OPEC+ khó đạt được mục tiêu nâng giá dầu do những trở ngại quá lớn về nhu cầu với loại năng lượng này trong năm 2024.
>>Trung Quốc sẽ làm gì với dầu mỏ?
Mục tiêu của các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu như Saudi Arabia, Nga là đưa giá dầu lên mức 100 USD/thùng vào năm 2024. Kỳ vọng này được hỗ trợ bởi động thái kỹ thuật mang tính kinh điển, giảm sản lượng khai thác 2,2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2024.
Riêng Riyadh tỏ rõ quyết tâm cao nhất, tự nguyện giảm 1 triệu thùng/ngày. Iraq đang cắt giảm 223.000 thùng/ngày, UAE giảm 163.000 thùng/ngày, Kuwait giảm 135.000 thùng/ngày, Kazakhstan giảm 82.000 thùng/ngày, Algeria giảm 51.000 thùng/ngày và Oman giảm 42.000 thùng/ngày.
Bất chấp nỗ lực cắt giảm nguồn cung của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), giá dầu đã giảm 8 tuần liên tục - chuỗi lao dốc dài nhất kể từ năm 2018, dao động từ 71,5 USD/thùng đến 76,14 USD/thùng.
Các hợp đồng dầu mỏ tương lai dường như đã “biết trước” tình hình. Ví dụ, với dầu Brent giao tháng 1/2024 chỉ nhích lên 9 xu tương đương 0,13%, đạt mức 71,32 USD/thùng. Hợp đồng giao dịch kỳ hạn dầu thô tháng 2/2024 tăng 19 xu, tương đương 0,25%, đạt mức 76,03 USD/thùng. Vây, nguyên nhân do đâu?
Thứ nhất, bất chấp cam kết của nhóm OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên của năm tới, các nhà đầu tư vẫn hoài nghi về việc tuân thủ quy định này.
Trong OPEC+, Angola không đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác, điều này sẽ tác động đến các thành viên châu Phi. Việc tuân thủ của Nga cũng bị đặt dấu hỏi do nước này chịu áp lực chi phi rất lớn cho chiến tranh tại Ukraine.
Bill Perkins, Giám đốc điều hành của Skylar Capital Management bình luận: “Tuân thủ là chìa khóa. Đó không thể chỉ là Saudi Arabia. Dù các quốc gia khác nói rằng họ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng, nhưng thị trường không tin tưởng lắm vào điều đó”.
Tăng trưởng sản lượng dầu tại các quốc gia ngoài OPEC+ là biến số khó lường, có thể sẽ dẫn đến dư cung trong năm tới. RBC Capital Markets ước lượng dầu tồn kho giảm 700.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm 2014, nhưng chỉ giảm 140.000 thùng/ngày trong cả năm.
>>Khủng hoảng chính trị bủa vây OPEC+
Thứ hai, dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng mới nhất từ Trung Quốc, nền kinh tế nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cho thấy áp lực giảm phát gia tăng do nhu cầu trong nước yếu gây tâm lý hoài nghi về khả năng phục hồi kinh tế của nước này.
Một khảo sát của Bloomberg với 12 nhà tư vấn và phân tích thị trường cho thấy, nhu cầu dầu của Trung Quốc năm 2024 là nửa triệu thùng/ngày, chỉ bằng 1/3 so với năm 2023. Trong khi đó xuất khẩu dầu của Mỹ đang đạt gần mức kỷ lục 6 triệu thùng/ngày.
Trong bối cảnh các ngành công nghiệp tại nền kinh tế số 2 thế giới tăng trưởng chậm lại thì phương thức sử dụng nhiên liệu trong lĩnh vực giao thông vận tải đang thay đổi. Năm 2022, doanh số xe điện tại Trung Quốc chiếm 22%, tỷ lệ này tiếp tục tăng lên 38% trong quý IV/2023.
Thứ ba, cam kết nỗ lực đẩy lùi nhiên liệu hóa thạch, chống biến đổi khí hậu ngày càng thực chất hơn. Tại COP28 vừa kết thúc đã thống nhất đưa Qũy tổn thất và thiệt hại vào hoạt động, trên cơ sở đóng góp của các thành viên như chủ nhà UAE, Mỹ, Nhật Bản, EU, Đức,…
Tái khởi động “định giá carbon” theo cơ chế các quốc gia phát thải càng nhiều thì càng trả chi phí đắt hơn để bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu. Vì vậy, cũng tại COP28, hơn 110 quốc gia đồng thuận tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Phân tích của tổ chức nghiên cứu năng lượng độc lập Ember cho hay, nếu năng lượng “sạch” tăng gấp 3 sản lượng thì nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm 85% vào cuối thập kỷ này.
Có thể bạn quan tâm