Vấn nạn hàng giả, hàng nhái được bán tràn lan trên thương mại điện tử đang làm môi trường đầu tư kinh doanh bị “méo mó”, khiến những doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt hại nghiêm trọng…
>>Nhức nhối hàng giả trên thương mại điện tử
Hàng giả, nhái tràn lan
Theo đó, hoạt động mua bán qua các sàn thương mại điện tử, qua mạng xã hội cũng như qua các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động tăng mạnh trong những năm gần đây, trở thành thói quen của nhiều người, nhất là giới trẻ. Chỉ cần ở nhà với chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể mua đủ mọi sản phẩm hàng hóa, từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thiết bị đồ dùng gia đình đến đồ công nghệ, điện tử, sách, hoa, quà tặng, thực phẩm...
Cũng từ đây, các loại hàng giả, hàng nhái được trà trộn, bày bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội như “mê hồn trận” “bủa vây” người tiêu dùng. Những hành vi này gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực, từng ngành, ảnh hưởng đến tài sản, sức khoẻ và tính mạng con người, tác động đến cả cộng đồng. Đồng thời, với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, hành vi làm hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp.
Đáng nói, trong khi các doanh nghiệp trong nước đã và đang phải “điêu đứng”, thiệt hại nghiêm trọng bởi vấn nạn này thì trong một Hội thảo mới đây, một loạt doanh nghiệp Nhật Bản cũng phải lên tiếng “kêu cứu”. Theo đó, hàng loạt sản phẩm giả thương hiệu Nhật Bản đang được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử khiến uy tín thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Điển hình như Công ty Kikkoman - doanh nghiệp sản xuất nước tương nổi tiếng tại Nhật Bản cho biết, sản phẩm bị làm giả phổ biến nhất là nước tương chai 1,6 lít. Qua sự giúp đỡ của cơ quan chức năng Việt Nam, doanh nghiệp này phát hiện sản phẩm giả mạo xuất hiện ở các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Các sản phẩm của Kikkoman bán tại Việt Nam đều được sản xuất ở Thái Lan, Singapore. Chính sách của doanh nghiệp này đối với nhà máy tại Trung Quốc là chỉ sản xuất sản phẩm tiêu thụ nội địa, không được xuất khẩu. "Chúng tôi đã xét nghiệm sản phẩm bị làm giả thì có nhiều chỉ số không đảm bảo chất lượng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm Kikkoman bán ở Việt Nam mà xuất xứ từ Trung Quốc thì tất cả đều là hàng giả", đại diện của Kikkoman cảnh báo.
Tương tự, đại diện Công ty Panasonic cũng phản ánh, rất nhiều sản phẩm giả mạo thương hiệu này như máy sấy tóc, bình đun nước siêu tốc, pin, ổ cắm điện… được bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Doanh nghiệp phải xác định, Việt Nam là thị trường trọng điểm tiêu dùng sản phẩm của Panasonic nhưng cũng là thị trường trọng điểm phải chống hàng giả, bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng, trong đó tập trung vào hàng điện tử, gia dụng.
>>“Dẹp bỏ” hàng giả trên mạng: Phải “truy vết” hàng hóa, định danh người bán hàng
Doanh nghiệp cần chủ động
Chia sẻ với các doanh nghiệp, bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, khẳng định Việt Nam rất nỗ lực thực thi các quy định quốc tế về phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Nhưng thực tế, hàng giả giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử đang thách thức việc kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm
"Hiện nay, số vụ vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường điện tử tăng rất nhanh. Các hành vi vi phạm rất tinh vi, cơ quan chức năng cũng khó nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả", bà Quỳnh nói.
Về nội dung này, ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cũng cho biết, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ liên tục thay đổi thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng.
Về phương thức vận chuyển, các đối tượng thường lập kho hàng ở vùng biên giới, sau đó thông qua chuyển phát nhanh đưa vào nội địa tiêu thụ. Các cơ sở sản xuất chia nhỏ công đoạn, khi có khách đặt thì gom lại để lắp ráp, đóng gói. Hiện nay, các đối tượng "xé nhỏ" kho hàng, đưa vào căn hộ chung cư, khu đô thị để "che mắt", đánh lừa lực lượng chức năng…
"Các doanh nghiệp Nhật Bản có sản phẩm bán tại thị trường Việt Nam cần tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin và cử đầu mối đại diện pháp lý để hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm", ông Lê đề nghị.
Trao đổi thêm nội dung này từ góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, thời gian qua các cơ quan chức năng đã nỗ lực rất cao, xử lý được nhiều vụ việc vi phạm nhưng đương đầu với làn sóng hàng giả, hàng nhái thì ngay cả những cơ quan sâu sát nhất như Quản lý thị trường cũng không thể “ba đầu sáu tay” làm tất cả được mọi việc.
Theo luật sư Lập, các văn bản pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá hoàn chỉnh, thậm chí còn có các khung hình phạt khá nặng so với các nước khác với Luật Sở hữu công nghiệp, Luật Thương mại, quy định phòng chống cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các luật chuyên ngành khác quản lý theo lĩnh vực dược phẩm, phân bón, các văn bản xử phạt hành chính, những quy định liên quan tại Bộ luật hình sự... Tuy nhiên, việc thực thi các chế tài trong thực tế cần hiệu quả hơn nữa.
Để đẩy lùi vấn nạn này, ông Lập cho rằng, cần nhìn nhận như quan hệ "hợp tác công - tư" bởi giải quyết hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là bảo vệ lợi ích chung của cả nhà nước, người tiêu dùng và lợi ích doanh nghiệp.
“Quan trọng nhất là thức tỉnh nhận thức, nâng cao nhận thức, bắt đầu từ việc doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì chính doanh nghiệp phải chủ động, không phải đợi cơ quan chức năng, còn người tiêu dùng muốn bảo vệ mình phải trông cậy vào các hiệp hội là những người đại diện cho mình, hoặc thông qua các luật sư, từ đó tạo thành một cơ chế hợp tác đa bên giữa tất cả các bên để giải quyết vấn nạn chung”, luật sư Lập khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm