Điều doanh nghiệp vận tải mong mỏi…

VŨ PHƯỜNG 05/10/2022 02:30

Từ ngày 1/10, một số khoản phí, lệ phí trong kinh doanh vận tải sẽ giảm từ 20% - 50%, áp dụng cho 3 tháng cuối năm, theo Thông tư số 59/2022/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành.

>>> Đề xuất giảm tới 50% phí, lệ phí "cứu" doanh nghiệp vận tải

Chính sách nêu trên được các doanh nghiệp hoan nghênh vì hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong hoạt động kinh doanh vận tải do giá nhiên liệu tăng trong thời gian qua. Quy định này sẽ góp phần giảm chi phí kinh doanh và tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp vận tải sẽ được hưởng ưu đãi giảm phí 3 tháng cuối năm

Các doanh nghiệp vận tải sẽ được hưởng ưu đãi giảm phí 3 tháng cuối năm

Nếu giảm sớm hơn thì tốt

Đáng chú ý, nhiều loại phí, lệ phí trong lĩnh vực đường sắt và đường thuỷ nội địa được giảm mạnh nhất, lên đến 50% so với quy định trước đây, như: giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa và lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa; 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, chính sách này nên được thực hiện sớm hơn, hỗ trợ đúng thời điểm, nhất là trong giai đoạn giá xăng dầu “leo thang” căng thẳng. Còn việc giảm phí trong 3 tháng tới là khi mọi chuyện đã rồi, khi mà trước đó nhiều doanh nghiệp đã rơi vào khó khăn, khủng hoảng nhất. 

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, kể từ khi Bộ Giao thông vận tải có văn bản yêu cầu Cục Đường sắt, Cục Hàng hải và Đường thủy nội địa nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí trong các lĩnh vực hồi tháng 6/2022, thời điểm mà xăng dầu đang “lập đỉnh”, thì 3 tháng sau Bộ Tài chính mới đưa ra dự thảo Thông tư để lấy ý kiến, rồi cuối tháng 9 mới ban hành Thông tư giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực kinh doanh vận tải và chỉ áp dụng trong 3 tháng cuối năm nay.

>>"Bắt bệnh" doanh nghiệp vận tải “lừng khừng” giảm giá cước

>>Gỡ bỏ "rào cản" cho doanh nghiệp logistics trong vận tải xuyên biên giới

Thực tế, một số doanh nghiệp vận tải hiện vẫn chưa giảm giá cước dù cho giá xăng dầu hạ nhiệt. Điều đó được cho là phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ là chi phí xăng dầu. Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc công ty TNHH Dương Thảo Hưng Yên, mỗi lần điều chỉnh giá cước, hãng V-taxi phải tốn một khoảng chi phí cho việc kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới.

Do chi phí về TTHC vẫn cao nên doanh nghiệp phải tính vào giá thành. Ảnh minh họa

Do chi phí về TTHC vẫn cao nên doanh nghiệp phải tính vào giá thành. Ảnh minh họa

Ông Dương cho rằng, do chi phí thủ tục hành chính vẫn cao nên doanh nghiệp phải tính vào giá thành. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước, ngoài việc giảm phí, lệ phí thì cần rà soát kỹ các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải. Điều kiện nào không cần thiết, không phù hợp thì cắt giảm để tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Cần đồng bộ các chính sách vận tải

Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư số 59 giúp giảm nhiều loại phí, lệ phí trong lĩnh vực đường sắt và đường thuỷ nội địa, trong khi với các doanh nghiệp vận tải đường bộ vẫn đang mong tiếp tục giảm phí bảo trì đường bộ. 

Bởi hiện nay, doanh nghiệp vận tải đường bộ hiện phải gánh rất nhiều loại chi phí, trong đó có phí bảo trì đường bộ dù có hoạt động hay không cũng phải đóng. Theo quy định, các xe ngừng hoạt động từ 3 - 6 tháng mới được làm đơn đăng ký miễn phí bảo trì đường bộ. Trong khi đó, thủ tục hành chính lại nhiều và chỉ xét duyệt trên từng xe, nên muốn được giảm phí không hề dễ dàng.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã từng kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm thêm phí sử dụng đường bộ cho doanh nghiệp vận tải thêm 3 tháng để hỗ trợ thêm một phần cho doanh nghiệp vận tải bớt khó khăn.

Ngoài ra, trong Thông tư số 59 lần này, mảng vận tải thuỷ nội địa được giảm nhiều khoản phí, lệ phí, tuy nhiên điều làm cho doanh nghiệp còn trăn trở là được giảm khoản phí này nhưng lại “chịu trận” với khoản phí khác một cách bất cập.

Theo doanh nghiệp, việc “phí chồng phí” làm cản trở nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp hiện nay

Theo doanh nghiệp, việc “phí chồng phí” làm cản trở nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp hiện nay

Đơn cử, tháng 4/2022, TP Hồ Chí Minh tiến hành thu phí cảng biển tại cảng Cát Lái. Hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh, mức thu là 250.000 đồng/container 20 feet, 500.000 đồng/container 40 feet và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. Hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu nhưng mở tờ khai ngoài TP Hồ Chí Minh, sẽ áp dụng mức phí cao gấp 2 lần so với biểu phí nêu trên. Điều này đã khiến nhiều DN lên tiếng vì việc đối xử không công bằng.

Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) có tới 7 trạm thu phí BOT, trung bình một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình ở Khánh Hòa mỗi năm xuất 3.000 container thì đã phải trả 7,5 tỷ đồng/năm tiền phí trạm BOT. Nếu gánh thêm khoản dịch vụ cảng biển,  doanh nghiệp sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, hiện tại các cảng biển cũng đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng rồi, như phí cầu tàu, phí lưu container, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ container.… Các phí mới này sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, đi ngược lại chủ trương chung của Chính phủ thúc đẩy việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, duy trì việc làm cho người lao động...

Do đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải, các chính sách cần kịp thời, đồng bộ hơn nữa và tránh chi phí thủ tục hành chính quá cao, cũng như bất cập “phí chồng phí” làm cản trở nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • HUB nâng cao hiệu quả vận tải đường bộ

    HUB nâng cao hiệu quả vận tải đường bộ

    00:49, 02/10/2022

  • Vận tải thuỷ “ì ạch” giảm sức cạnh tranh của hàng hoá vùng ĐBSCL

    Vận tải thuỷ “ì ạch” giảm sức cạnh tranh của hàng hoá vùng ĐBSCL

    09:59, 01/10/2022

  • Thêmp/“cung đường vàng” tuyến vận tải thủy phía Bắc

    Thêm “cung đường vàng” tuyến vận tải thủy phía Bắc

    01:01, 01/10/2022

  • Giành lại thị trường vận tải hàng không

    Giành lại thị trường vận tải hàng không

    04:00, 25/09/2022

  • Dự thảo Thông tư về phí, lệ phí lĩnh vực giao thông vận tải chưa đảm bảo tính minh bạch

    Dự thảo Thông tư về phí, lệ phí lĩnh vực giao thông vận tải chưa đảm bảo tính minh bạch

    03:00, 21/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều doanh nghiệp vận tải mong mỏi…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO