Trước những lo ngại sẽ gây thêm khó khăn mới cho doanh nghiệp, nhiều ý kiến đề xuất, giữ nguyên hiệu lực Điều 35 của Nghị định 08/2015/NĐ-CP nhằm duy trì thực hiện việc xuất nhập khẩu tại chỗ.
>> Gỡ vướng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại chỗ
Theo đó, một trong những nội dung đang nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp thời gian qua chính là quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (Nghị định 08). Theo quy định này, hàng hóa mua bán với thương nhân nước ngoài được chỉ định giao nhận tại Việt Nam chỉ được coi là hoạt động "xuất nhập khẩu tại chỗ" nếu thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.
Trường hợp thương nhân nước ngoài đã có hiện diện tại Việt Nam như có Văn phòng đại diện, Chi nhánh hay có đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thực hiện dự án đầu tư; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ thì không đáp ứng điều kiện là hoạt động "xuất nhập khẩu tại chỗ".
Trong khi đó, theo quy định tại Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là phải được đưa ra/đưa vào lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa ra/đưa vào khu vực hải quan riêng. Đối với hoạt động mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài thực chất hàng hóa không có sự dịch chuyển ra khỏi biên giới Việt Nam hoặc ra vào khu vực hải quan riêng, bản chất đây không phải là hoạt động xuất nhập khẩu.
Như vậy, về nội hàm hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ đã có sự chưa thống nhất giữa hệ thống pháp luật về thương mại, ngoại thương với hệ thống pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
>>Thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải đánh giá tổng thể hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bản chất hoạt động giao dịch này.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang trong quá trình lấy ý kiến của các Bộ ngành có liên quan để tổng hợp, trình Chính phủ các phương án xử lý khi bãi bỏ Điều 35 Nghị định 08 nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn.
Liên quan đến đề xuất của Bộ Tài chính, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định, việc bãi bỏ chính sách xuất nhập khẩu nêu tại điểm c, khoản 1, Điều 35 Nghị định 08 theo dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 08 sẽ làm tăng chi phí đầu vào của nhà sản xuất, dẫn đến giá thành hàng hóa sản xuất, gia công tại Việt Nam tăng.
Hơn nữa, việc giao hàng qua kho ngoại quan thay vì trực tiếp giữa các nhà máy (khi áp dụng xuất nhập khẩu tại chỗ) hoặc phải nhập khẩu từ nước ngoài sẽ làm tăng chi phí vận hành cho doanh nghiệp và thời gian vận chuyển, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Với việc bãi bỏ chính sách này, Việt Nam sẽ khó giữ vị thế là điểm đến hấp dẫn đầu tư của các thương hiệu quốc tế.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến lo ngại, nếu bỏ quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ sẽ gây xáo trộn rất lớn, các doanh nghiệp đã khó càng khó hơn. Về phía Nhà nước cũng phải sửa đổi luật pháp liên quan như Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thương mại; Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn thi hành...
Trước thực trạng trên, nhằm duy trì thực hiện việc xuất nhập khẩu tại chỗ, các doanh nghiệp kiến nghị, giữ nguyên hiệu lực của Điều 35, Nghị định 08, bao gồm điểm c của Nghị định này.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, Hiệp hội đã có Công văn góp ý gửi Tổng cục Hải quan đề nghị xem xét chưa nên thay đổi Điều 35, Nghị định số 08 về xuất nhập khẩu tại chỗ vì điều này có thể gây nên những khó khăn mới cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm với LEFASO, các doanh nghiệp dệt may cũng đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành và cho phép làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu tại chỗ thực hiện bình thường với hoạt động mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài (có hiện diện hoặc không hiện diện tại Việt Nam) và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với một doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Bỏ quy định doanh nghiệp phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu (cần bình đẳng với quy định đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để gia công xuất khẩu) tránh tình trạng đọng vốn của doanh nghiệp khi chờ hoàn thuế.
Có thể bạn quan tâm
Gỡ vướng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại chỗ
00:00, 18/12/2023
Tháo gỡ khó khăn xuất nhập khẩu tại chỗ
14:57, 22/06/2023
Kiến nghị bổ sung quy định áp dụng thuế suất đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ
03:30, 02/02/2023
Hải quan hướng dẫn nộp hóa đơn khi làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ
23:32, 16/08/2022
“Sẽ miễn thuế hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ”
06:30, 29/11/2018