Thúc đẩy thị trường vốn, giữ ổn định lãi suất và hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao là những bước đi cần thiết để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nền kinh tế số bền vững.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành chiến lược trọng tâm của quốc gia, vai trò của ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ không chỉ dừng lại ở việc thích ứng mà còn cần tiên phong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ.
Tạo điều kiện phát triển AI và Blockchain
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ sáng ngày 11/2 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực HDBank đã đưa ra một số đề xuất nhằm tạo cú hích quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Theo đó, HDBank đã chủ động thành lập và hỗ trợ hoạt động của quỹ đầu tư AI và Blockchain, với mục tiêu xây dựng các sản phẩm công nghệ “Make-in-Vietnam”, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là bước đi quan trọng trong bối cảnh cả AI và Blockchain đang dần trở thành “xương sống” cho quá trình chuyển đổi số của các ngành kinh tế tại Việt Nam.
Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thị trường AI tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 20%/năm từ nay đến 2030. Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 70 doanh nghiệp khởi nghiệp về AI với các sản phẩm đa dạng từ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng hình ảnh đến ứng dụng AI trong y tế, tài chính và thương mại điện tử. Các doanh nghiệp như FPT, Viettel và VinAI đang là những đơn vị tiên phong, không ngừng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm AI phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế.
Đối với Blockchain - công nghệ nền tảng cho các hệ thống giao dịch số, quản lý dữ liệu phân tán đang được ứng dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực như tài chính, logistics và truy xuất nguồn gốc. Việt Nam hiện nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ ứng dụng Blockchain cao nhất thế giới, theo báo cáo của Chainalysis.
Đặc biệt, với sự phát triển của Blockchain trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng thương mại như HDBank đang tìm cách tận dụng công nghệ này để nâng cao tính minh bạch trong giao dịch, tối ưu hóa chi phí vận hành và phát triển các sản phẩm tài chính số mang tính đột phá.
Một trong những kiến nghị quan trọng được bà Thảo đưa ra đó là thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng. Đây là giải pháp mang tính chiến lược để tối ưu hóa nguồn lực tài chính quốc gia và hỗ trợ tăng trưởng dài hạn cho nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, hệ thống ngân hàng hiện vẫn là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho doanh nghiệp, nhưng điều này dẫn đến sự phụ thuộc quá lớn vào tín dụng ngân hàng, tạo rủi ro tiềm ẩn trong bối cảnh kinh tế biến động.
Trong năm 2024, quy mô phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp tăng 35,2% so với cùng kỳ, đạt 473,6 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên giá trị huy động vốn qua phát hành công chúng chiếm tỷ trọng thấp (7,8%) và tăng trưởng ở mức khiêm tốn 3,4% so với cùng kỳ. Vì vậy, để phát triển bền vững, cần có sự giám sát chặt chẽ và các cơ chế minh bạch nhằm đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư.
Đồng thời, việc khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng sẽ tạo thêm nhiều lựa chọn tài chính cho nền kinh tế.
Linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt là yếu tố then chốt giúp ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Tại hội nghị, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các đại biểu đã phân tích, đánh giá tình hình điều hành chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng, tỉ giá, hoạt động của các ngân hàng thương mại...
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá năm 2024, NHNN và ngành ngân hàng đã triển khai tốt các nhiệm vụ của ngành. Bám sát các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã theo dõi sát, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các quyết sách để phản ứng kịp thời trước các vấn đề đột xuất, cấp bách, biến động bất thường trong hoạt động ngân hàng.
Lãnh đạo HDBank bày tỏ việc giữ ổn định lãi suất và hỗ trợ tín dụng cho các chương trình ưu tiên sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức ngắn hạn, đồng thời tạo điều kiện để họ tiếp tục phát triển bền vững.
Tỷ giá linh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Với kim ngạch xuất khẩu vượt 400 tỷ USD năm 2024, việc điều chỉnh tỷ giá phù hợp không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro tài chính mà còn thu hút thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Có thể thấy, trong nỗ lực thúc đẩy chương trình chuyển đổi số quốc gia, sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng đóng vai trò không thể thiếu. Chính phủ đã tiên phong với hàng loạt chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, từ thúc đẩy nền kinh tế số đến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Như vậy, việc thúc đẩy thị trường vốn, giữ ổn định lãi suất và hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao là những bước đi cần thiết để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nền kinh tế số bền vững. Sự kết hợp giữa chính sách vĩ mô hiệu quả và nỗ lực đổi mới từ doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để Việt Nam bứt phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là hành trình đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và sự đồng lòng từ tất cả các bên liên quan - Chính phủ, doanh nghiệp và ngân hàng để đưa nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới.