Tốc độ tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ có xu hướng giảm và thấp hơn cả nước những năm gần đây bởi nhiều nguyên nhân: Nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng cơ sở hạn chế và cả thực trạng đổi mới công nghệ…
>>>Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ
Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Để có thể thực hiện được mục tiêu chiến lược kể trên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ cao vùng ĐNB và những giải pháp thúc đẩy.
Cụ thể, để phát triển bền vững với tốc độ cao thì cần phải phát triển đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ. Việc này nhằm thực hiện được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 24 của Bộ Chính Trị về vùng ĐNB là giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động đạt khoảng 7%, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 56%.
Trước hết, Đông Nam Bộ được coi là vùng kinh tế có năng lực đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) lớn nhất Việt Nam.
Hầu hết các tỉnh trong vùng ĐNB đều thành lập trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Chỉ riêng TP.HCM, đầu tàu kinh tế của vùng ĐNB tính đến hết năm 2021 đã có 36 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, 13 không gian làm việc chung, hơn 100 trường đại học và cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo, khoảng 2.000 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. TP.HCM cũng đã và đang thực hiện “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2025”, và là thành phố đi đầu trong cả nước có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tốt. Năm 2020, TP.HCM đứng thứ 19/100 trong bảng xếp hạng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bình Dương xây dựng vùng đổi mới sáng tạo có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài: Singapore, Hà Lan. Từ kết quả hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và triển khai thành phố thông minh, tỉnh Bình Dương thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu trong KHCN như tập đoàn Schneider, Philips, Bosch, NXP, Intel, TMA… các viện, trường trong nước và ngoài nước cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, triển khai nhanh ứng dụng KHCN. Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước cũng có các phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sôi động, ngày càng đi vào thực chất.
>>>Chính sách phát triển tài sản trí tuệ vùng Đông Nam Bộ
Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, nước xếp thứ 3 ở Đông Nam Châu Á có hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tốt, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập niên qua. Thành tựu về đổi mới sáng tạo ở Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của các tỉnh ĐNB, trong đó TP.HCM mang tính dẫn đầu.
Miền Đông Nam Bộ là vùng phát triển các thành phố thông minh nhanh nhất nước.
Ngày 3/07/2020 UBND đã công bố Quyết định 2393 “Phê duyệt chương trình chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh”, TP.HCM là địa phương đầu tiên công bố đề án xây dựng đô thị thông minh, đồng thời cũng là địa phương đầu tiên công bố đề án chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh Thủ Đức. Bình Dương có chiến lược phát triển thành phố thông minh từ cuối năm 2016. Đến tháng 7/2021, thành phố thông minh Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) tại New York của Hoa Kỳ đã công bố danh sách TOP 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2021. Đồng Nai là một trong những tỉnh sớm triển khai xây dựng thành phố thông minh nhất cả nước. Đến nay 2023, tỉnh đang triển khai 02 thành phố thông minh tại TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh.
Để nâng cao chất lượng triển khai xây dựng thành phố thông minh, tỉnh Đồng Nai đã thông qua Quyết định số 1179/QĐ-UBND ngày 10/5/2022 phê duyệt đề án Phát triển đô thị thông minh tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Bà Rịa - Vũng Tàu, tháng 4/2022, tỉnh đã xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh được thiết kế với khả năng chịu tải cao, sẵn sàng mở rộng quy mô để xây dựng thành phố thông minh ở tỉnh. Tỉnh Bình Phước tuy triển khai muộn nhưng vào tháng 11/2022 đã xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) ở thành phố Đồng Xoài, đây là cơ sở nòng cốt để xây dựng thành phố (đô thị) thông minh. Tây Ninh, tháng 11/2022, Tỉnh đã ban hành quyết định thí điểm thị xã Hòa Thành trở thành đô thị thông minh của tỉnh vào năm 2030. Việc xây dựng các thành phố, thị xã đô thị thông minh ở các tỉnh Đông Nam Bộ, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và đời sống.
Miền Đông Nam Bộ triển khai mạnh chiến lược số hóa hoạt động KT-XH,triển khai nhanh ứng dụng các loại hình công nghệ 4.0 trong quản lý xã hội, kinh tế và hoạt động kinh doanh của DN. Các tỉnh trong vùng đều có chiến lược chuyển đổi số của địa phương với các chương trình hành động cụ thể.
Thành phố Hồ Chí Minh là trụ cột triển khai nhanh các loại khu công nghệ cao.
Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu trong cả nước trong xây dựng và phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC). Sau 22 năm thành lập (2001-2023), QTSC là trung tâm phần mềm duy nhất ở Việt Nam có thu hút hơn 150 doanh nghiệp; nơi đây tạo ra gần 700 sản phẩm và giải pháp công nghệ không những phục vụ cho nội địa mà còn xuất khẩu. Từ năm 2016 QTSC được Chính phủ cho phép kinh doanh nhượng quyền thương mại lập chuỗi công viên phần mềm góp phần tạo sự phát triển mang tính lan tỏa ứng dụng cuộc các mạng 4.0 đến các địa phương khác. Theo kết quả đánh giá của KPMG, QTSC xếp thứ 3 trên tổng số 8 khu công nghệ tại châu Á. Thương hiệu công viên phần mềm Quang Trung được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đóng góp vào xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành CNTT và phần mềm, góp phần đưa Việt Nam trở thành những nước dẫn đầu thế giới về dịch vụ thuê ngoài trong lĩnh vực phần mềm, trở thành điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về thu hút đầu tư CNTT.
Ngoài ra, điểm sáng trong phát triển khoa học công nghệ tại TP.HCM là: Thành phố đầu tư hàng vạn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng của Khu công nghệ cao Quận 9 (Saigon High Tech Park – SHTP). Đến cuối tháng 6/2022, Khu Công nghệ cao SHTP đã thu hút được 160 dự án (còn hiệu lực), trong đó, 70 dự án sản xuất công nghệ cao; 19 dự án dịch vụ công nghệ cao; 19 dự án nghiên cứu triển khai; 09 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ Công nghệ cao; 09 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng. Trong 51 dự án FDI, có thương hiệu của các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn), Datalogic (Italia)....
Hoạt động nghiên cứu và phát triển được thành phố quan tâm và hỗ trợ. Tại khu công nghệ cao của thành phố đã thiết lập Phòng thí nghiệm Công nghệ nano trực thuộc Trung tâm nghiên cứu triển khai được thành lập theo Quyết định số 19/QĐ-KCNC ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Ban Quản lý Khu Công Nghệ Cao. Chức năng và nhiệm vụ của Phòng là thực hiện các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực công nghệ nano, vật liệu mới, năng lượng tái tạo và sản xuất thử nghiệm sản phẩm khoa học. Thành phố đã hỗ trợ xây dựng một số tổ chức KHCN góp phần đưa thành phố trở thành trung tâm công nghệ cao của Việt Nam: Trung tâm nghiên cứu R&D thuộc Khu Công nghệ cao Thành phố; Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KH-CN) TP.HCM; Trung tâm Công nghệ Sinh học; Trung tâm Thiết kế chế tạo thiết bị mới (Neptech); Trung tâm Nghiên cứu thiết kế vi mạch phục vụ ngành công nghiệp điện tử; Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán; Phòng thí nghiệm Công nghệ Nano - Đại học Quốc gia TP.HCM; Các vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ.
Từ năm 2012, Sở KH-CN TP.HCM đã triển khai và đưa vào hoạt động chợ công nghệ và thiết bị TP.HCM (Techmart) hàng năm dưới dạng trực tiếp và online theo các chủ để sinh học, thiết bị y tế, thiết bị, công cụ phục vụ cho nông nghiệp… Techmart tạo sàn giao dịch nối kết giữa cung và cầu và cầu về công nghệ, kích thích hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN vào đời sống xã hội. Loại hình chợ thiết bị công nghệ góp phần đẩy mạnh sự phát triển công nghệ khu vực ĐNB.
Từ 20 năm trước TP.HCM đã chủ trương quy hoạch xây dựng nhiều khu (trung tâm) Y tế kỹ thuật cao: Tân Bình, Thủ Đức, Tân Kiên (Bình Chánh); Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La... Dù tốc độ triển khai chưa nhanh, nhưng là hướng đi đúng trong chiến lược phát triển công nghệ cao đóng góp một phần quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Các tỉnh miền Đông Nam Bộ kể cả TP.HCM cũng như tình trạng chung cả nước như trong Văn kiện Đại hội XIII nêu: “sự phát triển khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế; khoa học và công nghệ chưa trở thành nền tảng, là quốc sách, động lực then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội”, cụ thể:
Thứ nhất, các tỉnh miền Đông Nam Bộ chưa có chiến lược, quy hoạch hoặc kế hoạch chung trong hợp tác phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo. Mỗi tỉnh làm KHCN độc lập với mục tiêu và kế hoạch riêng dẫn tới phân tán nguồn lực vốn đã rất mỏng: nguồn lực tài chính, nhân lực, chuyên gia cao cấp, cơ sở vật chất kỹ thuật. Một số trường hợp có sự cạnh tranh chưa hợp lý giữa các tỉnh trong vùng: cạnh tranh trong lôi kéo các nhà đầu tư FDI công nghệ cao, trong thu hút lao động chất lượng cao, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học mang tính trùng lắp... Trình độ phát triển KHCN giữa các tỉnh có sự chênh lệch lớn, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của toàn vùng.
Thứ hai, trên địa bàn vùng ĐNB có khoảng 80 trường Đại học, 70 trường cao đẳng, nhưng các cơ sở này chưa gắn hoạt động KHCN để giải quyết có hiệu quả các vấn đề KT-XH của vùng. Kết quả nghiên cứu khoa học của các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường chưa thực sự đi vào cuộc sống, khả năng ứng dụng, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ còn nhiều hạn chế. Và mỗi trường, viện trên địa ĐNB cũng chưa có kế hoạch chủ động tham gia vào các dự án, đề án, kế hoạch phát triển KHCN của vùng. Các trường đại học kỹ thuật trên địa bàn chưa phải là hạt nhân phát triển KHCN mới, nhiều công trình nghiên cứu mang tính lý thuyết, tính ứng dụng hạn chế.
Thứ ba, các tỉnh vùng ĐNB từ lâu đã có chủ trương thu hút các dự án FDI công nghệ cao, nhưng các biện pháp thu hút hiệu quả còn nhiều hạn chế cho nên sản phẩm do các doanh nghiệp FDI sản xuất vẫn chủ yếu là những sản phẩm công nghệ mang tính gia công lắp ráp, sử dụng lao động có tay nghề thấp. Rất ít doanh nghiệp FDI đang hoạt động sản xuất tại vùng ĐNB tổ chức công tác nghiên cứu công nghệ mới, sáng tạo ra các sản phẩm mang xu hướng công nghệ mới. Tóm lại các tập đoàn FDI đang hoạt động tại vùng ĐNB chưa thực sự tham gia để góp phần biến khu vực này trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực và thế giới.
Thứ tư,các trung tâm, phòng nghiên cứu ở vùng ĐNB thiếu kinh phí hoạt động, thiếu sự liên kết với nhau. Sự hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới trong nghiên cứu và phát triển mới ở những bước sơ khởi, chưa tạo ra các sản phẩm mang tính đột phá về công nghệ gây tiếng vang trong và ngoài nước. Trong khi đó, nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sản xuất trong nước chưa đáp ứng, phải nhập khẩu, hiệu quả sản xuất sản phẩm của vùng ĐNB chưa cao.
Thứ năm, về cơ bản các doanh nghiệp hoạt động trong vùng ĐNB còn sử dụng công nghệ trung bình, có xuất xứ từ Trung Quốc, trong khi đó rất ít doanh nghiệp trích lập quỹ “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ” theo tinh thần hướng dẫn của thông tư liên tịch giữa Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Tài chính (thông tư hướng dẫn số 12/2016/ TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016).
Gần 7 năm trôi qua, số lượng doanh nghiệp trích Quỹ vỏn vẹn dưới 0,1% tổng số Doanh nghiệp đang hoạt động. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã thành lập Quỹ nhưng việc sử dụng rất hạn chế, trong số các doanh nghiệp lập quỹ ít ỏi này có gần 80% doanh nghiệp trích Quỹ nhưng không sử dụng. Đây là nguyên nhân trình độ kỹ thuật và công nghệ của các doanh nghiệp hạn chế, năng suất lao động chưa cao. Số doanh nghiệp sản xuất, chế tạo có phòng nghiên cứu KHCN còn rất ít kể cả khu vực FDI. Doanh nghiệp ở vùng ĐNB chưa mạnh mẽ tham gia thị trường KHCN với tư cách là bên cầu, lẫn bên cung trên thị trường. Nhiều DN của các tỉnh ĐNB, trong đó có TP.HCM chưa xem phát triển KHCN là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế gia tăng.
Thứ sáu, triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và đời sống, quản lý hoạt động KT-XH ở vùng ĐNB nhìn chung còn mang tính phong trào, thành tựu chưa tương xứng với mục tiêu và các nguồn lực đã bỏ ra thực hiện chuyển đổi số góp phần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ 4.0, biểu hiện:
Giữa các tỉnh vùng ĐNB việc chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin, dữ liệu giữa các tỉnh, trong nội bộ từng tỉnh còn hạn chế.
Cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi số ở vùng ĐNB, kể cả TP.HCM chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa (thiết bị máy móc, đường truyền cũ, tốc độ thiếu ổn định, nguồn nhân lực còn hạn chế..).
Bài 2: Nguyên nhân và các giải pháp
* NGND. GS.TS. Võ Thanh Thu - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH), ThS. Phạm Quang Văn -Trường Đại học Công nghệ TP.HCM
Có thể bạn quan tâm
LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Vai trò kết nối của đường thủy nội địa
16:37, 08/09/2023
LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Bà Rịa - Vũng Tàu có đủ yếu tố để xây dựng một khu thương mại tự do
16:22, 08/09/2023
LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Liên kết vùng phát triển chuỗi logistics
16:20, 08/09/2023
LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Hiện đại hóa Hải quan, thúc đẩy liên kết
16:12, 08/09/2023