Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 11 của Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD, cùng hơn 1000 dự án từ nhiều tập đoàn lớn: Apple, Intel, Ford, Jabil …
Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, mối quan hệ Việt - Mỹ đang như “mặt trời ban trưa”, nằm trên một quỹ đạo đi lên, được xác định bởi các lợi ích chung kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước bình thường hóa cách đây một phần tư thế kỷ.
Không những vậy, Việt Nam là một trong hai quốc gia Đông Nam Á được đề cập cụ thể trong “Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời” của chính quyền Biden, thể hiện mức độ ngày càng trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch quốc phòng, an ninh và kinh tế của Mỹ đối với khu vực.
Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, Việt Nam đã lọt vào danh sách rút gọn các quốc gia được các nhà đầu tư Mỹ quan tâm nhất. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào Việt Nam đã tăng từ dưới 1 tỷ USD năm 2011 lên gần 10 tỷ USD vào năm 2021.
Song, có vẻ mọi thứ vẫn còn khiêm tốn, chưa xứng tầm kỳ vọng của cả hai bên!
Có lẽ phải quay trở lại những năm 1995, khi những “cánh đại bàng” Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Việt Nam, ngay cả trước khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA) được ký kết.
Thời kỳ này, hàng loạt các công ty đa quốc gia của Mỹ đã đến Việt Nam để đặt nền móng đầu tiên cho cơ hội phát triển dài hạn như Pepsico, Coca-Cola, Cargil, 3M, P&G, Kimberly-Clark ...
Và khi Việt Nam trở thành thành viên WTO năm 2007, một số tập đoàn lớn của Mỹ đã đầu tư mạnh mẽ, như tập đoàn công nghệ Intel đã rót 1 tỷ USD vào nhà máy đặt tại khu công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh, những đồng vốn đầu tiên, đánh dấu bước chuyển biến dòng vốn đầu tư từ Mỹ với nguồn vốn đầu tư tập trung vào các lĩnh vực sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.
Sau đó, những năm 2012, Procter & Gamble (P&G) - một công ty có tên tuổi khác của Mỹ cũng đã đầu tư thêm 80 triệu USD để khởi công mở rộng nhà máy Pampers Baby Care tại Bình Dương.
Tiếp đó là các tập đoàn lớn như Chevron, Caterpillar, General Electric (GE) cũng tìm kiếm sự hợp tác và đầu tư ở Việt Nam. Đây tiếp tục là làn sóng đầu tư mới khi mà nhiều tên tuổi lớn đã đổ vốn vào Việt Nam để mở rộng kinh doanh.
Trong số này, General Electric là một trong những công ty Mỹ đầu tiên thiết lập chi nhánh tại Việt Nam vào năm 1993 với văn phòng đại diện đầu tiên tại Hà Nội. Đến năm 2003, General Electric thành lập Công ty TNHH GE Việt Nam với 100% vốn đầu tư của General Electric hoạt động ở nhiều mảng về dịch vụ hậu mãi thiết bị y tế, thiết bị điện và năng lượng. GE Việt Nam hiện có hơn 1.600 nhân viên và là nhà sản xuất thiết bị điện gió gốc (OEM) duy nhất có nhà máy sản xuất trong nước.
Hiện tại, các doanh nghiệp đa quốc gia của Mỹ đã và đang đầu tư vào hầu hết các quốc gia. Top 5 các nước nhận đầu tư từ các tập đoàn lớn của Mỹ có thể kể ra như: Vương quốc Anh (890,1 tỷ USD), tiếp theo là Hà Lan (844,0 tỷ USD) và Luxembourg (759,4 tỷ USD). Sau đó là Canada (422,2 tỷ USD) và Ireland (390,3 tỷ USD).
Rõ ràng vẫn còn một khoảng cách rất lớn khi nhìn vào con số gần 10 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, kể cả khi so sánh với các khoản hàng trăm tỷ USD của Mỹ đã rót vào các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay là Singapore…
Mặc dù, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu vào năm 2017 đã thu hút một số ngành sản xuất ra khỏi Trung Quốc khi các công ty nước này tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Sự gần gũi của Việt Nam với Trung Quốc, cùng với việc cải thiện môi trường kinh doanh, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao cùng với tư duy kinh doanh đã giúp Việt Nam trở thành một trong số ít những quốc gia hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Các doanh nghiệp Mỹ đã nhận thấy điều đó khi Apple đã lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất đáng kể các sản phẩm của mình bao gồm cả AirPods sang Việt Nam. Trong khi Nike hiện sản xuất hầu hết giày tại Việt Nam và còn “gã khổng lồ” công nghệ Google của Mỹ có kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh Pixel tại Việt Nam thay vì Trung Quốc.
Gần đây nhất, nhà sản xuất chip Intel của Mỹ, đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó 475 triệu USD đã được thực hiện từ tháng 6/2019 đến tháng 12/2020 nhằm tăng cường các sản phẩm 5G và bộ xử lý Intel Core công nghệ hybrid. Intel Việt Nam hiện chiếm đến 70% giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP HCM trong năm ngoái, với tổng giá trị khoảng 13 tỷ USD.
Ngoài ra, Universal Alloy Corporation - nhà sản xuất linh kiện máy bay toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ cho các hãng máy bay như Boeing và Airbus, đã thành lập nhà máy và văn phòng tại Đà Nẵng vào đầu năm ngoái với tổng vốn đầu tư lên đến 170 triệu USD.
Hay như Jabil Việt Nam, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế, sản xuất và quản lý sản phẩm cho các công ty điện tử toàn cầu cũng đã chạm mốc doanh thu 1 tỷ USD tại Việt Nam.
Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn đối với đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam, bao gồm nhiều rào cản trong thủ tục, lỗ hổng trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thiếu lao động nghề có tay nghề cao, những trở ngại đối với đầu tư vào cơ sở hạ tầng và một vài thứ khác.
Một vài thứ khác ở đây là khi mong muốn của chính phủ Việt Nam làm sao để kiểm soát chặt chẽ hệ sinh thái kỹ thuật số của đất nước, vẫn đang là một rào cản đối với đầu tư. Về phần mình, chính quyền Biden do dự trong việc tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại tự do trong khu vực, bao gồm cả việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cuối cùng, theo các chuyên gia kinh tế nhận định, mối quan hệ kinh tế tổng thể giữa Mỹ và Việt Nam dường như đang vận động cùng chiều với mối quan hệ chiến lược: hướng lên. Đó có thể được coi là kết quả của hàng chục năm làm việc chăm chỉ và kiên trì từ cả hai phía. Nhiều hy vọng
Đặc biệt, vào những ngày này, Phó tổng thống Mỹ Kalama Harris sẽ có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24 đến ngày 26/8 sau khi rời Singapore. Bà Kalama là Phó tổng thống đầu tiên của nước Mỹ thăm chính thức Việt Nam. Điều này đang được cho là sẽ giúp mối quan hệ vUốn đã tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam nâng tầm trong thời gian tới. Và tất nhiên, sẽ có thêm nhiều kỳ vọng trên phương diện đầu tư từ chuyến thăm chính thức của bà Phó Tổng thống Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp Mỹ kêu gọi viện trợ vaccine COVID-19 cho Việt Nam
18:44, 14/08/2021
Doanh nghiệp Mỹ kêu gọi Chính phủ không áp thuế lên hàng xuất khẩu Việt Nam
04:30, 15/01/2021
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ kêu gọi chuyển giao quyền lực một cách hòa bình
16:03, 08/11/2020
Doanh nghiệp Mỹ đổ vốn vào lĩnh vực điện khí tại Việt Nam
09:02, 13/10/2020
9 lợi thế để doanh nghiệp Mỹ tăng đầu tư vào TP HCM
11:00, 25/08/2020
Tốn 1.000 tỷ USD để dời khỏi Trung Quốc: Doanh nghiệp Mỹ, EU chịu tác động ra sao?
11:12, 19/08/2020
Doanh nghiệp Mỹ thích ứng với ‘bình thường mới’ để vượt qua đại dịch
14:39, 05/08/2020