Bộ Xây dựng vừa có hướng dẫn cụ thể về đối tượng áp dụng hỗ trợ lãi suất 2% quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
>>> Tăng cường giám sát mua bán nhà ở xã hội
Đây là gói hỗ trợ tín dụng 40.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong 2 năm (2022-2023).
Sau khi Chính phủ ban hành chính sách về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022) thì một số ngân hàng thương mại có đề nghị được làm rõ quy định liên quan đến đối tượng áp dụng tại điểm b, khoản 2, Điều 2.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng còn băn khoan về đối tượng khách hàng được vay vốn hỗ trợ lãi suất tại quy định trên được hiểu là chủ đầu tư dự án, hay nhà thầu thực hiện dự án, hay cả chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện dự án? Mặt khác, những đối tượng khách hàng vay vốn để thực hiện dự án phá dỡ toàn bộ, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố có được hỗ trợ lãi suất không?
Có thể bạn quan tâm |
Theo Bộ Xây dựng, tại điểm c, khoản 1, Điều 58 Luật Nhà ở 2014 quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi từ tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, cũng tại điểm a, khoản 1, Điều 15 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có quy định đối tượng được vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại khoản 1, Điều 53 của Luật Nhà ở để cho thuê, cho mua, bán.
Bộ Xây dựng khẳng định pháp luật về nhà ở đã quy định đối tượng được vay vốn ưu đãi là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và không có quy định nhà đầu tư được vay vốn ưu đãi.
Còn về quy định khách hàng vay vốn để thực hiện dự án phá dỡ toàn bộ, xây dựng lại chung cư cũ thì tại khoản 3, Điều 3 Nghị định số 69/2021/NĐ-CP có quy định: Dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư là dự án tái định cư với mục đích nâng cấp chất lượng, mở rộng diện tích, điều chỉnh cơ cấu diện tích hiện có của nhà chung cư hoặc phá dỡ để xây dựng mới nhà chung cư và các công trình xây dựng khác (nếu có).
"Dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bao gồm dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và dự án cải tạo, xây dựng lại khu chung cư. Với quy định nêu trên thì dự án phá dỡ toàn bộ, xây dựng lại chung cư là dự án thuộc đối tượng được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 2 Nghị định số 31/2022/NĐ-CP" - Bộ Xây dựng nêu rõ.
Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng (thực tế là 347.000 tỷ, tương đương khoảng 15 tỷ USD) để nâng cao năng lực của hệ thống y tế, kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trong số này, có gói 40.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại, thực hiện trong 2 năm.
Mức lãi suất hỗ trợ là 2%/năm. Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và (hoặc) lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.
Các khoản vay được hỗ trợ lãi suất đáp ứng các điều kiện vay vốn thông thường, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo các chính sách khác.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đang phối hợp với NHNN trong việc xây dựng khung pháp lý, Nghị định, Thông tư đối với việc hỗ trợ lãi suất. Chính sách này là sự hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp được tiếp cận vốn ngân hàng với chi phí thấp hơn, có điều kiện vượt qua khó khăn, do đó, trong quá trình triển khai quan trọng nguồn vốn đến với đúng đối tượng. |
Có thể bạn quan tâm