Bộ Tài chính đã giải đáp những e ngại của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu liệu có làm giảm ưu đãi thuế.
>>>Doanh nghiệp kiến nghị gì về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu?
Tại VBF 2023, ông Greg Testerman - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã đề cập đến mối quan tâm của các doanh nghiệp Hoa Kỳ là quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu. Dự kiến khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi vào năm 2024, các quy định hiện hành về ưu đãi đầu tư như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất ưu đãi và miễn thuế, miễn thuế nhập khẩu); ưu đãi thuê đất, thuê mặt nước… sẽ được thực hiện theo hướng nào?
Chủ tịch AmCham đặt vấn đề: áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu có làm giảm hoặc mất đi các ưu đãi về thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp mà các doanh nghiệp đang được hưởng. Chính phủ có đền bù trong trường hợp các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp kém thuận lợi hơn hoặc trở nên kém hiệu quả do áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu hay không?.
Từ các vấn đề đặt ra, ông Greg Testerman kiến nghị Chính phủ nên nghiên cứu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như các giải pháp tiềm năng để đền bù cho những doanh nghiệp có ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp kém thuận lợi hơn hoặc kém hiệu quả do áp dụng chính sách thuế này.
Về vấn đề này, ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề xuất Chính phủ Việt Nam có các biện pháp khuyến khích đầu tư chẳng hạn miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển.
Theo đại diện EuroCham, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chủ yếu là hình thức ưu đãi trên thu nhập, tức là chỉ khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có thu nhập chịu thuế thì mới có thể hưởng các lợi ích từ ưu đãi thuế. Trong khi đó, các hình thức ưu đãi trực tiếp về mặt chi phí chưa phổ biến theo quy định tại Việt Nam. Các doanh nghiệp thường chưa có lãi trong các năm đầu hoạt động do chi phí cố định phát sinh lớn đối với các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nghiên cứu phát triển. Do đó, những doanh nghiệp này cần các hình thức ưu đãi trực tiếp hơn.
Đề cập đến những ưu đãi hỗ trợ chi phí bao gồm hỗ trợ chi phí các khoản đầu tư vào hạ tầng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiều hơn các hoạt động đầu tư, nghiên cứu phát triển, cũng như chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Bổ sung chính sách ưu đãi về mặt chi phí trên, theo EuroCham khuyến khích các dự án trong các lĩnh vực ưu tiên có chọn lọc. Trong đó, cân nhắc bổ sung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm phương tiện chạy bằng điện ở mức ưu đãi cao tương đương với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể, thuế suất ưu đãi 10% áp dụng trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo.
Hiện tại, quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp không có ưu đãi đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm phương tiện chạy bằng điện (ví dụ ô tô điện) dù lĩnh vực này rất phù hợp với chiến lược phát triển xanh của Việt Nam cũng như việc thực hiện các cam kết COP26.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, năm 2017, Việt Nam tham gia là thành viên thứ 100 cùng hành động BEPS (Tuyên bố chung về việc thực hiện chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận 2.0) với mục tiêu cải cách hệ thống thuế: chống xói mòn nguồn thu, chống trốn thuế toàn cầu, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, khơi thông các nguồn thu tiềm năng trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, đầu tư toàn cầu, đặc biệt từ sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số toàn thế giới.
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp quan trọng cho nguồn thu nội địa quan trọng như khoản thu từ đất đai, chuyển nhượng bất động sản, hay các nguồn thu từ thương mại điện tử bao gồm hoạt động dịch vụ kinh tế số xuyên biên giới, tạo nguồn lực tài chính quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.
Trong chương trình BEPS, đặc biệt trụ cột 2, Việt Nam theo dõi sát động thái các nước trên thế giới và đã có báo cáo, kiến nghị cụ thể tới Chính phủ. Chính phủ đã có tổ công tác chuyên về trụ cột 2 với sự tham gia của các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp, đã đưa ra được quy chế hoạt động. Bộ Tài chính cũng đã có dự thảo các biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó, tận dụng cơ hội từ các cải cách chính sách thuế toàn cầu.
Về các giải pháp chính sách thuế, trước mắt, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế dự kiến sẽ đưa ra mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của OECD. Tiếp theo là ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn tại Việt Nam.
Về trung hạn, kiến nghị sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước; ban hành thuế tối thiểu 15%; ban hành ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí đầu tư, đào tạo lao động; hỗ trợ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường…
Có thể bạn quan tâm
Thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam cần chuẩn bị gì?
05:00, 02/03/2023
Áp thuế tối thiểu toàn cầu làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư
13:02, 24/02/2023
Gấp rút nội luật hoá Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu để không bị "bỏ lại phía sau"
10:56, 18/02/2023
Tác động và ứng phó với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu
14:30, 17/02/2023
Thuế tối thiểu toàn cầu tác động thế nào đến Việt Nam?
12:00, 22/09/2022