Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa trình Bộ GTVT kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
>>“Bỏ ngỏ” an toàn đường thuỷ nội địa miền Trung
Với hàng loạt chính sách ưu đãi, đường thủy nội địa đang đứng trước cơ hội bứt tốc.
Trả lời phỏng vấn DĐDN, ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho rằng, các doanh nghiệp kỳ vọng việc thu hút đầu tư hạ tầng, đường thủy nội địa sẽ có những đột phá để xứng tầm là “mạch máu” của nền kinh tế.
- Theo ông con số 715 triệu tấn hàng hóa và 397 triệu lượt khách/năm đối với vận tải thủy nội địa đến 2030 như trong Quy hoạch liệu có “quá sức” đối với hạ tầng và năng lực đường thủy hiện nay?
Hệ thống giao thông đường thủy nội địa đã được Chính phủ đưa vào kế hoạch ưu tiên phát triển trong những năm qua. Do đó, hiện nay hệ thống giao thông đường thủy nội địa đã phát huy việc lưu thông hàng hóa. Qua đó, đường thủy nội địa đã góp phần đáng kể giãn mật độ tham gia giao thông đường bộ.
Với đà phát triển này, con số 715 triệu tấn hàng hóa và 397 triệu lượt khách/năm đối với vận tải thủy nội địa đến năm 2030 theo như quy hoạch không phải là mục tiêu xa vời. Nếu có cơ chế thu hút đầu tư, đường thủy nội địa có thể còn phát triển mạnh hơn nữa. Bởi khi xây dựng bản Quy hoạch, Bộ GTVT đã đánh giá tiềm năng, lợi thế của ngành vận tải thủy.
- Đường thủy nội địa vốn có sẵn tiềm năng, lợi thế, nhưng thiếu mất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hợp lý, thưa ông?
Đúng như vậy! Từ trước đến nay đường thủy nội địa hoạt động manh mún với những gì vốn có của nó. Rất nhiều vấn đề bất cập theo quy định của luật tạo rào cản không nhỏ đến sự phát triển cảng thủy nội địa như: Cảng không được khai thác từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm vì sợ ảnh hưởng đến đến mùa mưa lũ. Chiều cao tĩnh không các cầu thấp nên phương tiện có trọng tải lớn không vào được sâu trong nội địa. Sự thiếu đồng bộ đường giao thông kết nối đảm nhận từ cả ra đến các quốc lộ, tỉnh lộ còn thấp, ảnh hưởng đến hoạt động của cảng do phương tiện vận tải lớn không ra vào cảng bốc xếp được hàng hoá…
Chính vì vậy, dù rất nhiều lợi thế nhưng kết quả vận chuyển hàng hóa, hành khách của đường thủy nội địa đạt hiệu quả thấp, chưa tương xứng tiềm năng.
Trong Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa mà Thủ tướng vừa phê duyệt có rất nhiều cơ chế, chính sách được đề cấp đến, đặc biệt là nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển hệ thống cảng, kết cấu hạ tầng đường thủy. Do vậy, đây được xem là yếu tố quan trọng để vận tải đường thủy có động cơ để bứt tốc.
>>Phát triển đường thủy nội địa: Đầu không xuôi, đuôi sao lọt?
- Để khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, vận tải thủy nội địa cần những chính sách rất cụ thể nhưng cũng phải toàn diện, thưa ông?
Tôi cho rằng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, vận tải thủy nội địa theo hướng được áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư, ưu đãi về thuế, phí… là những sách sẽ tạo ra sự đột phá bước đầu cho ngành vận tải thủy.
Cục Đường thủy nội địa cũng đề xuất miễn tiền thuê mặt nước toàn bộ thời hạn thuê, miễn tiền thuê đất trong 15 năm đầu kể từ ngày nhà nước cho thuê đất; đồng thời giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có dự án đầu tư, phát triển cảng thủy. Các dự án xây dựng cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy được đưa vào danh mục ưu tiên bố trí đất và mặt nước.
Thêm nữa các tỉnh, thành có bển thủy nội địa cần quan tâm đầu tư đường giao thông kết nối từ cảng ra đến quốc lộ. Cần ưu tiên quy hoạch thuê đất ổn định lâu dài, để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Cần có chính sách ưu đãi về thuế thuê đất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thu phí vận tải đường thủy nội địa còn nhiều… quan ngại
15:44, 08/04/2022
“Bỏ ngỏ” an toàn đường thuỷ nội địa miền Trung
17:01, 20/02/2022
Đề xuất không thu phí hạ tầng cảng biển với hàng hoá đường thuỷ nội địa
01:47, 06/01/2022
Phát triển đường thủy nội địa: Đầu không xuôi, đuôi sao lọt?
11:00, 18/11/2021