Để chọn nhà thầu tốt nhất phải cạnh tranh công bằng, không thể có “phe cánh” hay “thân hữu” diễn kịch trong đấu thầu, làm sao chống cho được nạn “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng, những kẽ hở cũng như khoảng trống thủ tục hành chính pháp lý đã bị lợi dụng gây thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước, mất niềm tin trong tổ chức triển khai thực hiện các dự án dẫn đến kém chất lượng. Điển hình hàng loạt dự án sau khi đưa vào sử dụng chưa lâu đã xuống cấp trầm trọng, hỏng - sửa - hỏng.
Vì sao như vậy? Bởi nhà thầu thi công được lựa chọn không phải nhờ năng lực, uy tín mà là quan hệ “chạy chọt”, “móc ngặc”. Khi thi công chỉ mong sao sớm hoàn thành để được thanh toán chi phí, thiếu quan tâm đến chất lượng. Đây còn là một dạng tham nhũng tinh vi, khó phát hiện, mất công bằng, thiệt hại lớn cho xã hội.
Theo quy định có nhiều hình thức đấu thầu nhưng thực tế vẫn còn phổ biến các tình trạng đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, tự thực hiện thường được viện dẫn các trường hợp đặc biệt. Hoặc “phù phép”, “xé nhỏ”, phân chia gói thầu lớn thành các gói thầu nhỏ để chỉ định thầu theo quy định với giá trị dưới 1 tỷ đồng. Có trường hợp bỏ thầu thấp, sau đó xin điều chỉnh nâng giá gói thầu lên gấp nhiều lần giá dự thầu. Tất nhiên có sự tiếp tay từ người thẩm quyền, chủ đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
03:36, 30/07/2019
11:59, 29/07/2019
06:11, 27/07/2019
06:29, 26/07/2019
07:07, 25/07/2019
05:19, 24/07/2019
06:02, 23/07/2019
11:06, 22/07/2019
Đấu thầu với các mánh khóe lắm khi chỉ là hình thức vì đã biết trước đơn vị nào trúng thầu, phân chia khu vực này của tôi, khu vực kia của anh, giới xây dựng thường gọi là “quân xanh”, “quân đỏ”. Cũng có những trường hợp tổ chức đấu thầu với đầy đủ các đơn vị tham gia nhưng chỉ àm “chân gỗ” - là từ dùng chỉ những nhà thầu tham dự cho đủ thành phần theo quy định nhưng không bao giờ trúng thầu, tất nhiên là “chân thật” sẽ trúng thầu như ý đồ đã dàn xếp trước đó.
Có nhiều cách lợi dụng kẽ hở chính sách để tạo lợi thế và chỉ “phe cánh”, “thân hữu” mới đáp ứng được yêu cầu. Như lợi dụng Luật đấu thầu cho phép chủ đầu tư hoặc bên mời thầu được quyền chỉ định thầu trong trường hợp đặc biệt hoặc khi chỉ có một nhà thầu tham gia dự thầu. Thế là có thể viện dẫn các trường hợp đặc biệt là sự cấp bách, giải quyết giao thông.
Hay lạm dụng đưa vào hồ sơ mời thầu những yêu cầu khá ngặt nghèo mà chỉ những “phe cánh”, “thân hữu” mới đáp ứng. Lúc này những nhà thầu khác không thể tham gia hoặc không đủ điều kiện tham gia, chẳng hạn như phải có chi nhánh tại địa phương thực hiện dự án từ vài năm trở lên.
Nếu “phe cánh”, “thân hữu” là những nhà đầu tư hay nhà thầu lớn thì chủ đầu tư đặt ra tiêu chí vượt quá yêu cầu về tài chính, kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn để loại các đối thủ nhỏ hơn. Trong khi nhà thầu có năng lực thực sự lại bị mất đi cơ hội vì không “quan hệ”, “thân quen”, “bắt tay”, “móc ngoặc”….
Đấu thầu là một trong các yếu tố quan trọng tạo ra sự cạnh tranh, đem lại hiệu quả trong thực hiện đầu tư, thi công xây dựng. Để chọn nhà thầu tốt nhất phải cạnh tranh công bằng, không thể có “phe cánh” hay “thân hữu” diễn kịch trong đấu thầu, làm sao chống cho được nạn “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Thiết nghĩ, quy trình thực hiện dự án từ khâu quy hoạch đến khảo sát, thiết kế phải công khai. Cơ quan nhà nước, chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách phải thực hiện theo đúng quy định, tuân thủ pháp luật mà cụ thể là luật đấu thầu. Nghĩa là những gì không có quy định thị thì không đưa vào hồ sơ mời thầu như buộc phải có văn phòng, trụ sở ở nơi dự án, yêu cầu bất hợp lý khác.
Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. |
Những trường hợp đặc biệt cần lượng hóa, nêu cũ thể và đưa hẳn vào quy định pháp luật chứ không hướng dẫn bởi văn bản nào khác thì không cần phải giao cho người có thẩm quyền quyết định các trường hợp đặc biệt đó nữa để tránh cơ chế “xin - cho”. Vì luật đã rõ ràng với các chi tiết bao hàm nội dung cần thiết, không phải bổ sung thêm văn bản hướng dẫn hay chỉ đạo nào khác.
Hãy tử tế trong đấu thầu, khâu tổ chức phải minh bạch trong xử lý các trường hợp được cho là đặc biệt, chỉ có một đơn vị tham gia. Hơn nữa, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân sai phạm, chế tài kịp thời và chính xác khi có khiếu nại về tiêu cực trong đấu thầu. Chẳng hạn, phạt nặng hay khởi tố tùy mức độ sai phạm, loại vĩnh viễn các nhà thầu khi bị phát hiện “quan hệ”, “móc ngoặc”, “chạy chọt”. Chống bỏ thầu giá thấp để sau đó xin điều chỉnh, bắt buộc đưa ra giá sàn, không tùy tiện điều chỉnh giá trị gói thầu. Nên chăng có đại diện chuyên môn không bị ràng buộc bởi chủ đầu tư để làm đầu mối rổ chức đấu thầu, xử lý những khiếu nại liên quan đến đấu thầu (nếu có).