đồng thời, địa phương cũng sẽ kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ, hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước.
Mục tiêu mới của Đà Nẵng
Tại kế hoạch xúc tiến đầu tư, Đà Nẵng ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ... Đồng thời, địa phương cũng sẽ ưu tiên xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững.
Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường. Trong đó, để đạt được hiệu quả thành phố sẽ tăng quảng bá thu hút đầu tư trực tuyến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ....
Mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào và lao động; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng một nền kinh tế có tính thích nghi cao, có sức chống chịu tốt trong một thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.
Song song với đó, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh tế vùng, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao. Trong đó, chú trọng phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng trở thành hạt nhân phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Các Khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1) và các khu công viên phần mềm sẽ sớm được hoàn thiện cơ sở hạ tầng đảm bảo các hoạt động thu hút đầu tư trong thời gian tới. Từ các nỗ lực từ địa phương, việc thu hút đầu tư sẽ đem lại kết quả phát triển kinh tế bền vững trong mối tương quan với xã hội và môi trường, gắn thu hút đầu tư với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời
Để đạt được thành quả như kỳ vọng, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng địa phương cần xây dựng và thực thi các chương trình hỗ trợ, giải quyết, theo sát nhà đầu tư trong quá trình tiếp cận, quyết định đầu tư, đầu tư và hậu đầu tư...Đối với những dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao cần có chương trình hỗ trợ theo cách “ may đo” để thoả mãn tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư trên cơ sở quy định chính sách, pháp luật.
“Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế thu hút vốn đầu tư từ tư nhân cả trong, ngoài nước để tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ trong đó chú trọng hạ tầng phát triển công nghiệp, logistic...nhằm tạo thuận lợi, lợi thế của địa phương trong thu hút đầu tư, tạo lợi thế về kinh doanh, đầu tư tại khu vực với các khu vực khác. Chú trọng hơn công tác đào tạo nhân lực, đáp ứng tốt nhất nhu cầu lao động của các dự án đầu tư”, ông Nguyễn Tiến Quang nói.
Cũng theo Giám đốc VCCI Đà Nẵng, gắn việc lập các dự án thu hút đầu tư với cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để nhà đầu tư có thể tiếp cận nhanh nhất, đầy đủ nhất các thông tin, dự án đầu tư nhằm tạo điều kiện để nhà đầu tư thẩm định cơ hội và ra quyết định đầu tư nhanh nhất. Địa phương tránh thông tin chung chung nhà đầu tư phải đi nhiều “nơi” “gỏ” nhiều cửa mất nhiều thời gian làm nản lòng của nhà đầu tư.
“Nhà đầu tư đóng vai trò là người nắm bắt cơ hội đầu tư từ quy hoạch phát triển vừa là người giúp địa phương hiện thực hoá quy hoạch này. Đây cũng là cách thu hút đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư một cách minh bạch, đủ năng lực, thực hiện các dự án đầu tư, hiện thực hoá quy hoạch phát triển hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư và địa phương”, ông Quang nói thêm.
Ông Lê Minh Dương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Phía Nam (Văn phòng tại Đà Nẵng) cho rằng ở mức độ khu vực Đà Nẵng và miền Trung hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực đôn đốc các địa phương nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Song song với đó, địa phương đã ban hành danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... là một cơ hội lớn cho để tiếp tục thu hút đầu tư..
“Ngoài ra, với một loạt các dự án lớn về hạ tầng đang được qui hoạch, bố trí vốn, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký kết mới sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện tạo đà cho miền Trung sẵn sàng thu hút dòng vốn đầu tư mới, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông Lê Minh Dương nói.
Có thể bạn quan tâm