"Đánh thức" hạ tầng kỹ thuật vùng Đồng bằng sông Cửu Long

DIỆU HOA 11/06/2023 00:30

Cần nhanh chóng thúc đẩy phát triển hạ tầng, cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, minh bạch về pháp lý dự án…tạo động lực phát triển kinh tế bứt phá cho Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn mới.

>>“Khơi thông” logistics Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long” 

Ngày 18/06/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới để khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững toàn vùng và của các địa phương trong thời gian tới.

Phát biểu tại Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long” do Báo Xây dựng tổ chức chiều 10/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá, trong những năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng Đồng bằng sông Cửu Long được quan tâm, đẩy mạnh, đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Hệ thống giao thông và các loại hình giao thông được quan tâm đầu tư mới và chú trọng hơn về sự đồng bộ, tính kết nối, liên thông.

Tỷ lệ đô thị hóa tăng lên; chất lượng đô thị trong vùng từng bước được cải thiện, đảm bảo tốt hơn điều kiện sống cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, hạ tầng kỹ thuật Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn chưa đạt được yêu cầu phát triển như mong muốn và đây cũng chính là một điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn Vùng.

Nhận thức đúng vai trò, vị trí của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong, để thực hiện mục tiêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật là điều kiện thiết yếu và cấp bách.

Cũng chia sẻ tại Diễn đàn, ông Trần Việt Trường – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ cũng thẳng thắn nhìn nhận tồn tại hiện nay là GRDP bình quân đầu người của Vùng thấp hơn mức bình quân chung cả nước, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, thiếu các hạ tầng quan trọng làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Chưa có cảng đầu mối, trung tâm logistics lớn, hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp xuống cấp, nhiều khu vực còn là vùng trũng y tế, giáo dục của cả nước.

>>Cấp thiết xây dựng vùng nguyên liệu cho Đồng bằng sông Cửu Long

Nhiều ý kiến cho biết việc phát triển hạ tầng kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long là rất cấp thiết

Đồng quan điểm, TS. Phạm Hoài Chung - Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cũng chỉ ra hạn chế về hạ tầng kỹ thuật của vùng như các trục dọc , ngang kết nối và các cầu lớn nội Vùng chưa đầu tư hoàn chỉnh. Sự không đồng bộ giữa quy mô cầu bến cảng và luồng vào cảng là tồn tại lớn nhất đối với nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Điều này cũng dẫn đến việc chưa hình thành được các trung tâm logistics; chưa có các doanh nghiệp có quy mô lớn, giữ vai trò chủ đạo trong Vùng (hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp tại TP HCM hoặc các địa phương khác); thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các dịch vụ logistics; khả năng liên kết các địa phương, doanh nghiệp trong xây dựng, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics còn yếu,...

Theo ông Trần Việt Trường, để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, Cần Thơ đề xuất xây dựng Dự án “Kết nối đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ và đầu tư xây dựng Đường cao tốc trên cao” và đề nghị Bộ Xây dựng ghi nhận đề xuất này của Thành phố Cần Thơ để tổng hợp trình Chính phủ cho chủ trương.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cần Thơ cũng đề xuất đưa dự án Cầu Ô Môn tham gia vào chương trình DPO hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Trường hợp không thể cân đối đủ nguồn từ chương trình DPO, thành phố đề xuất thực hiện đầu tư theo phương thức hợp tác công tư PPP nhằm sớm thực hiện đồng bộ hạng tầng giao thông quan trọng này của Vùng.

TS. Phạm Hoài Chung cũng kiến nghị đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cảng biển Trần Đề ... cải tạo nâng cấp các tuyến đường kết nối vào các cảng biển, cảng thủy nội.

Phát triển hệ thống KCHT giao thông của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo đúng Quy hoạch đã đề ra, tập trung cho các dự án ưu tiên. Việc phát triển theo đúng quy hoạch sẽ đảm bảo lợi ích đóng góp tối ưu của KCHT giao thông đối với phát triển kinh tế- xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Đòn bẩy phát triển bất động sản tại Đồng bằng sông Cửu Long

    Đòn bẩy phát triển bất động sản tại Đồng bằng sông Cửu Long

    11:48, 06/06/2023

  • Gỡ điểm nghẽn cơ chế để Đồng bằng Sông Cửu Long

    Gỡ điểm nghẽn cơ chế để Đồng bằng Sông Cửu Long "cất cánh"

    14:50, 02/06/2023

  • PCI 2022: Lý giải việc Đồng Tháp duy trì vị trí đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

    PCI 2022: Lý giải việc Đồng Tháp duy trì vị trí đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

    04:51, 20/04/2023

  • “Khơi thông” logistics Đồng bằng sông Cửu Long

    “Khơi thông” logistics Đồng bằng sông Cửu Long

    13:22, 29/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Đánh thức" hạ tầng kỹ thuật vùng Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO