Viện nghiên cứu phát triển TPHCM kiến nghị cần điều chỉnh các biện pháp chế tài như thông báo công khai về hành vi bỏ cọc của doanh nghiệp, không được phép tham gia đầu tư dự án trong 2 năm.
Rà soát lại quy định
Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết đã có một số kiến nghị đến UBND TPHCM nhằm hoàn thiện các quy định về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư của các dự án đầu tư có sử dụng đất nói chung và tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng.
Theo Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, đơn vị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý trong các lĩnh vực liên quan sau vụ việc đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Các chuyên gia cho rằng, về phương thức đấu giá, ngoài việc tổ chức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại buổi đấu giá thì cần xem xét áp dụng các hình thức khác như đấu giá bằng cách bỏ phiếu trực tiếp hoặc bỏ phiếu gián tiếp.
Cần phải chế tài đối với nhà đầu tư trúng đấu giá để hạn chế tình trạng “bỏ cọc” như trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua.
Giá trúng đấu giá thực chất là giá kỳ vọng của nhà đầu tư. Trong ngắn hạn, giá kỳ vọng cao sẽ gây xáo trộn nhất định, nhưng về lâu dài, thị trường sẽ tự có cơ chế điều tiết và cân bằng.
Do vậy, theo các chuyên gia, cần phân biệt 3 loại giá đất trong các quy định pháp luật có liên quan, gồm giá đất theo tham chiếu do Nhà nước quy định, giá đất của thị trường và giá kỳ vọng của nhà đầu tư.
Để hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian tới, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng cần có quy định riêng đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển dự án. Về bản chất, có thể coi đây là hình thức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất.
Rà soát, nghiên cứu để điều chỉnh các quy định liên quan đến việc xác định năng lực của nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là năng lực tài chính và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự.
Cần nghiên cứu bổ sung các quy định về giá khởi điểm và tiền đặt cọc một cách phù hợp, cũng như chế tài đối với nhà đầu tư trúng đấu giá để hạn chế tình trạng “bỏ cọc” như trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua.
Cấm làm dự án 2 năm
Từ các ý kiến trên, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất UBND TPHCM xem xét, kiến nghị Chính phủ cho phép TPHCM được chủ động xác định giá khởi điểm đấu giá; được ấn định tỷ lệ đặt cọc, ký quỹ cho lô đất cần đấu giá.
Bổ sung các quy định để chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá như phải kê khai các dự án đang triển khai, kinh nghiệm tham gia đấu giá, năng lực điều hành, báo cáo tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Có thể bạn quan tâm |
Cần điều chỉnh các biện pháp chế tài như thông báo công khai về hành vi bỏ cọc của doanh nghiệp, không được phép tham gia đầu tư dự án trong vòng 2 năm nếu doanh nghiệp có hành vi bỏ cọc.
Như đã thông tin, kết thúc phiên đấu giá ngày 10/12/2021 có 4 công ty trúng đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo quy chế đấu giá, các doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đóng tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm của các lô đất. Số tiền đặt trước này sẽ chuyển thành tiền cọc khi các doanh nghiệp trúng đấu giá ký hợp đồng mua các lô đất.
Trong đó, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất 3-12 (diện tích 10.059,7m2) với giá trúng là 24.500 tỷ đồng. Lô đất này có giá khởi điểm là 2.942 tỷ đồng, tiền cọc đã đóng là hơn 588 tỷ đồng. Đến ngày 28/1, công ty này đã có văn bản chính thức xin không tiếp tục thực hiện dự án, bỏ cọc.
Tương tự, Công ty TNHH đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 (diện tích 5.009,1m2) với giá trúng 5.026 tỷ đồng. Lô đất này có giá khởi điểm là hơn 728,6 tỷ đồng, tiền cọc đã đóng là hơn 145 tỷ đồng. Đối với đề nghị xin không thực hiện dự án, bỏ cọc của công ty này, cơ quan chức năng TPHCM sẽ xem xét xử lý theo quy chế đấu giá.
Còn lại 2 công ty gồm Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2) với 3.820 tỷ đồng và Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2) với 4.000 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay hai công ty này vẫn chưa đóng tiền theo quy định.
Ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết, hiện nay Cục Thuế đang chịu áp lực về việc xem xét khả năng tài chính của các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm. Hiện nay, 2 lô đất có giá trị lớn nhất tại buổi đấu giá đã xin bỏ cọc. Còn lại 2 lô đất với giá trị khoảng 8.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp vẫn chưa nộp thêm phần tiền theo quy định, ngoài phần đã đặt cọc.
Do đó, Cục Thuế TPHCM đang áp dụng các giải pháp, trong đó TPHCM cần gặp gỡ các doanh nghiệp để đối thoại nhằm thực thi việc đấu giá. Thời gian tới, Cục Thuế cùng các đơn vị có liên quan sẽ gửi thư đôn đốc nếu việc trễ hẹn dưới 90 ngày. Trong trường hợp các doanh nghiệp trễ hẹn nộp tiền trên 90 ngày thì buộc phải đưa ra các biện pháp cưỡng chế.
Có thể bạn quan tâm
Diễn biến mới vụ đấu giá đất Thủ Thiêm và câu chuyện "té nước theo mưa"
03:00, 07/03/2022
Minh bạch đấu giá đất: Cần rà soát toàn bộ luật có liên quan
18:42, 03/03/2022
"Góc khuất" đấu giá đất (KỲ VIII): Siết chặt quy định về hoạt động đấu giá
05:00, 17/02/2022
Kịch bản nào cho 2 doanh nghiệp còn lại trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm?
05:00, 14/02/2022