Sàn nông sản TaniHub của Indonesia vừa huy động thành công 65,5 triệu USD. Việt Nam cũng đang có kế hoạch đẩy mạnh nông sản lên sàn TMĐT.
Thành lập từ năm 2016, mục tiêu của TaniHub Group là xây dựng nền tảng bán hàng nông sản để người nông dân có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn, cũng như có được mức giá tốt hơn. Cho đến nay, TaniHub đã liên kết với hơn 45.000 nông dân và có 350.000 người mua (bao gồm cả doanh nghiệp và khách hàng cá nhân).
Kể từ khi bắt đầu, để thực hiện mục tiêu, TaniHub Group đã tiến hành hợp lý hóa các kênh phân phối, giảm thiểu các bước trung gian trong quy trình đưa nông sản từ trang trại đến tay khách hàng, cửa hàng, nhà hàng hoặc các doanh nghiệp có nhu cầu. Họ thực hiện điều này thông qua 3 đơn vị: TaniHub, TaniSupply và TaniFund.
TaniHub là nền tảng thương mại điện tử B2B (Bán buôn - Business to Business), giúp nông dân kết nối trực tiếp với khách hàng. Người nông dân đăng các sản phẩm của mình, còn khách hàng sẽ lựa chọn và đặt hàng, tương tự như mọi nền tảng thương mại điện tử khác.
TaniSupply là nền tảng tiếp vận của công ty này, thực hiện vận chuyển các đơn đặt hàng. Hiện tại TaniSupply đang vận hành 6 cơ sở lưu kho và chế biến. Đây là nơi các nông sản sau khi thu hoạch sẽ được phân loại, rửa sạch và đóng gói trong vòng 1 giờ trước khi giao đến tay người mua. Đơn vị giao hàng có thể là TaniHub, hoặc các đơn vị thứ ba khác.
Cuối cùng, TaniFund là nền tảng tài chính công nghệ cung cấp các khoản vay cho nông dân. Người nông dân có thể sử dụng khoản vay này để phát triển mùa màng và thanh toán khoản vay bằng cách bán hàng trực tiếp trên TaniHub.
Và TaniHub Group cũng có hệ thống tính điểm tín dụng. Theo người đồng sáng lập kiêm CEO Eka Pamitra, hệ thống này dựa trên 3 năm hoạt động, chuyên môn về chuỗi giá trị nông nghiệp của công ty và quan hệ đối tác với các tổ chức tài chính.
Về số vốn mới huy động được, TaniHub sẽ sử dụng để xây dựng phần thượng nguồn và trung nguồn trong chuỗi cung ứng của mình. Hay nói cách khác là các khu vực trồng trọt, cơ sở lưu kho, sơ chế và đóng gói hàng hóa.
Ngoài ra công ty cũng mở rộng thị trường bên ngoài Java và Bali để tìm nguồn hàng và bán tại địa phương, đồng thời tiếp tục cải thiện mô hình dự báo cung - cầu của mình để giúp nông dân lập kế hoạch canh tác và thời vụ. Mục tiêu là để giảm biến động giá và duy trì nguồn cung nhất quán. Pamitra cho biết TaniHub cũng đang nghiên cứu công nghệ canh tác chính xác.
Từ 2 năm trước, TaniHub đã bắt đầu xuất khẩu nhiều nông sản đi Ả Rập, Singapore và Hàn Quốc. Trong năm nay công ty lại tập trung mở rộng tại thị trường Indonesia, vì ngành F&B của nước này có giá trị lớn (khoảng 136 tỷ USD) và ngành nông nghiệp vẫn còn rất rời rạc, có nhiều khoảng trống để TaniHub khai thác.
Ngay cả trong tình hình dịch Covid, công ty này cho biết doanh thu vẫn có thể tăng 600% so với cùng kỳ năm 2020 vì nhu cầu mua hàng online tăng cao.
Sự thành công của TaniHub cho thấy nhu cầu đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử đang rất được quan tâm.
Tại Việt Nam, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương cho biết đã chuẩn bị đưa các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam lên sàn thương mại điện tử từ nhiều năm trước. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 trong giai đoạn 2020 - 2021 đã thúc đẩy việc chuyển đổi này diễn ra mạnh mẽ hơn.
Chẳng hạn Bộ Công thương đã phối hợp với sàn TMĐT như Alibaba, Lazada và Sendo để đưa vải thiều Thanh Hà tiếp cận thị trường. Tính đến 14/5, đã có 3 tấn vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ trên Lazada, hoặc Sendo bán hết 6 tấn chỉ trong 1 ngày. Sau vải thiều, các sản phẩm xoài Yên Châu, mận Sơn La, nhãn Hưng Yên, thanh long Bình Thuận,... chuẩn bị “lên sàn”.
Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT giúp đa dạng hóa thị trường, kênh phân phối, tránh bị phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định, giảm rủi ro khi biến động. Sự thành công của TaniHub là một trường hợp rất đáng để các nền tảng nông sản Việt Nam tham khảo.
Có thể bạn quan tâm