IMF cảnh báo các biện pháp trừng phạt Nga có thể làm suy yếu sự thống trị của đồng USD và thúc đẩy tài chính kỹ thuật số, từ tiền điện tử đến stablecoin, hay tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương.
>>Lệnh trừng phạt của Mỹ liệu có tác động đến dự trữ ngoại hối của các quốc gia?
Bộ Tài chính Nga cho biết, với các lệnh trừng phạt nhằm tách Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu đã tạo động lực cho quốc gia này thiết lập cơ sở hạ tầng cho tài sản kỹ thuật số ngay tại thị trường nội địa; đồng thời thừa nhận nhu cầu đối với thị trường tài sản tiền điện tử địa phương đang tăng cao. Bình luận được đưa ra khi người Nga đang mất quyền truy cập vào các nền tảng tiền điện tử nước ngoài.
Trong bối cảnh mở rộng các lệnh trừng phạt quốc tế đối với cuộc chiến tại Ukraine, Nga đã chuyển hướng tập trung của mình sang tiền điện tử, trong khi lo ngại ở phương Tây ngày càng tăng về việc nước này có thể sử dụng chúng để lách các hạn chế tài chính. Các hình phạt cũng đã ảnh hưởng đến không gian tiền điện tử và người Nga đang cảm thấy khó khăn hơn để rút tiền nắm giữ kỹ thuật số của họ.
Theo cơ quan Thông tấn xã Tass của Nga đưa tin, ông Ivan Chebeskov, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tài chính của Bộ Tài chính Nga nhận xét, việc rút tiền và chuyển đổi từ tiền kỹ thuật số thành tiền định danh của các công dân Nga đã trở nên rất khó khăn, khi đầu tư vào tiền điện tử ở nước ngoài. Ví dụ như các sàn giao dịch hàng đầu của Hàn Quốc đã hạn chế quyền truy cập đối với người dùng Nga.
“Do đó, động lực để tạo ra cơ sở hạ tầng của Nga cho các loại tiền kỹ thuật số càng trở nên lớn hơn. Một thị trường tiền điện tử vững mạnh của Nga sẽ không chỉ cho phép người Nga rút tài sản, mà còn thực hiện các giao dịch khác. Trong khi đó, ngày càng có nhiều người sẵn sàng chuyển tiền sang Nga”, ông Ivan Chebeskov đánh giá.
Trước đó, không gian tiền điện tử của Nga mới chỉ được điều chỉnh một phần bằng luật “Tài sản tài chính kỹ thuật số” có hiệu lực vào tháng 1/2021. Khi đó, các nhà chức trách ở Moscow vẫn đang thảo luận về tương lai của tiền điện tử, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất một lệnh cấm toàn bộ, còn hầu hết các tổ chức ủng hộ đề xuất hợp pháp hóa ngành công nghiệp này, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ. Sau đó vào tháng 2, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch quản lý, giới thiệu các quy tắc toàn diện cho lĩnh vực này. Bộ Tài chính cũng đang làm việc để giải quyết các khía cạnh của việc đánh thuế thu nhập tiền điện tử.
>>Vì sao tiền điện tử không giúp Nga tránh các lệnh trừng phạt?
Mới đây, bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã khuyến cáo rằng, quyết định tấn công vào Ukraine của Nga đã vấp phải làn sóng trừng phạt dự dội từ phương Tây, khiến Moscow hạn chế khả năng tiếp cận nguồn dự trữ ngoại tệ và thị trường tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt này có thể làm giảm sự thống trị của đồng đô la Mỹ và cuộc đối đầu có thể dẫn đến sự phân mảnh của hệ thống tiền tệ hiện tại trên thế giới.
Phát biểu với Financial Times, vị quan chức hàng đầu của IMF phân tích rằng, các hạn chế, bao gồm cả những hạn chế đối với Ngân hàng Trung ương Nga, có thể khuyến khích sự xuất hiện của các khối tiền tệ nhỏ dựa trên thương mại giữa các nhóm quốc gia. Mặc dù đồng bạc xanh sẽ vẫn là đồng tiền chính của thế giới, nhưng không loại trừ sự phân mảnh ở mức độ nhỏ hơn.
“Chúng tôi đã thấy điều đó với một số quốc gia thương lượng lại đơn vị tiền tệ mà họ được thanh toán cho thương mại. Việc sử dụng ngày càng nhiều các loại tiền tệ khác trong thương mại toàn cầu sẽ dẫn đến việc đa dạng hóa hơn nữa các tài sản dự trữ do các ngân hàng trung ương nắm giữ. Các quốc gia có xu hướng tích lũy dự trữ bằng các loại tiền tệ mà họ giao dịch với phần còn lại của thế giới và trong đó, họ cũng vay từ phần còn lại của thế giới, vì vậy, có thể thấy một số xu hướng chuyển động chậm đối với các loại tiền tệ khác nhưng lại đóng một vai trò lớn hơn”, bà giải thích.
Còn theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Alexander Pankin đã tuyên bố trong một phỏng vấn với Interfax rằng, Liên bang Nga vốn đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong nhiều năm, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Sau vòng trừng phạt mới nhất, được đưa ra để đáp trả cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine, các quan chức ở Moscow đã bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng tiền điện tử và thậm chí sẵn sàng chấp nhận Bitcoin để xuất khẩu năng lượng, cùng với đồng Rúp của Nga. Các nỗ lực hợp pháp hóa không gian tiền điện tử đã và đang nhận được sự ủng hộ và các nhà lập pháp đang làm việc để áp dụng các quy định toàn diện.
Trước chiến tranh, Nga nắm giữ khoảng 1/5 dự trữ ngoại hối của mình trong các tài sản bằng đồng USD, một phần là ở nước ngoài. Các nước như Đức, Pháp, Anh và Nhật Bản,hiện đang thực hiện các bước để cô lập Nga khỏi nền tài chính toàn cầu.
Quan chức IMF cũng chỉ ra, tỷ trọng dự trữ quốc tế của đồng USD đã giảm 10 điểm phần trăm xuống 60% trong hai thập kỷ qua. Khoảng 1/4 sự sụt giảm có thể là do đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá. Bắc Kinh đã cố gắng quốc tế hóa đồng tiền này, bao gồm cả việc quảng bá phiên bản kỹ thuật số của nó.
“Cuộc chiến cũng sẽ thúc đẩy các tài sản tài chính kỹ thuật số, từ tiền điện tử đến stablecoin và tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Tất cả những điều này sẽ còn được chú ý nhiều hơn sau những tập gần đây, điều này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về các quy định quốc tế. Có một khoảng trống cần được lấp đầy ở đó”, bà Gita Gopinath nhận xét.
Sự sụp đổ của đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu đã là chủ đề của nhiều nhà kinh tế suy nghĩ. Theo đó, Raymond Dalio, Nhà sáng lập công ty đầu tư Bridwater Associates cho biết trong cuốn sách mới nhất của mình rằng, các nguyên tắc đối phó với trật tự thế giới đang thay đổi. Ông tin rằng sự thống trị của đồng USD đã kết thúc...
Các nhà đầu tư cần cảnh giác với các diễn biến và theo dõi những gì sẽ xảy ra với các lệnh trừng phạt, đặc biệt là cách châu Âu phản ứng với việc mua dầu và khí đốt từ Nga cũng sẽ phản ánh áp lực lạm phát trên toàn thế giới.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 29/03/2022
05:02, 20/03/2022
04:16, 06/03/2022
05:00, 27/02/2022