Theo đó, yêu cầu, đòi hỏi về cải cách thể chế hiện nay phải cao hơn, quyết liệt hơn, đồng thời phải cải cách một cách phù hợp tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp.
>>>"Ngưỡng cửa" của kỷ nguyên phát triển
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì cũng nêu rất rõ những khó khăn, thách thức vẫn còn. Dự báo cho thấy khó khăn vẫn tiếp diễn, chưa có tín hiệu rõ ràng sẽ giảm hoặc sẽ chấm dứt.
Cụ thể, khó khăn thứ nhất, bối cảnh vĩ mô toàn cầu chưa ổn định, tình hình lạm phát giá cả toàn cầu, các ứng xử về chính sách tài khóa tiền tệ rất khó đoán định, do vậy ứng xử của Việt Nam trong điều hành chính sách tiền tệ trong nước cần phải rất cẩn trọng, theo dõi chặt chẽ các biến động của thị trường thế giới để kịp thời có những điều chỉnh linh hoạt.
“Chúng ta đã có cơ chế về sự linh hoạt, chủ động nên vấn đề đặt ra là nắm chắc tình hình kinh tế thế giới để có ứng xử phù hợp”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói.
Thách thức, khó khăn thứ hai là những vấn đề về chính trị, kinh tế toàn cầu, đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine, cũng như những vấn đề liên quan đến năng lượng, lương thực... Tác động của những vấn đề này không trực tiếp đến Việt Nam, nhưng vẫn ảnh hưởng lớn, đặc biệt liên quan đến cầu thế giới vẫn đang ở mức thấp trong khi nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà phát triển và sản lượng xuất khẩu rất nhiều, do vậy Việt Nam đang phụ thuộc vào diễn biến của thế giới. “Tuy nhiên, kỳ vọng vào cuối 2023, có nhiều sự kiện sẽ kích thích cầu của thế giới tăng lên. Đây là cơ hội để lĩnh vực xuất khẩu của chúng ta gia tăng hơn”, ông Phương nhận định.
Thứ ba, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, các doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn trong việc đặt ra chiến lược, phát triển mang tính dài hơi, bền vững cho sự nghiệp của mình.
Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp đang phải đối diện với 2 vấn đề lớn. Đó là khi càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì lại phải đua theo những tiêu chí, tiêu chuẩn mà thế giới đã đặt ra. Và họ sẽ phải tự chuyển đổi các mô hình, cách thức quản lý, ứng dụng trong sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn như quan tâm đến tiêu chí xanh, tiêu chuẩn carbon, rác thải, bảo vệ môi trường trong sản phẩm xuất khẩu của mình. Nếu không quan tâm đến vấn đề đó, thì việc đạt được các đơn hàng trong tương lai là rất khó vì sự cạnh tranh rất khốc liệt.
“Do đó, để chiến thắng, họ phải quan tâm đến vấn đề này. Hiện nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến vấn đề này, và Nhà nước cũng rất muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp. Quan trọng là các doanh nghiệp phải thể hiện nhu cầu Nhà nước có thể hỗ trợ gì trong việc chuyển đổi cơ cấu để ứng dụng các kỹ thuật công nghệ mới, đáp ứng các tiêu chuẩn mới của toàn cầu”, ông Phương nói.
Tiếp theo, đó là doanh nghiệp cần nghĩ tới các mô hình mới, tiếp cận những cái mới. “Chúng ta thấy rằng, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam đã mở ra những cơ hội mới, lĩnh vực, ngành nghề mới cho nền kinh tế. Và chỉ có những cái mới mới mang lại những động lực mới cho kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến xu thế hiện nay là sản xuất bán dẫn. Một ngành khoa học vừa là nghiên cứu, phát triển, sản xuất rất toàn diện, là cơ hội rất lớn cho chúng ta hướng tới các điều kiện mà mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ được nâng cấp, thu hút các doanh nghiệp lớn đến Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định.
Đồng quan điểm, TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, có những diễn biến rất khó lường, tác động từ bên ngoài, ảnh hưởng đến Việt Nam. Do đó, cần luôn phải bám sát và không được chủ quan.
>>>Bốn điểm sáng của nền kinh tế 9 tháng đầu năm
Bên cạnh đó, thách thức Việt Nam phải đối mặt hiện nay khác với thời gian trước, đó là phải đối mặt với một số chính sách toàn cầu không có lợi cho Việt Nam. Ví dụ như chính sách thuế carbon đánh vào một số mặt hàng sản phẩm làm ảnh hưởng đến khâu xuất khẩu sản phẩm. Trong bối cảnh khó khăn, thị trường có sự cạnh tranh cao hơn, do đó cạnh tranh sản phẩm giữa các quốc gian càng trở lên gay gắt. Vì vậy cũng dẫn đến những khó khăn thách thức đối với các doanh nghiệp.
“Tuy nhiên khó khăn hiện nay khác với khó khăn của giai đoạn trước. Cá nhân tôi cho rằng rất khó tìm ra giải pháp để giải quyết. Chẳng hạn như trước đây doanh nghiệp hay phàn nàn về cải cách thể chế, chúng ta có thể chủ động giải quyết được. Nhưng nếu như nhìn vào thống kê của Tổng cục Thống kê về con người, yếu tố, ta gọi là ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến chế tạo thì chúng ta thấy rất khó, ví dụ như nhu cầu thị trường trong nước thấp, nhu cầu thị trường nước ngoài thấp, tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế cao, năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu với nước khác... Rõ ràng đây là bài toán rất khó, bởi có những khó khăn không dễ nhận diện, không dễ giải quyết”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Đặc biệt nhắc tới thách thức thứ ba là cải cách thể chế, TS Phan Đức Hiếu cho rằng chúng ta đã và đang nỗ lực rất nhiều trong việc cải cách thể chế. Tuy nhiên, yêu cầu, đòi hỏi về cải cách thể chế hiện nay phải cao hơn, quyết liệt hơn bởi chúng ta đang ở trong bối cảnh mới.
Ví dụ như trong bối cảnh hiện nay, việc cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh đòi hỏi phải nhanh hơn, hiệu quả hơn, thì những vấn đề về thủ tục phải khác để đáp ứng với sự thay đổi, linh hoạt, chuyển biến trong kinh doanh.
“Tuy nhiên, chúng ta cần phải cải cách thể chế một cách phù hợp, bởi nếu như cải cách không phù hợp, chúng ta đặt ra một điều kiện, yêu cầu quá cao khiến cho doanh nghiệp không thể thực hiện, đáp ứng được thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và không đạt được hiệu quả, kết quả như chúng ta mong muốn”, TS Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
20:08, 05/10/2023
15:40, 05/10/2023
19:41, 05/10/2023