Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng cần có động thái mạnh mẽ hơn nữa trong chính sách tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp lữ hành.
Bàn về những giải pháp từng bước phục hồi thị trường phải kể tới vai trò của chính phủ, các bộ, ngành với những giải pháp chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các DN bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh.
Cuộc "hủy diệt" mang tên COVID-19
95% doanh nghiệp du lịch đã phải tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo khảo sát của TAB, 71% DN du lịch cho biết doanh thu trong quý I/2020 giảm hơn 30% so với cùng kỳ 2019, 77% DN dự kiến doanh thu quý II sẽ giảm hơn 80% so với quý II/2019.
Trong số các DN tham gia khảo sát, 18% DN đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên và 48% DN đã cho nghỉ việc với tỷ lệ hơn 50%. Đồng thời, 75% DN có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau với người lao động bị mất việc.
Hơn 88% DN phản hồi họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ. Rất nhiều DN vất vả tìm cơ hội vay vốn lãi suất thấp theo gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ vì các ngân hàng từ chối hồ sơ vay vốn do các quan ngại về khả năng trả nợ của người vay hoặc vì không thể chứng minh được sẽ có dòng tiền dương.
TAB đánh giá ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu gây ra bởi dịch COVID-19 đã tác động mang tính hủy diệt đối với lĩnh vực du lịch lữ hành.
Khó khăn chung của cả nền kinh tế đã kéo theo nhiều doanh nghiệp du lịch nhỏ lao đao, bên bờ vực phá sản. Hàng triệu lao động bị giảm thu nhập thậm chí bị cắt giảm do thiếu việc.
Hiện tất cả các doanh nghiệp lữ hành đang bắt tay vào chiến dịch phục hồi, tập trung vào thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Giám đốc Công ty AZA Travel - cho hay, các dịch vụ du lịch hoạt động chủ yếu mang tính thăm dò thị trường. Vì vậy, khách đoàn, mua tour trọn gói sẽ chưa thể phục hồi do lo ngại dịch bệnh, các cơ quan cắt giảm chi phí. Thị trường du lịch ngoài nước và khách quốc tế sẽ phục hồi muộn hơn nữa, vì dịch trên thế giới vẫn còn phức tạp. “Dù nhu cầu thị trường đã được khởi động, nhưng các doanh nghiệp du lịch vẫn cần thời gian để chờ đợi thị trường phục hồi thêm. Tình hình này đã được các doanh nghiệp dự báo và chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để thích ứng với những biến động của thị trường”, ông Đạt chia sẻ.
Hiện Công ty Vietravel đã mở cửa lại trụ sở chính ở quận 3 (TP HCM) và các chi nhánh. Theo dự đoán của Vietravel, sau dịch bệnh, sẽ có 3 xu hướng du lịch lên ngôi là du lịch ở quãng đường gần với phạm vi dưới 300 km, du lịch theo nhóm nhỏ giữa các thành viên trong gia đình và du lịch cá nhân. Do đó, công ty đang chuẩn bị giới thiệu chùm tour kích cầu đến các khu vực miền Tây, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ hay Tây Nguyên. Ngoài giới thiệu tour trọn gói, công ty cũng tung ra tour Free & Easy (dịch vụ phòng hoặc gói dịch vụ phòng và vé máy bay) với giá hấp dẫn để kích cầu du lịch.
Những ngày này, nhân viên của Công ty TST Tourist bắt đầu nhận được điện thoại của du khách liên hệ hỏi tour du lịch trong nước dành cho nhóm gia đình, bạn bè với số lượng dưới 10 người. Một số doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tổ chức chương trình tham quan dành cho khách hàng, nhân viên đi du lịch, chương trình huấn luyện kỹ năng và đào tạo kinh doanh với số lượng dưới 30 khách… cũng liên hệ trở lại. Vấn đề được du khách quan tâm nhất lúc này là điểm đến an toàn và dịch vụ an toàn từ phương tiện vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, các điểm tham quan.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị truyền thông Lữ hành Fiditour, cho hay Lữ hành Fiditour đã chuẩn bị sản phẩm nội địa, trước mắt sẽ phục vụ khách lẻ, nhóm khách gia đình. "Thời điểm này, khách sẽ chọn các hình thức tour Free & Easy, tour tự chọn nhiều hơn hoặc nếu là tour trọn gói cũng theo nhóm gia đình, bạn bè riêng của khách - những người mà khách biết rõ tình trạng sức khỏe, lịch sử dịch tễ của nhau. Các điểm đến gần, thuận tiện di chuyển bằng ôtô hoặc các chặng bay ngắn sẽ được khách ưu tiên chọn" - bà Trần Thị Bảo Thu nhận định.
Vực dậy cách nào?
Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng cần có động thái mạnh mẽ hơn nữa trong chính sách tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp.
“Rất nhiều doanh nghiệp vất vả tìm cơ hội vay vốn lãi suất thấp theo gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ vì các ngân hàng từ chối hồ sơ vay vốn của họ do các quan ngại về khả năng trả nợ của người vay, hoặc vì không thể chứng minh được sẽ có dòng tiền dương”- TAB thông tin.
Với những khó khăn của du lịch hiện tại, TAB đề xuất Chính phủ xem xét một chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị lên đến 150.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 25% doanh thu năm 2019 của ngành Du lịch, nhằm giúp các DN du lịch và lữ hành trong bối cảnh COVID-19.
Theo chương trình này, các DN đăng ký sẽ có thể vay vốn định kỳ hàng quý cho hai quý tiếp theo, với số tiền tương đương với khoản thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập DN và đóng góp ngân sách năm 2019, cộng với số tiền DN đã đóng đảm bảo cho các hình thức bảo hiểm xã hội và y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Cấu trúc như vậy sẽ đơn giản để các ngân hàng thực hiện và giúp được các DN kinh doanh hợp pháp, chuyên nghiệp duy trì hoạt động. Đại đa số DN sẽ có khả năng hoàn trả các khoản vay.
Những DN nằm trong diện kiến nghị là phải có đầy đủ các yếu tố, bao gồm vốn điều lệ tối thiểu 3 tỷ đồng, có tối thiểu 10 người lao động toàn thời gian vào thời điểm 29/2/2020 cũng như đóng đủ các khoản của năm 2019.
TAB kiến nghị lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm rút vốn vay cộng thêm 0,5%, cố định trong 6 tháng. DN sẽ trả nợ vay làm hai lần, vào thời điểm 11 tháng sau mỗi lần rút vốn vay từ năm 2021.
TAB cho biết đang tiếp tục khuyến khích các DN khách sạn thành viên cung cấp chỗ ở miễn phí cho các du khách bị mắc kẹt lại ở Việt Nam có khó khăn về tài chính, cùng với các lựa chọn ăn uống không đắt tiền. Đồng thời liên hệ với các đại sứ quán có công dân mắc kẹt lại ở nước ta.
Theo ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký của TAB, đề xuất trên được xem là khá quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi nếu Chính phủ chấp thuận sẽ là “cứu cánh” cho rất nhiều doanh nghiệp du lịch đang suy thoái, phải tạm thời đóng cửa hoặc thậm chí có khả năng phá sản.
Ngoài ra, TAB cũng tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp khách sạn thành viên cung cấp chỗ ở miễn phí cho một số du khách bị mắc kẹt lại ở Việt Nam có khó khăn về tài chính, cùng với các lựa chọn ăn uống không đắt tiền. Đó là những “cử chỉ nhỏ” mang tính thiết thực của ngành du lịch nhằm làm tăng sự thông cảm và đoàn kết với các thị trường nguồn.
Quỹ hỗ trợ du lịch được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng vẫn đang bị "đóng băng". Việc tái vận hành quỹ này sẽ giúp được nhiều việc trong giai đoạn này, đặc biệt là để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Giữa tháng 4/2020, Bộ VH-TT&DL đã đề xuất Bộ KH-ĐT về gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp du lịch "ngủ đông" vì COVID-19, trong đó, doanh nghiệp có thể phát hành "phiếu mua tour" có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho khách hàng nhưng không thể thực hiện được chuyến đi. Đây được xem là giải pháp cứu vãn các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn.
Nhiều doanh nhân cũng có ý kiến này, cho rằng nếu không có chính sách thuế ưu đãi từ chính phủ thì rất khó để thực hiện các chương trình giảm giá, kích cầu lớn giúp du lịch phục hồi sau COVID-19.
Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn còn chờ chính sách.
Có thể bạn quan tâm
11:15, 07/05/2020
07:14, 07/05/2020
22:26, 05/05/2020
17:22, 04/05/2020
17:15, 04/05/2020
04:40, 03/05/2020
06:00, 29/04/2020