TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần triển khai nhanh và quyết liệt hơn các gói hỗ trợ, trên cơ sở cần phải bàn từ bây giờ, vì nếu để muộn sẽ phê duyệt muộn gây khó khăn cho doanh nghiệp.
>>Giảm thuế VAT tác động ra sao tới lạm phát năm 2022?
Năm 2022, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo và chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là chính sách giảm thuế GTGT 2% áp dụng từ ngày 1/2/2022 đến 31/12/2022 đã phát huy hiệu quả rất cao, tác động nhanh và trực tiếp, kích thích sản xuất, tiêu dùng.
Mặc dù khi triển khai chính sách ban đầu còn một số vướng mắc, nhưng sau thời gian thực hiện, chính sách này đã được đánh giá là một trong những cơ chế hỗ trợ rất tích cực, một quyết sách kịp thời giúp doanh nghiệp, nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau thời kỳ đại dịch. Đồng thời, việc giảm thuế cũng góp phần kéo giá thành sản phẩm, dịch vụ giảm xuống và tăng sức cầu cho người dân trong bối cảnh thu nhập hạn chế.
Tuy nhiên đến nay, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn hậu COVID-19 cũng như các vấn đề bất ổn khác ở trong và ngoài nước, do đó một số Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp đã kiến nghị đến Chính phủ gia hạn chính sách giảm thuế GTGT 2% cho năm 2023.
Cụ thể, Hiệp hội Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) chia sẻ, thời gian gần đây, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ uống đang phải chịu tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng năng lượng, tăng giá nguyên, nhiên liệu do xung đột Nga-Ukraine, lạm phát tăng, lãi suất ngân hàng tăng cao... Trong khi chính sách giảm thuế VAT được thực hiện ở một số nước như Thái Lan, Malaysia..., Vương quốc Anh cũng đang cân nhắc xem xét đề xuất này.
Có thể thấy chính sách giảm thuế VAT được coi là một biện pháp trợ lực tài chính mạnh mẽ của Chính phủ đối với nền kinh tế và có thể tạo động lực tốt cho sự phục hồi của doanh nghiệp, khuyến khích tiêu dùng.
Về vấn đề này, TS.Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho hay, việc Việt Nam đưa ra các chính sách hồi phục, phát triển kinh tế được thế giới đánh giá cao trong đó có các chính sách về giãn, hoãn, giảm thuế. Trước những dự đoán về tình hình thế giới, trong nước sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023, vị chuyên gia đề xuất nên tiếp tục giãn, hoãn, giảm thuế, phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp hồi phục và phát triển.
“Mong mỏi của doanh nghiệp, các hiệp hội là thực thi chính sách tốt hơn nữa. Bởi lẽ năm 2023 sẽ khó khăn hơn. Thế giới sẽ khó khăn, các nước rơi vào suy thoái do lãi suất và khủng hoảng năng lượng. Điều đó khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp và thu hút FDI cũng sẽ khó khăn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới như vậy, cần triển khai nhanh và quyết liệt hơn các gói hỗ trợ. Trong đó, chính sách tài khóa tiếp tục là chủ lực, cần phải tính toán xem liệu có tiếp tục giảm thuế phí nữa hay không? Việc đó cần được bàn từ bây giờ vì nếu để muộn sẽ phê duyệt muộn gây khó khăn cho doanh nghiệp”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
>>CHIẾN LƯỢC VỐN CỦA DOANH NGHIỆP (Kỳ 4): Phối hợp chính sách tài khoá – tiền tệ linh hoạt
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá: “Hỗ trợ 2% thuế VAT là một hình thức hỗ trợ gián tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, chúng tôi đánh giá rất cao chính sách này của Quốc hội, Chính phủ trong năm vừa qua và mong hỗ trợ này sẽ tiếp tục được thực hiện, để người lao động - vốn là nguồn lực tạo ra năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm lợi thế trong vấn đề về sử dụng nguồn lực đó”.
Đồng quan điểm trên, bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cũng có ý kiến mong Chính phủ tiếp tục đồng hành, để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế VAT, để cuối cùng là người tiêu dùng sẽ được thụ hưởng trong bối cảnh có khá nhiều biến động về kinh tế, chính trị, lạm phát trên toàn thế giới tiếp tục diễn ra.
Trao đổi với phóng viên, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội phân tích, cơ chế giảm 2% thuế VAT rất có lợi cho những doanh nghiệp sản xuất, khi hàng hóa đầu vào được giảm và giá cả cung ứng ra thị trường cũng được giảm theo, như vậy sẽ giúp cho lượng hàng hóa được bán ra một cách tối đa nhất. Quan trọng hơn nữa là khi chúng ta kích thích tiêu dùng, mua sắm trong thị trường, hàng hóa được lưu thông thì ngân sách sẽ tăng thu trong thời gian tới.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện xuyên suốt thời gian COVID-19 giúp cho nền kinh tế gia tăng khả năng chống chịu và khả năng phục hồi. Tuy nhiên, năm 2023 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, vì vậy Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ như 2022 nhưng có điều chỉnh.
Có thể bạn quan tâm
07:05, 18/02/2022
11:00, 19/02/2022
04:00, 05/08/2022
00:00, 01/01/2023