Theo các chuyên gia, việc lãi suất giảm không chỉ kích thích nhu cầu cho thị trường địa ốc mà còn khơi thông tín dụng để gia tăng nguồn cung.
>>Kỳ vọng gia tăng nguồn cung nhà ở
Thông tin về mức lãi suất giảm được xem là tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản.
Lãi suất giảm
Sau khi được giao chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm, các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay với mức lãi suất thấp, tạo điều kiện vay vốn cho khách hàng cũng như doanh nghiệp bất động sản.
Theo đó, lãi suất cho vay hiện đã giảm khoảng 2% so với đầu năm 2023. Trong đó, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà, tiêu dùng trên thị trường chỉ nhỉnh hơn lãi suất huy động từ 1-2%/năm. Lãi suất cho vay mua nhà dao động 5 - 10,5%/năm đang được xem là mức lãi suất thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
>>Sớm đồng bộ quy định về định giá đất
Đặc biệt, từ đầu năm 2024, các ngân hàng đã tăng tốc đẩy mạnh các chương trình để kích thích tăng trưởng tín dụng. Điển hình như KienlongBank dành riêng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,3%/năm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay bổ sung vốn lưu động trong ngắn hạn. Đặc biệt, tập trung đến các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực trọng điểm và ưu tiên.
Đối với doanh nghiệp có nhu cầu vay trung và dài hạn cho nhiều mục đích khác nhau, KienlongBank cung cấp lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,9%/năm. Điều này có thể là một cơ hội hấp dẫn cho doanh nghiệp để đầu tư và phát triển trong thời gian tới.
Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà một số báo cáo của các công ty nghiên cứu cũng đặt nhiều kỳ vọng vào dòng tiền gửi tiết kiệm có thể trở thành động lực hồi phục của thị trường bất động sản. Theo dự báo từ Công ty chứng khoán KB, trong năm 2024, thị trường địa ốc sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ tích cực, trong đó yếu tố quan trọng nhất là việc hạ nhiệt của lãi suất. Qua đó giúp dòng tiền có khả năng điều chuyển và tăng cường đầu vào cho thị trường bất động sản.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, từ nay đến trước Tết Nguyên đán sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Khi lãi suất giảm, nhiều nhà đầu tư sẽ không còn quá “mặn mà” với việc gửi tiết kiệm. Thay vào đó, họ sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn, trong đó có việc đầu tư mua bất động sản hoặc đổ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vì cuối năm nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao.
Kỳ vọng dòng tiền đổ vào bất động sản
Như vậy, rất có thể sẽ có dòng tiền lớn đổ vào bất động sản, đây là một tín hiệu tích cực giúp thị trường từng bước hồi phục.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc giảm lãi suất chắc chắn sẽ khiến thị trường bất động sản tốt lên ở nhiều khía cạnh. Bởi lẽ, bản thân các doanh nghiệp bất động sản khi hoạt động cũng chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi người mua nhà cũng phải vay tiền, do đó ngành này nhận được tác động tích cực kép.
Theo ông Lực, trong năm vừa qua, dù thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn nhưng nguồn vốn tín dụng vẫn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2022. Điều này cho thấy, niềm tin từ nhà đầu tư với thị trường này đã có sự cải thiện rõ rệt.
Hơn nữa, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển tín dụng cho bất động sản khi mà các phân khúc còn thiếu nguồn cung, do đó các cơ quan quản lý cần lưu tâm phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính. Từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 800.000 đến 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn, ngoài phần vốn tín dụng ngân hàng, vì vậy kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro.
Ông Trần Văn Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARS cho biết, thời gian qua, nền kinh tế và thị trường địa ốc Việt Nam đã bị tác động bởi tình hình kinh tế thế giới. Theo đó, qua năm 2024 thị trường vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn đó, cũng sẽ có nhiều cơ hội cùng với nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ.
Đáng chú ý, các dự án Luật như Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và mới nhất là Luật Đất đai sửa đổi sẽ tác động trực tiếp với việc phát triển của thị trường. Quá trình phục hồi của thị trường bất động sản sẽ có cơ hội được rút ngắn, thị trường sẽ sớm bước sang giai đoạn bình thường mới.
Song những Luật này đến tháng 1/2025 mới có hiệu lực, đồng nghĩa với việc một số vướng mắc pháp lý vẫn còn kéo dài. Như vậy, thị trường bất động sản vẫn sẽ có cơ hội vực dậy trong năm 2024, nhưng phải đến năm 2025 thì những tín hiệu về sự phục hồi mới hoàn toàn rõ nét, khi các dự án Luật chính thức đi vào thực tiễn, ông Bình nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Trợ lực nào giúp thị trường bất động sản vượt... “đáy”?
11:15, 24/01/2024
Thị trường bất động sản 2024: Cung “bắn tên” chưa chạm tới “đích” cầu
03:30, 24/01/2024
Sắp xuất hiện dự án biểu tượng, bất động sản Phú Thọ tăng sức nóng
08:00, 23/01/2024
Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực sạch nợ trái phiếu
13:28, 22/01/2024