Doanh nghiệp ngành dệt may vẫn chưa qua “cơn bĩ cực”

ĐÌNH ĐẠI 06/08/2023 04:30

Điểm qua kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may cho thấy, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể cải thiện, có doanh nghiệp phải cắt giảm gần hết lao động.

>>>VCCI-HCM: Kỳ vọng mục tiêu xuất khẩu 45 tỷ USD của ngành dệt may

Các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023, Công ty CP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) ghi nhận doanh thu thuần vỏn vẹn 101 triệu đồng, giảm gần như 100% so với khoản doanh thu hơn 125 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước. Với doanh thu gần như không còn, GMC lỗ ròng thêm gần 12,5 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 12 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp ngành dệt may này đạt hơn 8 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ. Đồng thời, doanh nghiệp lỗ ròng hơn 33 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 4 tỷ đồng. Qua đó, nâng lỗ lũy kế của GMC lên hơn 54 tỷ đồng.

Theo lý giải của doanh nghiệp, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 tiếp tục lỗ chủ yếu do chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. Công ty thiếu đơn hàng, đơn hàng số lượng nhỏ, đơn giá thấp.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân chính đến từ việc GMC hụt khoản doanh thu từ đối tác Gilimex, khi trong cùng kỳ, GMC có khoản doanh thu gần 224 tỷ đồng cho việc cung cấp đơn hàng cho Gilimex, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay không còn ghi nhận khoản doanh thu này.

Cũng do kinh doanh khó khăn, không có đơn hàng, nên trong 6 tháng đầu năm doanh nghiệp này đã mạnh tay cắt giảm nhân sự để kiểm soát chi phí. Tính đến cuối tháng 6, nhân sự của GMC chỉ còn 41 người, đây là mức nhân sự thấp kỷ lục của doanh nghiệp này. Nếu so với hồi đầu năm, doanh nghiệp giảm 1.941 người; còn tính từ đầu năm 2021 đến nay, GMC đã cắt giảm 3.769 nhân sự.

Tương tự, Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh Gilimex (HoSE: GIL) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc. Cụ thể, kết thúc quý II, GIL ghi nhận doanh thu thuần hơn 269 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ. Lãi gộp của doanh nghiệp cũng chỉ ở mức gần 10 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù, trong kỳ hầu hết các chi phí đều được doanh nghiệp cắt giảm mạnh như: chi phí bán hàng giảm đến 97%; chi phí tài chính giảm 51%; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm gần 30%, nhưng cuối quý doanh nghiệp này vẫn lỗ hơn 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 116 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết, quý II tiếp tục thua lỗ do tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng sụt giảm nên doanh thu xuất khẩu giảm so với cùng kỳ. Còn hoạt động Bất động sản Khu công nghiệp đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng để kịp bàn giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp đã ký hợp đồng thuê đất vào quý III, do đó chi phí vận hành chung của mảng này tăng mạnh,doanh thu sẽ được ghi nhận vào các quý sau.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, GIL ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 426 tỷ đồng, giảm mạnh 84% so với cùng kỳ. Đồng thời, doanh nghiệp lỗ ròng hơn 44 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 223 tỷ đồng. Với kết quả ảm đạm này, doanh nghiệp còn cách rất xa mục tiêu kế hoạch lợi nhuận 103,5 tỷ đồng của năm 2023.

May mắn không lỗ như GMC và GIL, nhưng Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm lên đến 97%. Theo đó, doanh thu thuần đạt 715 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của TCM giảm 45%, xuống còn 95 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của TCM tăng 42,4% lên gần 18 tỷ đồng. Đi cùng với doanh thu tài chính tăng, chi phí cho hoạt động này cũng tăng 32,8% lên 38,5 tỷ đồng. Mặc dù doanh nghiệp đã cắt giảm được 22% chi phí bán hàng và 48% chi phí quản lý doanh nghiệp, nhưng lãi ròng của TCM chỉ đạt gần 1,9 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.

>>>Thiếu đơn hàng, TCM sụt giảm 97% lợi nhuận

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, doanh thu quý II cũng như 6 tháng đầu năm của TCM giảm là do lạm phát cao tại Mỹ và EU khiến người dân thắt chặt chi tiêu, giảm tiêu dùng cho những mặt hàng không thiết yếu. Điều này đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của dệt may Việt Nam, trong đó có TCM khi sức tiêu thụ giảm thì các đơn hàng cũng giảm theo.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, TCM ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.591 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 56,4 tỷ đồng, giảm 56% so với thực hiện nửa đầu năm 2022. Với kết quả này, doanh nghiệp chỉ mới thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận năm.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Everpia (HoSE: EVE) cũng có kết quả kinh doanh sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, trong quý II, EVE ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 199 tỷ đồng, giảm gần 29% so với đầu năm. Lợi nhuận gộp đạt hơn 58 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ.

Mặc dù trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp đôi, lên hơn 12,5 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm mạnh về mức hơn 4 tỷ đồng so với hơn 24 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, chi phí bán hàng cũng được doanh nghiệp cắt giảm một phần; Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của EVE cũng chỉ đạt hơn 4,5 tỷ đồng, giảm 62,5% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của EVE đạt hơn 349 tỷ đồng, giảm hơn 26% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 11 tỷ đồng, giảm hơn 59% so với lợi nhuận đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022.

Theo dự báo, thị trường dệt may và thời trang sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng còn lại của năm 2023. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch COVID-19.

Hiện chuỗi cung ứng của ngành dệt may đang biến động theo hướng ưu tiên nhà cung cấp có chứng chỉ xanh. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2023, ngành dệt may Việt Nam chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, cùng sự biến động chính trị trên thế giới, khiến sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD (cùng kỳ 2022 là 8,8 tỷ USD).

Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng do lãi suất huy động cao từ cuối năm 2022, nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. Doanh nghiệp không tiếp cận được với các gói hỗ trợ, ví dụ giảm lãi suất 2% với gói 40.000 tỷ đồng,...

Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.

Vitas dự báo, tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và quý IV.

Có thể bạn quan tâm

  • Thiếu đơn hàng, TCM sụt giảm 97% lợi nhuận

    Thiếu đơn hàng, TCM sụt giảm 97% lợi nhuận

    04:45, 24/07/2023

  • VCCI-HCM: Kỳ vọng mục tiêu xuất khẩu 45 tỷ USD của ngành dệt may

    VCCI-HCM: Kỳ vọng mục tiêu xuất khẩu 45 tỷ USD của ngành dệt may

    13:49, 26/07/2023

  • VCCI sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ngành dệt may tìm kiếm thị trường mới

    VCCI sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ngành dệt may tìm kiếm thị trường mới

    00:45, 06/04/2023

  • Ngành Dệt may Việt Nam cần thay đổi tư duy trong tầm nhìn, chiến lược

    Ngành Dệt may Việt Nam cần thay đổi tư duy trong tầm nhìn, chiến lược

    14:59, 05/04/2023

  • Giải pháp nào cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2023?

    Giải pháp nào cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2023?

    04:50, 04/04/2023

  • Ngành Dệt may: Đón chờ bước ngoặt từ doanh nghiệp sợi

    Ngành Dệt may: Đón chờ bước ngoặt từ doanh nghiệp sợi

    03:00, 11/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp ngành dệt may vẫn chưa qua “cơn bĩ cực”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO