Leo thang xung đột Israel- Hamas ở Gaza hiện nay dường như không phải là một ưu tiên của Iran.
Kể từ khi nổ ra, xung đột Israel - Hamas đã được dự báo có thể dẫn tới một cuộc xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel – hai cường quốc quân sự ở Trung Đông.
>>COP28: "Nóng" vấn đề xung đột Israel – Hamas
Trên thực tế, lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn đã đe dọa mở một mặt trận mới chống lại Israel, hay những người theo đường lối cứng rắn của Iran đã cổ vũ cho một động thái can thiệp trực tiếp. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát quốc tế, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực mở rộng là rất thấp.
Theo Arash Reisinezhad, chuyên gia của Trung tâm Trung Đông tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, có những lý do có thể khiến Tehran tránh gây chiến với Israel.
Thứ nhất, Cộng hòa Hồi giáo Iran hiện khó có thể tập hợp đông đảo toàn bộ xã hội tham gia vào một cuộc chiến mới – như họ đã từng làm trong cuộc chiến với Iraq vào những năm 1980.
Tại thời điểm đó, những “làn sóng người” là một trong những yếu tố lớn giúp Tehran đánh bật quân đội Iraq và buộc họ phải rút khỏi lãnh thổ Iran. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ, uy tín của chính phủ hiện nay đối với dân chúng đang bị nghi ngờ, theo ông Arash Reisinezhad, chuyên gia của Đại học Tehran. Sau các cuộc biểu tình năm ngoái, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế khiến bất mãn trong giới trẻ và tầng lớp trung lưu thành thị ở Iran đã tăng cao.
Thứ hai, phe ôn hòa trong chính phủ Iran đã cảnh báo sẽ chống lại sự can thiệp trực tiếp của Iran vào xung đột Israel-Hamas.
Theo luồng quan điểm này, các quan chức ôn hòa được đại diện bởi cựu Ngoại trưởng Javad Zarif đã liên tục cảnh báo về “hậu quả tàn khốc” nếu Iran tham gia vào một cuộc chiến với Israel và Mỹ. Theo Zarif, nếu Iran có lập trường cực đoan hơn ở Gaza, có thể gây ra một cuộc xung đột chết người với Mỹ, điều mà Israel có thể sẽ hoan nghênh.
Tư tưởng này đối lập với những người theo đường lối cứng rắn ở Iran, theo đó việc Israel tiêu diệt Hamas sẽ gắn liền với sự sụp đổ sau đó của Hezbollah và cuối cùng có thể là một cuộc tấn công quân sự vào Iran.
Dù vậy, tiếng nói của ông Zarif vẫn có trọng lượng đáng kể bởi ảnh hưởng của ông trong giới tinh hoa chính trị của Cộng hòa Hồi giáo và thậm chí cả xã hội của nước này.
Thứ ba, Iran vẫn kiêng dè sức mạnh của Israel tại khu vực. Theo đó, cảm giác này không hề thay đổi kể cả khi Hamas đã giáng một đòn nặng nề vào niềm tự hào quân sự và tình báo của Israel. Trên thực tế, sức phản công mạnh mẽ của Israel cho thấy các hoạt động của Hamas chỉ làm tăng thêm chiến lược răn đe lâu dài của Israel, và qua đó cảnh báo cho Iran những hậu quả nếu thách thức Israel sử dụng sức mạnh vũ khí của họ.
Thứ tư, trái ngược với hiểu biết thông thường, cả Hamas và thậm chí Hezbollah đều không phải là lực lượng được Iran ủy quyền. Ông Reisinezhad cho rằng sẽ chính xác hơn nếu coi các lực lượng này là những đồng minh phi nhà nước của Tehran.
>>Lệnh ngừng bắn ở Gaza giúp thay đổi chiến lược của Israel?
Trên thực tế, Iran không có mối quan hệ chỉ đạo từ trên xuống với Hamas. Thậm chí, có những thời điểm các quan chức hàng đầu của Iran không hề biết về hoạt động của Hamas. Vào giữa tháng 11, Reuters tiết lộ rằng lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, đã nói với người đứng đầu Hamas, Ismail Haniyeh, rằng Tehran sẽ không tham gia cuộc chiến bởi chính phủ Iran không nhận được cảnh báo nào về cuộc tấn công của Hamas vào Israel.
Thứ năm, Nga và Trung Quốc – hai đối tác chiến lược quan trọng nhất của Tehran - chưa tuyên bố ủng hộ hoàn toàn cho Hamas. Bởi vậy, Iran có thể sẽ không muốn làm hỏng mối quan hệ của mình với các nước này khi đang đẩy mạnh liên kết quốc tế hơn, với mục tiêu là tránh bị cô lập trong các cuộc khủng hoảng quốc tế lớn.
Yếu tố cuối cùng và quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự xa lánh chiến tranh của Iran là quan điểm cụ thể của Đại Giáo chủ Khamenei. Trái ngược với dự báo của phương Tây, nhà lãnh đạo tối cao của Iran tiếp cận xung đột khu vực từ quan điểm thực tế.
Từng là lãnh đạo cấp cao của Iran trong cuộc chiến tranh tàn khốc với Iraq, ông Khamenei đặc biệt thấu hiểu hậu quả của chiến tranh nếu nó xảy ra với liên minh của Mỹ. Nhận thức này đã khiến Iran lựa chọn một phản ứng tương đối thận trọng sau vụ ám sát do Mỹ dẫn đầu nhắm vào tướng Qassem Suleimani, cựu lãnh đạo Lực lượng Quds.
Phản ứng thận trọng với cuộc chiến ở Gaza do vậy có vẻ phù hợp với chiến lược tổng thể của ông Khamenei trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng khu vực. Hơn 20 năm trước, khi các nhà ngoại giao Iran ở miền Bắc Afghanistan bị Taliban sát hại, chính ông Khamenei và Hassan Rouhani, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao, đã ngăn chặn một cuộc chiến lớn leo thang.
Dù cho Iran có thể không tham chiến, cuộc chiến ở Gaza có thể đẩy nhanh chương trình hạt nhân của nước này. Trước một Hamas khó kiểm soát, Iran có thể phải dựa vào “con át chủ bài” vũ khí hạt nhân để răn đe các địch thủ. Kể cả vậy, Tehran cũng khó lòng từ bỏ Hamas như một công cụ can thiệp ở Gaza nhằm gây áp lực lên Israel và Mỹ. Nhưng nhìn chung, khả năng leo thang xung đột thành một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực dường như khó xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
Xung đột Hamas - Israel: Dư chấn dài hạn với Trung Đông
03:30, 02/12/2023
Xung đột Israel - Hamas: "Hé lộ" quan điểm của Trung Quốc
03:30, 01/12/2023
Xung đột Israel - Hamas: Lý do Pháp không ủng hộ Israel
03:00, 27/11/2023
Xung đột Israel - Hamas: Doanh nghiệp phương Tây "gánh hậu quả"
04:03, 24/11/2023
Israel - Hamas ngừng bắn, xung đột Trung Đông sẽ ra sao?
04:00, 23/11/2023