Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về điều hành chính sách tiền tệ được cho là đòn gió nhằm “hạ nhiệt” đồng USD.
USD tăng quá mạnh trong thời gian qua đã làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ trên thị trường quốc tế, đồng thời làm suy yếu tác động của chính sách thuế quan bảo hộ mậu dịch của chính quyền Trump.
Công khai chỉ trích FED
Trên chính trường và trên thị trường, những chỉ trích nói trên của Trump được hiểu là đang tìm cách can thiệp vào những quyết sách của FED. Điều này được đặc biệt chú ý ở nước Mỹ vì hai lý do:
Thứ nhất, luật pháp Mỹ quy định rất rõ ràng từ năm 1951 rằng, FED độc lập hoàn toàn với chính phủ liên bang về quyết định điều hành chính sách tiền tệ (CSTT). Theo đó, Quốc hội, chính phủ và toà án không được phép can thiệp hay chi phối CSTT của FED. Tổng thống đương nhiệm có quyền đề cử Chủ tịch FED, và đó là cơ hội duy nhất để Tổng thống có thể gián tiếp chi phối CSTT của FED, tức là đề cử người luôn trung thành và phục tùng mình vào cương vị đó.
Có thể bạn quan tâm
04:17, 07/08/2018
15:12, 01/08/2018
13:30, 14/06/2018
22:39, 13/06/2018
07:15, 01/09/2018
11:49, 27/08/2018
13:30, 10/08/2018
11:00, 10/08/2018
11:05, 06/08/2018
Còn nhớ Tổng thống Mỹ Richard Nixon hồi đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước đã đề cử ông Arthur Burns giữ chức Chủ tịch FED. Ông Nixon muốn FED giảm lãi suất cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp. Theo đó, ông Burns đã điều hành CSTT theo đúng mong muốn của ông Nixon. Chỉ có điều là kết quả trên thực tế lại trái ngược hoàn toàn so với những mục tiêu mà ông Nixon theo đuổi. Sau thất bại của ông Nixon với FED, các đời Tổng thống Mỹ tiếp theo đều càng thêm ngần ngại với việc can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền tệ của FED.
Để tránh phụ thuộc vào USD, các quốc gia khác chỉ còn cách giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng USD, thậm chí thay thế USD bằng đồng tiền khác trong một số giao dịch quốc tế, như Nga, Trung Quốc... đã làm.
Thứ hai, ông Trump vốn không kiên định quan điểm về CSTT. Khi còn chưa là Tổng thống Mỹ, ông Trump luôn công khai phê phán CSTT của FED dưới thời người tiền nhiệm của ông Powell là bà Janet Yellen. Bà Yellen do Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cử, và ông Trump có sở thích lật ngược mọi quyết sách và thành tựu cầm quyền của người tiền nhiệm này. Bà Yellen thực thi CSTT nới lỏng, tức là hạ thấp lãi suất cơ bản và bơm tiền vào thị trường tài chính tiền tệ. Thời đó, ông Trump đề nghị bà Yellen chỉ đạo FED tăng lãi suất cơ bản. Do không thuận theo ý muốn của ông Trump, nên bà Yellen không được ông Trump đề cử đảm trách cương vị đứng đầu FED thêm một nhiệm kỳ nữa. Tuy nhiên dưới thời ông Powell, khi FED nâng lãi suất cơ bản thì ông Trump chuyển sang chỉ trích.
Trên danh nghĩa FED được pháp luật đảm bảo cho tính độc lập với chính phủ, quốc hội và tư pháp. Tuy nhiên trên thực tế, tính độc lập này chỉ tương đối bởi các cơ quan này không thể không để ý đến nhau. Nhưng công khai tấn công vào tính độc lập của FED như ông Trump hành xử vừa rồi thì chưa có Tổng thống nào trước đó dám làm ở Mỹ. Vị Tổng thống Mỹ nào muốn, thì cũng đều phải hành xử tế nhị và kín kẽ.
Đối sách của các nước
Ông Trump hiện đang doạ chơi đòn thật để chơi đòn gió. Đòn thật ở đây là gia tăng áp lực mạnh mẽ đối với FED phải ngừng tăng, hoặc giảm lãi suất cơ bản. Khi xưa, ông Trump phê phán bà Yellen và đòi FED phải nâng lãi suất cơ bản chủ yếu vì muốn làm toáng lên rằng quan điểm chính sách cầm quyền của người tiền nhiệm hoàn toàn sai lầm và gây thiệt hại cho nước Mỹ. Bây giờ, ông Trump muốn FED giảm thấp lãi suất cơ bản vì đang gây xung khắc thương mại với các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ trên thế giới. Lãi suất cơ bản tăng sẽ hỗ trợ tích cực cho USD, qua đó kìm hãm xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó, ông Trump đang rất cần thúc đẩy xuất khẩu để giảm thâm hụt thương mại và bù đắp lại những thiệt hại do các biện pháp trả đũa của các đối tác của Mỹ đối với những chính sách bảo hộ thương mại mà ông Trump đã áp dụng và còn muốn tiếp tục áp dụng lâu dài và mạnh mẽ hơn nữa.
Đến nay, ông Trump chơi đòn gió là tung ra dư luận ý muốn buộc FED hạ lãi suất cơ bản và phá giá đồng USD. Thị trường phản ứng ngay lập tức, khiến đồng USD lập tức bị mất giá. Ông Trump có được ngay hiệu ứng nhất thời và ngắn hạn. Mặt khác, ông Trump tạo ra được tình trạng tù mù về triển vọng của chính sách tiền tệ của FED, khiến giới chuyên gia, đầu tư để ý đến quan điểm của ông Trump còn nhiều hơn cả đến định hướng chính sách của FED.
Đồng USD đóng vai trò rất quan trọng trên thế giới. Do đó, đồng tiền này mạnh hay yếu, biến động như thế nào, theo thị trường hay theo quyết sách của FED cũng như mối quan hệ giữa FED và Tổng thống Mỹ luôn là rủi ro đối với các nước khác. Bởi vậy, các nước khác luôn phải chủ động đối phó bằng cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm bớt tỷ lệ dự trữ bằng USD, thậm chí một số quốc gia còn thay thế USD bằng đồng tiền khác trong giao dịch quốc tế.