Theo VCCI, việc áp thuế một số mặt hàng theo Dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất nhập khẩu vừa được Bộ Tài chính đề nghị góp ý sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam…
Trả lời Công văn số 7672/BTC-CST ngày 13/07/2021 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP, Nghị định 125/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc áp thuế một số mặt hàng theo Dự thảo sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam…
Cụ thể, về mặt hàng ống đồng, Nghị định 57/2020/NĐ-CP đã tăng thuế xuất khẩu với sản phẩm ống dẫn và ống dẫn bằng đồng từ 0% lên 5%. Lý do để tăng thuế tại thời điểm đó là có hiện tượng lợi dụng chuyển đổi đồng nguyên liệu (thuế suất xuất khẩu 15 – 20%) thành sản phẩm đơn giản bằng đồng như ống dẫn, phụ kiện để ghép nối, với bản chất là xuất khẩu nguyên liệu nhưng được hưởng thuế suất thấp hơn (thuế suất xuất khẩu 0%).
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số doanh nghiệp phản ánh với VCCI, quy định này lại vô tình áp lên cả các sản phẩm được sản xuất để sử dụng trong các thiết bị điện lạnh – là các sản phẩm được gia công kỹ lưỡng, có giá trị gia tăng lớn, chi phí cao. Việc này gây tác động rất tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu ống đồng dùng cho các thiết bị điện lạnh và một số lĩnh vực khác. Quy định này đang hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới với một ngành hàng sản xuất rất tiềm năng.
“Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng áp dụng mức thuế suất 0% với các mặt hàng ống đồng được sản xuất phức tạp. Việc phân loại giữa các mặt hàng ống đồng được sản xuất phức tạp và các mặt hàng ống đồng được tái chế đơn giản, theo doanh nghiệp, có thể được phân loại theo tiêu chí kỹ thuật, chẳng hạn theo đường kính của sản phẩm (cụ thể: sản phẩm ống đồng được sản xuất phức tạp có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 50mm, còn các sản phẩm ống đồng đơn giản có đường kính lớn hơn 50mm (>50mm)”, VCCI kiến nghị.
Về mặt hàng phôi thép, theo VCCI, Dự thảo dự kiến điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%. Mục đích dự kiến của quy định này nhằm hạn chế việc xuất khẩu phôi thép để giữ cho sản xuất trong nước, từ đó ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường. Tuy nhiên, lập luận như trên là chưa thuyết phục do thị trường trong nước dường như không thiếu phôi thép, thể hiện ở hai yếu tố sau:
Năng lực sản xuất phôi thép của Việt Nam đang tăng trưởng tốt: công suất đạt 24 triệu tấn/năm. Năm 2020, sản lượng phôi thép đạt 17,21 triệu tấn, còn 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng đạt 7,13 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020;
Nhập khẩu phôi thép có xu hướng giảm mạnh: nhập khẩu năm 2020 giảm 97,5% so với năm 2019, xuống 1,2 triệu USD; 5 tháng đầu năm 2021, giá trị nhập khẩu giảm mạnh chỉ còn 252.000 USD.
Các số liệu trên cho thấy, nguồn cung phôi thép trong nước không thiếu, và do đó việc tăng thuế suất thuế xuất khẩu không chắc có thể giảm giá phôi thép trong nước, qua đó khó tác động giảm giá thép thành phẩm như mục tiêu ban đầu. Trong khi đó, việc tăng thuế suất có thể trực tiếp ngay lập tức tác động đến giá và lợi nhuận của các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sản xuất phôi thép.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại nguyên nhân dẫn đến việc giá thép xây dựng tăng cao, đồng thời rà soát, đánh giá toàn diện tác động của việc điều chỉnh thuế với phôi thép, từ đó xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp.
Về mặt hàng đá, Dự thảo dự kiến điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu với mặt hàng đá thuộc nhóm 68.01 – 68.03 từ 5% lên 10% và lên mức 20% vào năm 2023.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu vào thời điểm này là chưa phù hợp với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời theo số liệu VCCI nhận được, lượng tiêu thụ nội địa sản phẩm này của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm khoảng 50% so với cùng kỳ do các công trình xây dựng không triển khai được (vì giá sắt, thép tăng quá cao), còn doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng giảm khoảng 60% so với cùng kỳ.
“Do vậy, cơ quan soạn thảo cân nhắc thời hạn điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, có lưu ý đến tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp trong thời kỳ dịch COVID-19”, VCCI đề nghị.
Về mặt hàng vàng, Dự thảo dự kiến điều chỉnh mức thuế xuất với mặt hàng đồ trang sức và bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng (nhóm 72.13), đồ kỹ nghệ và các bộ phận rời (nhóm 71.14) và các sản phẩm khác bằng khác (nhóm 71.15) có hàm lượng vàng dưới 95% từ 0% lên 2%.
Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, việc tăng thuế với mặt hàng vàng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp, từ đó khiến sản phẩm vàng của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
VCCI đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc lại phương án tăng thuế với mặt hàng này.
Bên cạnh đó, liên quan đến xác định chi phí năng lượng và khoáng sản trên giá thành, số thứ tự 211 Biểu thuế xuất khẩu ban hành theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP quy định về thuế suất thuế xuất khẩu với hàng hóa có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên, trong đó có 7 nhóm mặt hàng được liệt kê chi tiết và nhóm các mặt hàng chưa được liệt kê chi tiết.
Theo VCCI, có thể hiểu, sản phẩm xuất khẩu thuộc một trong 7 nhóm mặt hàng này phải thực hiện công việc xác định giá trị tài nguyên, khoáng sản trong giá thành sản phẩm để xác định thuế suất: mức 0% nếu dưới 51% và mức 5% nếu từ 51% trở lên.
Dự thảo dự kiến sửa đổi theo hướng sản phẩm xuất khẩu thuộc một trong 7 nhóm mặt hàng này sẽ tự động phải chịu thuế 5% mà không thông qua xác định giá trị tài nguyên, khoáng sản trong giá thành sản phẩm nữa. Lý do được đưa ra là công tác thanh, kiểm tra của Hải quan cho thấy các mặt hàng đều có là khoáng sản thô có giá trị tài nguyên, khoáng sản lớn hơn 51%.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, quy định này cần xem xét, không phải mặt hàng nào thuộc Số thứ tự 211 cũng có giá trị tài nguyên, khoáng sản từ 51% trở lên, bởi theo phản ánh của các doanh nghiệp, một số mặt hàng mà các doanh nghiệp đang thực hiện xuất khẩu thuộc số thứ tự 211 có giá trị tài nguyên, khoáng sản dưới 51% giá thành. Việc bỏ quy trình kê khai, xác định giá trị tài nguyên, khoáng sản như vậy sẽ vô tình áp mức thuế suất thuế xuất khẩu cao hơn với các mặt hàng có mức độ giá trị gia tăng cao này (từ 0% lên 5%).
Bên cạnh đó, số thứ tự 211 quy định với các mặt hàng có giá trị tài nguyên, khoáng sản lớn (từ 51% trở lên giá thành), nói cách khác, việc áp thuế suất 5% tại Số thứ tự 211 nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô. Việc bỏ quy định xác định giá trị tài nguyên, khoáng sản sẽ đánh đồng giữa mặt hàng thô và mặt hàng đã được gia công, có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Từ đó, VCCI đề nghị, cơ quan soạn thảo giữ nguyên quy định này như tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP để giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan, có thể sửa đổi quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp không phải thực hiện bước kê khai, xác định tỷ lệ giá trị tài nguyên, khoáng sản trong giá thành sản phẩm nếu tự xác định mức thuế suất là 5%.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh đa cấp: Một số quy định chưa phù hợp
03:30, 11/08/2021
Dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp tạo thêm thủ tục hành chính
03:30, 30/07/2021
Dự thảo Nghị định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Một số quy định chưa thống nhất
03:30, 23/07/2021
Dự thảo Nghị định về lấn biển: Một số quy định cần được làm rõ
04:00, 18/07/2021
Dự thảo Nghị định về lấn biển: Vẫn còn quy định… chồng chéo
04:00, 17/07/2021