Đó là khẳng định của TS. Vũ Thành Tự Anh tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam – Hà Lan cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do VCCI chi nhánh Cần Thơ tổ chức mới đây.
>>>Hà Lan và Đồng bằng sông Cửu Long có thể bổ khuyết cho nhau
Phát biểu tại Diễn đàn bằng hình thức trực tuyến, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, chúng ta đã nghe thấy nhiều ý kiến về những thách thức đối với ĐBSCL liên quan đến những vấn đề như: cạn kiệt nguồn tài nguyên, đất, nước, môi trường; vấn đề về số lượng cũng như chất lượng nhân khẩu học, lao động suy giảm; vấn đề về thiếu nguồn lực đầu tư; hay hạ tầng cơ sở đang thua kém tất cả các vùng miền khác trên cả nước.
Khi nhìn vào bức tranh của ĐBSCL về mặt kinh tế, một trong những nét nổi bật đó là ĐBSCL đang tụt hậu rát xa so với các vùng miền khác trên cả nước. TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, so với TP.HCM, nếu như cách đây 30 năm khi bắt đầu tiến trình đổi mới, GDP trung bình của TP.HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL. Nhưng đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ này đã đảo ngược, GDP của cả vùng ĐBSCL chỉ bằng 2/3 so với TP.HCM, trong khi dân số ở ĐBSCL gần gấp đôi dân số TP.HCM.
“Điều đó cho thấy sự suy giảm một cách nghiêm trọng về mặt mức sống, điều kiện sống, cũng như các cơ hội nghề nghiệp đối với người dân của vùng ĐBSCL. Điều này thể hiện rất rõ trong bức tranh về di cư trước, trong và sau đại dịch COVID-19 vừa qua”, TS. Vũ Thành Tự Anh chia sẻ.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, nguồn lực của ĐBSCL cũng đang rất hạn chế, ví dụ như nguồn lực đầu tư, nguồn lực về con người, nguồn lực về tự nhiên và nguồn lực về thể chế. Tất cả các nguồn lực này đang khan hiếm và đang bị suy thoái một cách nghiêm trọng. Trong khi thách thức rất lớn, nhưng nguồn lực thì lại hạn chế. Tuy nhiên, ông cho rằng, đó cũng chưa phải là bài toán duy nhất của ĐBSCL.
>>>Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: “Tôi có thêm niềm tin vào tương lai của doanh nghiệp Việt Nam”
ĐBSCL đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn về chuyển đổi nông nghiệp; chuyển đổi trong môi trường số và chuyển đổi về nhân khẩu. Về chuyển đổi nông nghiệp, làm thế nào để ĐBSCL có được một nền nông nghiệp có thể sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn, thông minh hơn để có nhiều giá trị hơn…Đó là những chuyển đổi có thể mở ra tương lai cho ĐBSCL cho từ 20-30 năm tới.
Về chuyển đổi trong môi trường số, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, chuyển đổi số ở ĐBSCL cũng đang gặp những thách thức rất nghiêm trọng. Đầu tiên là về con người, thứ hai là về cơ sở hạ tầng, thứ ba là sự kết nối của ĐBSCL với thế giới. Ở trong cả 3 trạng thái này thì ĐBSCL cũng đang dần tụt hậu trở lại phía sau so với các tỉnh, thành khác, cũng như so với tiềm năng và cơ hội mà ĐBSCL có thể có được.
“Về chuyển đổi nhân khẩu, chúng ta cũng đã nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của già hóa dân số. Trên thực tế, ở Việt Nam quá trình già hóa dân số này đã bắt đầu từ khoảng năm 2013. Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể nào có được một lượng dân số tăng một cách liên tục. Do đó, khả năng duy trì một nguồn lao động dồi dào, dân số trẻ với chi phí thấp vốn là năng lực cạnh tranh của Việt Nam, cũng là cạnh tranh của ĐBSCL trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển công nghiệp cũng không còn nữa”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhìn nhận.
Ngoài ra, Theo TS Vũ Thành Tự Anh, ĐBSCL cũng đang trải qua 3 cú sốc lớn và đây cũng là những cú sốc chung của cả Việt Nam. Cú sốc thứ nhất là cú sốc về môi trường như môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, sinh thái. Ông cho rằng, thách thức lớn nhất của ĐBSCL đó chính là nước, nước và nước.
Cú sốc thứ hai đó là cú sốc về kinh tế, nó xuất phát từ khủng hoảng y tế sau đại dịch COVID-19 và chủ nghĩa bảo hộ đang dâng lên một cách đáng lo ngại. Chính chủ nghĩa bảo hộ này sẽ góp phần tạo nên những trở ngại cho toàn cầu hóa, cho thương mại quốc tế, cho thu nhập vốn là những thế mạnh và cơ sở để Việt Nam tăng trưởng cao, cũng như là cơ sở để ĐBSCL có thể xuất khẩu các sản phẩm của mình và thu hút đầu tư nước ngoài.
Cú sốc cuối cùng đó là cú sốc về y tế, ông cho rằng, đại dịch lần này sẽ không phải là đại dịch duy nhất và có thể kiểm soát được một cách hoàn toàn, ít nhất là trong một vài năm tới. Dư chấn của nó sẽ tiếp tục với những biến thể mới. Với sự ra tăng nhanh chóng của dịch bệnh, thì sức hồi phục của nền kinh tế cũng như chi phí về y tế cũng sẽ không chắc chắn. Điều đó sẽ tạo ra những bất trắc mới cho ĐBSCL.
“Chúng ta đều nhìn thấy, qua đại dịch vừa rồi, nó đã tác động một cách rất nghiêm trọng không chỉ tới người lao động, làn sóng di cư, mà còn tác động đến hoạt động XNK, hoạt động đầu tư và tác động đến ngay cả nguồn lực ngân sách mà Nhà nước kể cả Trung ương và địa phương có thể sử dụng cho ĐBSCL”, TS. Vũ Thành Tự Anh chia sẻ thêm.
Có thể bạn quan tâm
Hà Lan và Đồng bằng sông Cửu Long có thể bổ khuyết cho nhau
17:06, 08/04/2022
VCCI kiến nghị bỏ lắp camera trên xe kinh doanh vận tải: Giải tỏa gánh nặng cho doanh nghiệp
05:10, 09/04/2022
VCCI thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Na Uy trong xử lý rác thải
03:30, 08/04/2022
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: “Tôi có thêm niềm tin vào tương lai của doanh nghiệp Việt Nam”
03:06, 08/04/2022
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công thăm và làm việc tại công ty Caseamex
21:09, 07/04/2022
“VCCI cam kết đồng hành Bắc Giang thúc đẩy quan hệ hợp tác với Hàn Quốc”
10:02, 07/04/2022