Thị trường chứng khoán (TTCK) khép tuần giao dịch trong sắc đỏ, với những tác động ngắn hạn của bão Yagi có thể chưa kết thúc.
Chốt phiên giao dịch 13/9, VN-Index giảm 4,64 điểm (-0,37%), đóng cửa tại 1.251,71 điểm. Thanh khoản khớp lệnh vẫn ở mức thấp với 383,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HoSE. VN30-Index giảm 3,31 điểm (-0,26%), đóng cửa tại 1.294,3 điểm. Trong nhóm, có 10 mã tăng giá như VRE (+1,6%), SAB (+1,3%), SSB (+1,3%), PLX (+0,9%), HDB (+0,8%) … Bên cạnh đó, có tới 18 mã đóng cửa trong sắc đỏ như VNM (-2,4%), GAS (-2,4%), MSN (-1,2%), VIB (-0,8%), POW (-0,8%)…
Thị trường trầm lắng với sự phân hóa của các nhóm cổ phiếu, trong nỗ lực tăng giá của các nhóm Công nghệ, Chứng khoán, Bất động sản … Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên sàn HoSE, với giá trị 73 tỷ đồng. Thống kê của VDSC cho thấy thanh khoản vẫn ở mức thấp, dòng tiền hỗ trợ vẫn còn hạn chế nhưng nguồn cung cũng chưa gây áp lực lớn khi thị trường giảm điểm.
Trước đó, trong phiên 12/9, lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023, hai sàn niêm yết chứng kiến quy mô khớp lệnh dưới 10.000 tỷ đồng khi chỉ đạt 9.938 tỷ đồng. Theo đó, dòng tiền giảm về sát mức khớp lệnh thấp kỷ lục gần nhất là 8.547 tỷ đồng của phiên ngày 27/4/2023.
Sự thận trọng của nhà đầu tư trước xu hướng ngắn hạn của thị trường cơ sở hoàn toàn trái ngược với tình hình số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng lên thêm trong tháng 8, với 330.000 tài khoản mở mới, là mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm kể từ giai đoạn tháng 5-6/2022, theo số liệu của VSD. Theo đó, lũy kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng hơn 1,4 triệu tài khoản. Tính đến cuối tháng 8, nhà đầu tư cá nhân có tổng cộng hơn 8,6 triệu tài khoản, tương đương khoảng 8,6% dân số.
Số lượng nhà đầu tư có tài khoản chứng khoán ngày càng tăng trong khi thanh khoản thị trường chứng khoán chìm xuống, theo một chuyên gia, gợi ý góc nhìn từ 3 khía cạnh: 1) Sự thận trọng chung của thị trường và dòng tiền vẫn đứng ngoài quan sát; 2) Nhiều nhà đầu tư tại khu vực ảnh hưởng bão Yagi không tham gia thị trường; 3) Ngoài ra có thể có tác động từ việc thực hiện rà soát, xác thực, làm sạch dữ liệu thông tin về người tham gia giao dịch chứng khoán.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng, điều đó có nghĩa tiền vẫn đứng chờ ngoài thị trường và sẽ sẵn sàng tham gia ngay khi hội đủ các điều kiện hấp dẫn (đặc biệt với kỳ vọng chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì xu hướng nới lỏng hơn). Cùng với đó, việc thực hiện xác thực, làm sạch dữ liệu thông tin về người tham gia giao dịch chứng khoán, khi đã định danh tài khoản sẽ hướng đến hạn chế dòng tiền đầu cơ, luân chuyển giữa các tài khoản ảo, giúp TTCK củng cố niềm tin và là điều kiện phát triển bền vững - có ý nghĩa nền tảng cho thị trường trong dài hạn.
Trở lại với xu hướng ngắn hạn, ngoài diễn biến thanh khoản, một trong những yếu tố đang khá được nhà đầu tư quan tâm là hậu bão lũ Yagi và hoàn lưu sau bão có tác động đến TTCK ra sao, và nếu có, mức độ tác động sẽ kéo dài bao lâu.
Với diễn biến của TTCK chốt tuần, theo VDSC, dự kiến thị trường sẽ tiếp tục trạng thái thăm dò cung cầu trong phiên giao dịch tiếp theo. Tuy nhiên, nỗ lực duy trì điểm số trên ngưỡng 1.250 điểm cũng tạo yếu tố hỗ trợ cho kỳ vọng hồi phục của thị trường.
“Nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng hỗ trợ, đồng thời nên ưu tiên các cổ phiếu có diễn biến ổn định và thu hút dòng tiền trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tạm thời vẫn cần cân nhắc nhịp hồi phục để chốt lời ngắn hạn hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro”, VDSC khuyến nghị.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc điều chỉnh ở thời điểm hiện tại chưa ảnh hưởng lên xu hướng tăng dài hạn của VN-Index trong khi có sự phân hóa rõ rệt.
Ông Minh cho rằng nhà đầu tư đang có tâm lý lo ngại bão lũ sẽ ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế song tác động là không lớn. Theo ông, kịch bản hiện tại là thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực, vùng 1.250 điểm là vùng cân bằng và nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào nếu tỷ trọng tiền mặt cao, thay vì bán tháo.
Trong ngắn hạn, một số nhóm cổ phiếu như thực phẩm hay tôn thép, có thể có biến động, song vẫn sẽ điều chỉnh về đúng giá trị cơ bản và chỉ giữ triển vọng khi có câu chuyện nền tảng hỗ trợ.
Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng giữ quan điểm VN-Index muốn vượt ngưỡng 1.300, phải có động lực đủ lớn, đó là câu chuyện nâng hạng đang được chờ đợi, với khả năng gỡ vướng sớm về quy định pre-funnding. Khi đó, bất động sản và ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường.
Trong tháng 9, theo Chứng khoán An Bình (ABS), diễn biến VN-Index có thể rơi vào 1 trong 2 kịch bản:
Kịch bản 1: Đối với kịch bản tích cực, thị trường được hỗ trợ bởi các biện pháp tăng trưởng tín dụng và các yếu tố vĩ mô tích cực, cộng với việc Fed bắt đầu hạ suất ngày 18/9 và các giải pháp nâng hạng thị trường được triển khai. Dự báo trong tháng 9, VN-Index tiếp tục biến động đi ngang tích lũy biên độ co hep dần, trong vùng từ 1.250 -1.269 đến 1.284+/- điểm. Sau đó, VN-Index cần đóng nến tuần trên vùng giá 1.305- 1.316 điểm, xác nhận xu hướng tăng lên chinh phục các mốc cao hơn 1.340 – 1.395 trong các tháng tới.
Trong khi đó các cổ phiếu dần hoàn thiện mô hình tích lũy. Nhà đầu tư có thể giải ngân thêm các vị thế mua trung hạn và giải ngân tiếp khi thị trường xác nhận đi lên pha tiếp theo.
Mốc hỗ trợ của Kịch bản 1 là khi giá đóng tuần nằm dưới trung bình trượt MA10 tuần.
Kịch bản 2: Đây là kịch bản có xác suất cao. Thị trường tiếp tục đi ngang lâu hơn, trong biên độ của của 5 tháng vừa qua từ vùng 1.165-1.185 đến 1.300 điểm do các trận lũ lụt do bão Yagi gây ra chưa kết thúc, hiện chưa ước lượng được hết thiệt hại mà cơn bão gây ra cho nền kinh tế. Kịch bản 2 được xác nhận khi giá không giữ đươc vùng hỗ trợ 1.250-1.260 điểm. Nhà đầu tư có thể quan sát các điểm mua quanh vùng hỗ trợ phía dưới của mô hình tích lũy VN-Index ở quanh 1.185 điểm.
Mốc hỗ trợ của Kịch bản 2 tại đáy cũ 1.165 điểm.
Trong hai kịch bản đề xuất là thị trường đi ngang với đáy cao dần, biên độ điều chỉnh thu hẹp dần, CTCK An Bình khuyến nhà đầu tư quan sát mua vị thế cổ phiếu trung hạn, với cổ phiếu và mốc hỗ trợ của thị trường, theo mỗi kịch bản phân tích để có thể nâng hạ tỷ trọng phù hợp.
Lưu ý đối với nhà đầu tư ngắn hạn, nên giao dịch theo mốc kháng cự hỗ trợ kháng cự của cổ phiếu và thị trường như đề xuất theo 2 kịch bản trên, theo ABS.