Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất thu về 197 tỷ đồng tổng doanh thu cho Vĩnh Hoàn, tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh 69%.
>>>Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư trong nuôi trồng cá tra
Theo kết quả kinh doanh vừa mới cập nhật, tháng 2/2023, CTCP Vĩnh Hoàn đạt doanh thu xuất khẩu 758 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng tăng 66% so với tháng 1/2023.
Xét về cơ cấu, doanh thu cá tra đạt 417 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ. Dù giảm mạnh song đây vẫn là mảng đóng góp chính vào doanh thu của công ty. Doanh thu các sản phẩm hỗn hợp khác và bánh phồng tôm lần lượt giảm 24% và 19%. Bù lại, các sản phẩm phụ, chăm sóc sức khỏe tăng 46% và 96% so với cùng kỳ.
Xét theo thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất thu về 197 tỷ đồng tổng doanh thu cho Vĩnh Hoàn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh 69%. Các thị trường Việt Nam và Trung Quốc giảm nhẹ hơn, lần lượt giảm 2% và 3% mang về 189 tỷ đồng và 70 tỷ đồng.
Ngược lại, thị trường châu Âu tăng mạnh 116% so với cùng kỳ mang về cho Vĩnh Hoàn 194 tỷ đồng doanh thu, gần bằng Mỹ. Nếu so với tháng 1/2023, tất cả các thị trường xuất khẩu của Vĩnh Hoàn hay thị trường nội địa đều đã phục hồi, tăng mạnh trên 38%.
Từ đầu năm tới nay, xuất khẩu các tra sang tất cả các thị trường chính đều giảm 2 con số. Trong đó, với tháng 2, riêng thị trường Mỹ giảm sâu nhất, với mức giảm 81% so với tháng 1/2022.
Sụt giảm sâu và liên tục, Mỹ rơi xuống là thị trường nhập khẩu cá tra đứng thứ 3 sau Trung Quốc và cả EU. Tại Mỹ, lạm phát thủy sản vẫn thấp hơn so với nhiều sản phẩm khác, nhưng giá tăng tiếp tục ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Ngày càng có nhiều người Mỹ chuẩn bị bữa ăn tại nhà để tiết kiệm, do vậy một số nhà bán lẻ đang quảng cáo các bữa ăn thủy sản với giá hợp túi tiền. Một số siêu thị đã tăng thêm các lựa chọn hải sản đông lạnh và hải sản bảo quản lâu trong bối cảnh lạm phát.
VASEP cho rằng mặc dù giá thủy sản tại Mỹ tăng có thể không nghiêm trọng như các mặt hàng khác, nhưng vẫn ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng. Thực phẩm tươi sống, thịt và thủy sản mặc dù lạm phát ở mức dưới trung bình trong năm qua nhưng vẫn là một trong những mặt hàng được người tiêu dùng nhắc đến nhiều nhất khi nhắc đến tăng giá thực phẩm.
>>>Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra "gỡ gạc" ở thị trường nhỏ
Thực tế, ngành thủy sản đã phải đối mặt với những thách thức trong nửa sau của năm 2022 do lạm phát dai dẳng và hàng tồn kho của nhà bán lẻ tăng cao, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động xuất khẩu. Diễn biến tiêu cực này khả năng sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2023.
Giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã giảm một nửa so với thời kỳ đỉnh, trong đó thị trường Mỹ có mức chiết khấu cao nhất trong các thị trường. Do giá xuất khẩu sang Mỹ là giá tham chiếu cho các thị trường khác nên sự sụt giảm giá bán này cũng đang gây áp lực lên giá bán chung của toàn ngành.
Ngoài ra, khối lượng xuất khẩu đang cho thấy triển vọng ảm đạm trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại vào đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường này cho đến nay vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể.
Dựa trên thông tin từ các doanh nghiệp chế biến cá tra, được biết đơn hàng từ Trung Quốc dự kiến sẽ tăng dần từ quý 2/2023. Tuy nhiên, bất chấp sự phục hồi này, giá bán sẽ vẫn ở mức thấp trong tương lai gần.
Điều đáng chú ý là tác động của sự kiện này đối với các doanh nghiệp sẽ không đồng nhất. Mặc dù các công ty có doanh thu xuất khẩu tại thị trường này có thể sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của các đơn đặt hàng, nhưng điều này không đủ để đưa ngành thủy sản trở lại chu kỳ tăng.
Thứ nhất, sự phục hồi dự kiến của thị trường Trung Quốc dự kiến chỉ bù đắp một phần sự sụt giảm ở các thị trường khác trong năm 2023.
Thứ hai, trong khi sự phục hồi chủ yếu về mặt sản lượng xuất khẩu, giá bán dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp và giá cá nguyên liệu vẫn ở mức cao, dẫn đến chênh lệch âm (price gap) giữa giá bán và giá nguyên liệu, điều này sẽ thu hẹp biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp.
Do đó, bất chấp tác động tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, VDSC vẫn duy trì quan điểm lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp cá tra sẽ tăng trưởng âm trong năm 2023.
Việc mở cửa trở lại thị trường Trung Quốc có thể sẽ mang lại lợi nhuận cho một số doanh nghiệp cá tra đã thiết lập sẵn kênh xuất khẩu sang Trung Quốc (như ANV, IDI). Tuy nhiên, diễn biến này sẽ có tác dụng giảm thiểu sự sụt giảm đáng kể trong hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu này so với mức cao được ghi nhận trong cùng kỳ, hơn là đưa ngành sang một chu kỳ bùng nổ mới.
Do đó, vẫn sẽ có cơ hội để nhà đầu tư dùng chiến lược giao dịch ngắn hạn dựa trên các tin tức liên quan và có sự chọn lọc công ty chọn lọc, nhưng việc nắm giữ dài hạn đối với nhóm ngành này trong 2023 sẽ gặp nhiều rủi ro từ biến động thị trường xuất khẩu và kết quả kinh doanh sụt giảm.
Ngành thủy sản đươc kỳ vọng vào sự hồi phục về nhu cầu và đơn hàng từ quý II/2023. Kỳ vọng mặt hàng cá tra sẽ có cơ hội trước những điều chỉnh nhu cầu ở thị trường Mỹ cũng như những tín hiệu lạc quan hơn về tình hình lạm phát.
Có thể bạn quan tâm
16:44, 13/12/2022
05:15, 01/09/2022
04:00, 21/08/2022
11:20, 13/08/2022