Để phát triển kinh tế - xã hội, TP Đà Nẵng đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư từ thị trường Nhật Bản và cộng đồng doanh nghiệp đang có mối quan tâm về quỹ đất.
>>Đà Nẵng chú trọng nâng cấp hạ tầng logictics
Hiện nay, Nhật Bản đang là quốc gia dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư trên địa bàn Đà Nẵng với hơn 1 tỷ USD cho 222 dự án, chiếm 23,5% số lượng dự án và 26% vốn đầu tư nước ngoài. Để tiếp tục thu hút đầu tư, Đà Nẵng cũng đã lên kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin, chính sách cùng với nhiều đãi ngộ.
Về phía doanh nghiệp, các đơn vị cũng cho rằng Đà Nẵng là địa phương có nhiều chính sách thuận lợi. Vì vậy, doanh nghiệp cũng đã tham khảo, nghiên cứu để có thể bắt đầu quá trình đầu tư tại địa phương này.
Đại diện Công ty Sakai Moving Service Co.; Ltd cho hay đơn vị đang nghiên cứu thị trường của dịch vụ chuyển nhà tại Đà Nẵng và Việt Nam nói chung. Cụ thể, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ tìm hiểu về các thủ tục pháp lý, điều kiện hoạt động khi tiến vào thị trường Việt Nam cũng như tìm hiểu những tiềm năng.
Trong khi đó, ông Tanaka Kuminao, Giám đốc điều hành Công ty V-Stainless – doanh nghiệp chuyên gia công và phân phối các mặt hàng thép đặc biệt thể hiện mong muốn mở chi nhanh tại Đà Nẵng sau khi sở hữu nhà máy ở hai miền. Việc mở nhà máy ở Đà Nẵng sẽ giúp đơn vị tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí vận chuyển nhằm phát huy thế mạnh là “giao hàng đúng, kịp thời, cần thiết”.
“Để tối ưu, cải thiện năng suất vận chuyển của mình, chúng tôi đã nghĩ đến việc lập cơ sở chi nhánh vận hành hàng hóa ở Đà Nẵng như một điểm trung gian hàng hóa giữa hai cơ sở Bắc – Nam. Đà Nẵng không chỉ đơn thuần là một cơ sở sản xuất mà còn có thể phát triển thành điểm kinh doanh phục vụ thị trường miền Trung”, ông Tanaka Kuminao nói.
Sau hơn 18 hoạt động tại Đà Nẵng, ông Nakaya Yoichi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng nhìn nhận vấn đề đảm bảo nguồn nhân lực là một trong những vấn đề quan trọng. Tại Đà Nẵng, vị này cho rằng, nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vẫn còn thiếu và Đà Nẵng cần xem xét mở rộng các tổ chức giáo dục để đáp ứng nhu cầu của các công ty.
“Các khó khăn liên quan đến vấn đề đất đai cũng đã dần trở thành rào cản đối với doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp này đang tiếp tục đầu tư các thiết bị cần thiết để sản xuất các sản phẩm mới, thế nhưng việc mở rộng sản xuất không được triển khai thì trong tương lai đơn vị sẽ phải đối mặt với vấn đề về không đảm bảo không gian sản xuất. Thành phố xem xét quản lý thích hợp các khu đất chưa sử dụng trong các KCN khác để có thể đảm bảo thu hút được đầu tư mới,” ông Nakaya Yoichi đề xuất.
Về vấn đề thu hút doanh nghiệp Nhật Bản, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho hay thành phố đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 4 thành phố Nhật Bản, bao gồm Kawasaki, Sakai, Yokohama và Kisarazu. Đồng thời, ông Minh thông tin địa phương cũng có quan hệ hợp tác cùng với 15 tỉnh và thành phố khác của Nhật Bản.
Chia sẻ về các dự án đầu tư, ông Minh cho hay các lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị, chế biến, IT, giáo dục, y tế, dịch vụ và du lịch hiện nay đang được chú trọng. Đến nay, hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng đã tạo việc làm cho khoảng hơn 40.000 lao động.
“Kim ngạch xuất khẩu giữa hai bên cũng đã đạt 730 triệu USD trong năm 2022, nhập khẩu ước đạt 440 triệu USD, đóng góp vào hợp tác thương mại song phương. Đây là yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa Đà Nẵng và Nhật Bản, Đà Nẵng cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chuyên gia, doanh nghiệp Nhật Bản đến thành phố làm việc, hợp tác đầu tư và hy vọng các ý tưởng đầu tư sẽ sớm được cụ thể hóa”, ông Hồ Kỳ Minh nói.
Đà Nẵng tạo "quỹ đất sạch" cho nhà đầu tư Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 sáng 17/7, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho hay những tháng cuối năm Đà Nẵng sẽ tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, có tốc độ tăng trưởng tốt. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đô thị, bảo vệ môi trường. Đà Nẵng cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa để bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện để đẩy nhanh việc hoàn thành các công trình trọng điểm trên địa bàn, tạo "quỹ đất sạch" cho nhà đầu tư sớm thực hiện các dự án tại địa phương. Song song là tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư. |
Có thể bạn quan tâm