Doanh nghiệp địa ốc đứng ngoài ưu đãi lãi suất: Không công bằng

PHƯƠNG UYÊN 25/08/2021 15:11

Doanh nghiệp địa ốc đang đứng ngoài cuộc trong các giải pháp hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Trong cuộc trò chuyện mới đây, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, việc các ngân hàng đồng loạt áp dụng gói lãi suất ưu đãi cho hàng loạt ngành nghề bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 là giải pháp cấp thiết và rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất loại trừ các khoản vay chứng khoán, bất động sản là chưa công bằng.

các “ách tắc, vướng mắc” do một số quy định pháp luật “bất cập” và quy trình thủ tục hành chính chồng chéo đối với các dự án nhà ở thương mại vẫn khiến hàng trăm dự án gặp khó.

Các doanh nghiệp địa ốc đang gặp khó khăn khi dự án phải dừng thi công, doanh số bán hàng “rơi thẳng đứng” (Ảnh: LV)

Khó khăn bủa vây 

Theo bà Hương, các khoản vay bất động sản chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu tín dụng của các ngân hàng và mang lại phần lợi nhuận khá lớn cho ngân hàng trong suốt thời gian vừa qua. Bất động sản cũng là lĩnh vực trọng yếu đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và tác động đến hơn 200 ngành nghề liên quan. Vì vậy không có lý do gì các khoản vay bất động sản nằm ngoài danh mục được hưởng chính sách hỗ trợ về lãi suất vừa được công bố của các nhân hàng. 

Bà Hương chia sẻ thêm, đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đã phải đóng cửa văn phòng để tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội, doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác cũng đều khó khăn vì dịch. "Lấy ví dụ ngay với Đại Phúc Land đang triển khai một dự án ở TP. Thủ Đức, trước đó gặp khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý, thì nay chịu thêm ảnh hưởng của dịch bệnh khiến khó khăn nhân lên nhiều lần”, bà Hương thông tin. 

“Với tốc độ lây lan mạnh như hiện nay, nhiều khả năng phải đến đầu quý IV/2021 doanh nghiệp mới được hoạt động trở lại. Hiện chúng tôi đang trong tâm thế cố gắng duy trì bộ máy hoạt động và chuẩn bị tăng tốc trong quý cuối năm khi dịch bệnh được kiểm soát", bà Hương nói.

Theo các doanh nghiệp, thị trường bất động sản đang đối mặt với thách thức và khó khăn chưa từng có do dịch bệnh gây ra. Giãn cách xã hội kéo dài trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt là tp HCM đã bước sang tháng thứ 3 làm doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, chuyển sang chế độ làm việc tại nhà hoặc tạm dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT BHS cho biết, trong ngành bất động sản chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp lớn, hầu hết là các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, có các nguồn vay hoặc cam kết tài trợ của ngân hàng đảm bảo triển khai các hoạt động đầu tư dài hạn, dịch bệnh diễn biến kéo dài đang tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp này nhưng họ còn có thể “gồng gánh” được.

Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp môi giới, chiếm 60-70% tổng số doanh nghiệp địa ốc và đa số là những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, hoạt động dựa trên việc phân phối sản phẩm do chủ đầu tư cung ứng ra.

Do nguồn lực có hạn, những doanh nghiệp này chỉ có thể gồng mình trong một thời gian nhất định, nếu kéo dài sẽ khó trụ lại trên thị trường và khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường hoạt động bình thường trở lại, việc thiếu vắng lực lượng môi giới sẽ tạo ra một “cuộc khủng hoảng kết nối cung - cầu”.

các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành công văn số 3029/NHNN-TTGSNH chỉ đạo đến các ngân hàng thương mại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng đổ vào bất động sản. Chịu tác động kép, nhiều doanh nghiệp không còn đủ vốn để duy trì hoạt động, chưa kể đến phát triển dự án mới.

Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2021, có tới 842 doanh nghiệp bất động sản phải tạm dừng hoạt động, tăng hơn 35,2% và có 345 doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020.

"Do vậy, việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết. Các ngân hàng cần xem xét giảm thêm lãi suất, giãn, hoãn nợ để doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì hoạt động kinh doanh cũng như phát triển dự án để qua đó gián tiếp giảm thiểu con số nợ xấu đến từ ngành bất động sản trong tương lai gần" - ông Tuyển nhấn mạnh.

Cần tiếp “ô-xy tín dụng”

Chia sẻ với DĐDN, một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho biết, một trong những áp lực mà doanh nghiệp địa ốc đang phải gánh là áp lực về đồng tiền và khả năng trả nợ vay. Trong tình huống hiện nay khi doanh thu và đồng tiền sụt giảm nghiêm trọng thì áp lực tài chính lên các chủ đầu tư là vô cùng lớn và rủi ro cao.

"Chết trên đống tài sản là tình huống dễ dàng xảy ra trong giai đoạn này nếu một số doanh nghiệp có tỉ trọng vốn vay cao mà không có giải pháp hỗ trợ từ phía Ngân hàng và các bên liên quan" - vị này nhấn mạnh.

Đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thừa nhận: Sau hơn một năm rưỡi đồng hành với Nhà nước trong phòng, chống đại dịch COVID-19 và nỗ lực chống chịu để tự cứu mình, cho đến nay có thể nhận thấy rõ là hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được hỗ trợ kịp thời.

Thiếu dòng tiền đang là cái khó trực tiếp lớn và đáng quan ngại nhất hiện nay, có thể làm cho doanh nghiệp bị ngộp thở, do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy, hỗ trợ, giữ chân người lao động. Do các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, công trình xây dựng phải dừng nên DN không có sản phẩm để bán, giao dịch bị sụt giảm mạnh, doanh số bán hàng rơi thẳng đứng, không thể huy động được vốn như trước đây.

Ông Châu kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng (doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân) và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 đến ngày 30.6.2022 (do Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định kéo dài đến ngày 31.12.2021), nhất là việc xem xét cho khách hàng được vay vốn mới, sẽ hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp địa ốc bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giúp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp địa ốc cần tiếp “ô-xy tín dụng”

    Doanh nghiệp địa ốc cần tiếp “ô-xy tín dụng”

    14:00, 25/08/2021

  • 7 khó khăn doanh nghiệp địa ốc đang phải đối mặt

    7 khó khăn doanh nghiệp địa ốc đang phải đối mặt

    11:00, 20/08/2021

  • Doanh nghiệp địa ốc “cầm cự” trong đại dịch

    Doanh nghiệp địa ốc “cầm cự” trong đại dịch

    07:00, 14/08/2021

  • Doanh nghiệp địa ốc tung ưu đãi

    Doanh nghiệp địa ốc tung ưu đãi "khủng" hỗ trợ người mua nhà

    15:01, 11/08/2021

  • Giải mã lãi “khủng” của doanh nghiệp địa ốc mùa dịch

    Giải mã lãi “khủng” của doanh nghiệp địa ốc mùa dịch

    06:00, 08/08/2021

  • CEO Đại Phúc Land: Doanh nghiệp địa ốc chuẩn bị cho sự hồi phục, tăng tốc ngay sau dịch

    CEO Đại Phúc Land: Doanh nghiệp địa ốc chuẩn bị cho sự hồi phục, tăng tốc ngay sau dịch

    15:50, 17/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp địa ốc đứng ngoài ưu đãi lãi suất: Không công bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO