Nguồn tài nguyên đất hiếm - một loại khoáng sản ít được nhắc đến nhưng có vai trò vô cùng quan trọng với những nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ.
Đúng như dự báo, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn còn “dư địa” để hai bên triển khai các đòn đánh mới. Cũng có nghĩa rằng, mối lo xung đột quân sự tạm thời chưa xuất hiện vào lúc này.
Nếu ai có sở thích xem phim cổ trang dã sử Trung Quốc, hoặc mê nghiền ngẫm các tiểu thuyết nổi tiếng như Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, Tam Quốc…sẽ phần nào biết đến trình độ thâm thúy đỉnh cao chứa đựng trong đó, nhiều khi khiến người khác giật mình!
Người Trung Hoa còn có "đặc sản" Nho giáo, Đạo giáo vốn thâm trầm bí hiểm. Đó đều là cội nguồn tư tưởng hình thành nên cốt cách dân tộc này. Ngày nay ít nhiều “truyền thống” ấy được tái hiện.
Để thấy rằng, đối phó với Mỹ trong chiến tranh thương mại, Bắc Kinh không “ồn ào” như Washington, nhiều ngày qua giới quan sát quốc tế không thấy nhiều động thái trực tiếp của ông Tập, ngoài những đòn trả đũa có vẻ thiếu tính sát thương - không ồ ạt như những gói thuế to đùng hàng trăm tỷ USD mà ông Trump tuyên bố.
Nhưng sẽ chủ quan nếu xem Trung Quốc bất lực trong cuộc chiến này, mọi người dần dần sẽ nhận thấy Bắc Kinh vẫn có những quân bài át chủ dấu trong tay nải.
Một trong những quân bài ấy là nguồn tài nguyên đất hiếm - một loại khoáng sản ít được nhắc đến nhưng có vai trò vô cùng quan trọng với những nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ.
Đất hiếm được sử dụng trong ít nhất 9 ứng dụng trong khoa học kỹ thuật, như chế tạo nam châm vĩnh cửu, dùng trong công nghệ tuyển khoáng, viễn thông, lọc hóa dầu, công nghệ laser, vật liệu siêu dẫn...
Có thể bạn quan tâm
04:30, 12/10/2018
22:45, 14/07/2018
04:27, 19/10/2018
06:30, 16/10/2018
04:20, 15/10/2018
11:01, 06/10/2018
04:37, 05/10/2018
11:06, 04/10/2018
04:30, 01/10/2018
06:00, 28/09/2018
11:00, 27/09/2018
Không khó để thấy đất hiếm quan trọng thế nào với nền kinh tế Mỹ, 11/20 tập đoàn công nghệ lớn nhất hành tinh thuộc về Mỹ, thứ làm nên “giá trị Mỹ” phần lớn là kinh tế tri thức.
Không thể “đùa” với Trung Quốc khi nước này là “ông vua đất hiếm” của thế giới, khắp năm châu bốn biển hễ cứ tìm ra 10 kg đất hiếm thì có 9 kg ở Trung Quốc. Mặc dù khai thác đất hiếm tàn sát nghiêm trọng môi trường và con người nhưng nhiều năm trước - để biến nguồn khoáng sản này thành lợi thế cạnh tranh, Trung Quốc sẵn sàng đánh đổi.
Còn nhớ vào ngày 15/12/2010, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã phát đi cảnh báo về sự phụ thuộc vào nguồn đất hiếm của Trung Quốc, báo cáo này còn dự báo thời gian phụ thuộc ít nhất 15 năm tới, tức là đến năm 2025!
Đất hiếm trở thành cuộc cạnh tranh căng thẳng giữa các siêu cường, trong đó có cả Nhật Bản, Australia với nền công nghệ đồ sộ.
Trong các loại đất hiếm, ít nhất có 96% loại quan trọng nhất hiện đang được khai thác và sản xuất tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã thông qua công tác quản lý, kiểm soát để hạn chế xuất khẩu sản lượng đất hiếm, tạo điều kiện cho ngành chế tạo của họ.
Bản báo cáo của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã phản ánh một quan điểm mới, đó là Mỹ cần sở hữu nguồn đất hiếm để đảm bảo khả năng sống còn của ngành chế tạo năng lượng xanh của Mỹ. Bản báo cáo này đã đánh giá khá bi quan về khả năng Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc.
Với vị thế độc quyền, năm 2010, Trung Quốc đã khôn ngoan lợi dụng điều đó để tăng giá đất hiếm, đồng thời cấm xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản, sau một vài xung đột biên giới. Thời điểm ấy, giá đất hiếm đột nhiên tăng vọt!
Đó là vấn đề rất quan trọng vào lúc này, liệu Trung Quốc có ngưng bán đất hiếm cho Mỹ nếu như ông Trump tiếp tục kích hoạt gói thuế mới đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc?
Gần đây, các nước công nghệ cao không chịu bó tay trước nghịch cảnh phụ thuộc. Ngay sau khi Trung Quốc tăng giá đất hiếm, nhiều nước đã tự sản xuất nguồn nguyên liệu này.
Mỹ, Australia và Nhật đã làm giảm con số nắm giữ thị phần đất hiếm của Trung Quốc xuống 70% vào năm 2014. Ví dụ như ngành lọc hóa dầu giảm sử dụng đất hiếm từ 5% xuống 1,5%; Công ty Honda (Nhật) trình làng động cơ không sử dụng đất hiếm của Trung Quốc… Song song với đó là sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp tái chế.
Mặc dù vậy, tính đến cuối năm 2017 có tới 78% lượng nhập khẩu đất hiếm của Mỹ từ Trung Quốc. Tân Hoa Xã đã từng bình luận rằng: "Nếu không có đất hiếm từ Trung Quốc, hơn 80% thiết bị quân sự của Mỹ sẽ không hoạt động được, chỉ như vật trang trí".
Nếu chính quyền Trump áp thêm gói thuế 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thì chắc chắn Bắc Kinh sẽ không có đủ "đạn" để đấu với Washington. Bởi vậy, Trung Quốc sẽ phải tính đến chuyện sử dụng các vũ khí khác, trong đó đất hiếm có thể là một trong những lựa chọn của quốc gia này.