Việc giao cho Sở LĐ-TBXH là đầu mối quản lý lao động nước ngoài, thực hiện việc cấp giấy phép sẽ khắc phục được những bất cập, hỗ trợ rất nhiều cho người sử dụng lao động tại địa phương…
Đây là đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tại tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
>>Doanh nghiệp mất nhiều thời gian hoàn thiện giấy phép lao động nước ngoài
Theo dự thảo, Bộ LĐ-TBXH đề xuất 2 phương án quy định quyền thực hiện công tác quản lý lao động nước ngoài, trong đó có cấp giấy phép lao động.
Phương án 1: Sở LĐ-TBXH thực hiện công tác quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Với phương án này, Bộ LĐ-TBXH đánh giá sẽ đảm bảo thực hiện theo quy định tại luật Tổ chức chính quyền địa phương: "Cơ quan chuyên môn thuộc UBND được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện, là cơ quan tham mưu, giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên".
Đồng thời, khắc phục được những bất cập về việc thực hiện cấp giấy phép lao động cho đơn vị không phải cơ quan chuyên môn là ban quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Trên thực tế, hầu hết các địa phương đang thực hiện việc cấp giấy phép lao động trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 hoặc trung tâm hành chính công của tỉnh.
Vì vậy, Sở LĐ-TBXH là đầu mối thực hiện tại địa phương sẽ giúp cho người sử dụng lao động chỉ đến một cơ quan nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, phương án này sẽ không linh hoạt trong trường hợp UBND cấp tỉnh cần phân cấp cấp, ủy quyền cho cơ quan khác tại địa phương để thực hiện nhiệm vụ nêu trên.
Phương án 2: UBND cấp tỉnh thực hiện về công tác quản lý lao động nước ngoài (trong đó có cấp giấy phép lao động…) trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Ưu điểm của phương án này là quyền tự chủ cho UBND cấp tỉnh trong việc phân cấp cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn tại địa phương trong việc thực hiện việc quản lý và cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương hiện nay, UBND cấp tỉnh thường ủy quyền việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài cho Sở LĐ-TBXH.
Trường hợp UBND cấp tỉnh thực hiện phân cấp cấp, ủy quyền cho các cơ quan khác trong tỉnh sẽ không đảm bảo việc thống nhất quản lý nhà nước về tuyển dụng, quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ T.Ư đến địa phương.
Lý giải về việc đưa ra 2 phương án trên, Bộ LĐ-TBXH cho rằng, do còn có nhiều ý kiến khác nhau trong việc thẩm quyền quản lý lao động nước ngoài, trong đó có việc cấp giấy phép lao động ở địa phương.
Ngoài các địa phương giao cho Sở LĐ-TBXH làm đầu mối cấp phép, cả nước có khoảng hơn 60 ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó tập trung ở những thành phố lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. HCM, Đồng Nai… có phân cấp việc cấp giấy phép lao động thực hiện trong ban quản lý.
Còn những địa phương khác do số lượng lao động nước ngoài rất ít nên không phát sinh nhu cầu phân cấp việc cấp giấy phép lao động tại ban quản lý như: Tiền Giang, Ninh Thuận. Nếu Nghị định Chính phủ quy định việc cấp giấy phép lao động cho ban quản lý thì sẽ phát sinh bộ máy, con người, ngân sách để thực hiện nhiệm vụ nêu trên.
Theo Bộ LĐ-TBXH, hiện nay nhiều địa phương, đặc biệt là những thành phố lớn, tập trung đông lao động nước ngoài như: Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu...đã triển khai cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để cấp giấy phép lao động cho toàn bộ lao động nước ngoài là hoàn toàn đáp ứng được.
Vì vậy, trong 2 phương án trên, Bộ LĐ-TBXH đề xuất lựa chọn phương án 1, Sở LĐ-TBXH là một đầu mối duy nhất tại địa phương thực hiện về công tác quản lý lao động nước ngoài (trong đó có cấp giấy phép lao động).
>>Kiến nghị "nới" giấy phép cho lao động nước ngoài
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Đặng Ngọc Thu Thảo - giám đốc vận hành, dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam - đánh giá phương án 1 hợp lý. Việc giao cho sở lao động - thương binh và xã hội giúp thu gọn đầu mối, thống nhất quy định, thuận tiện cho việc đăng ký giấy phép, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nước ngoài.
Trước đó, nhiều Hiệp hội doanh nghiệp đã phản ánh việc mất nhiều thời gian để hoàn thiện giấy phép lao động nước ngoài. Đại diện các Hiệp hội cho rằng, những yêu cầu chưa rõ ràng, hướng dẫn thiếu nhất quán… là những rào cản trong việc cấp phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các thủ tục cấp giấy phép lao động hiện tại cần được đơn giản hóa. Đây là giải pháp để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Sẽ không hợp lý chút nào khi những người nước ngoài đã sống, làm việc và đầu tư tại Việt Nam trong nhiều năm, đã từng được cấp nhiều giấy phép lao động lại bị từ chối gia hạn giấy phép lao động chỉ vì một số vấn đề nhỏ về thủ tục.
Đại diện EuroCham đã kiến nghị, cần đơn giản hóa các rào cản về thủ tục hành chính và mở đường dẫn đến thành công. Điều này có thể đạt được thông qua sửa đổi Bộ luật Lao động và Nghị định 152 cho phép Việt Nam sử dụng tối đa lực lượng lao động đa dạng, tài năng, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Đồng quan điểm, ông Greg Testerman - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ: các yêu cầu cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Nhiều tổ chức nước ngoài đang có kế hoạch thành lập đại diện thương mại tại Việt Nam chưa có người bảo lãnh để xin cấp thị thực vào Việt Nam cho lao động nước ngoài của mình. Đại diện AmCham đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp giấy phép lao động.
Có thể bạn quan tâm