Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Công nghệ giáo dục (EdTech) đang là thị trường vô cùng hấp dẫn với các nhà đầu tư trong nước và thế giới khi mà dòng vốn đầu tư tư nhân trên toàn cầu đổ vào lĩnh vực này tăng trưởng nhanh chóng.
>>Thị trường startup Edtech Việt Nam tăng vọt, quy mô chạm mốc 3 tỷ USD
Báo cáo chuyên sâu công nghệ giáo dục khối phổ thông Việt Nam 2022 đã chỉ ra EdTech đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực này trong giai đoạn 2019 - 2020 là 103 triệu USD, chỉ đứng sau sau thanh toán (462 triệu USD) và bán lẻ (416 triệu USD).
Thị trường EdTech Việt Nam hiện đang là miếng bánh ngon khi mà nguồn vốn đầu tư vào các startup công nghệ ở Việt Nam chủ yếu đến từ nước ngoài như Australia, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc…
Các nhà đầu tư nước ngoài coi EdTech Việt Nam như một mảnh đất màu mỡ có thể khai thác. Redefine Capital Fund (Singapore) - quỹ đầu tư được hậu thuẫn bởi Alibaba và Ant Financial đầu tư cho Start-up Educa vừa nhận 2 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A. Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Venture đầu tư vào nền tảng giáo dục trực tuyến Vuihoc và Manabie. Quỹ đầu tư KKR rót 100 triệu USD vào Tập đoàn Giáo dục Equest.
>>Edtech Festival 2021: Hỗ trợ và tôn vinh các giải pháp công nghệ phát triển giáo dục
Các startup công nghệ giáo dục tại Việt Nam cũng thu hút được nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước nhờ tiềm năng phát triển cao. Nhiều startup về Edtech huy động được số lượng vốn khá lớn như Topica EdTech (50 triệu USD), ứng dụng học tập tiếng Anh ELSA với 5 triệu USD do Vietnam Investments Group và SIG đồng tài trợ; CoderSchool huy động được 2,6 triệu USD của Monk’s Hill Ventures. MindX, huy động được vòng Series A trị giá 3 triệu USD của công ty Đông Nam Á Wavemaker Partners, ngân hàng đầu tư Việt Nam Thien Viet Securities và một nhà đầu tư có trụ sở tại Hoa Kỳ. Clevai đã huy động được 650 nghìn USD vào năm 2020 từ BOD Tech Ventures. Vào năm 2021, Clevai đã thu được thêm 2,1 triệu đô la Mỹ của do Altara Ventures có trụ sở tại Singapore.
Theo dự đoán, thị trường EdTech Việt Nam hiện có trị giá 3 tỷ USD và thu hút khoảng 200 công ty khởi nghiệp EdTech.
Thị trường EdTech Việt Nam dù sao vẫn ở giai đoạn khởi đầu và phát triển chủ yếu ở 2 mảng lớn là content và live-class bởi vậy EdTech vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển trong các lĩnh vực nền tảng giáo dục số, hệ thống quản lý trường học số. Các nhà đầu tư cũng đã nhìn thấy được nhiều điểm sáng để tiếp tục rót vốn. Hơn nữa, Việt Nam có tỷ lệ sở hữu thiết bị di động và kết nối Internet cao.
Mặt khác, các cơ quan chức năng trong nước đã thúc đẩy các sáng kiến đào tạo trực tuyến Elearning, làm cho phụ huynh và học sinh quan tâm hơn hình thức học trực tuyến và các nguồn tài nguyên kỹ thuật số. Ông Nguyễn Trí Hiển, Chủ tịch EdTech Agency, Đồng trưởng Làng Công nghệ Giáo dục, Techfest Việt Nam cũng đưa ra nhận định: “Hiện nay thị trường công nghệ giáo dục ở Việt Nam đã bước sang giai đoạn hoàn toàn mới, giai đoạn mà hầu hết mọi người đều biết đến e-learning (đào tạo trực tuyến) và sẵn sàng chi tiền cho nó”.
>>Edtech Việt Nam 2021: Khởi động cuộc thi tìm kiếm “ngôi sao khởi nghiệp”
Cũng theo Báo cáo chuyên sâu công nghệ giáo dục khối phổ thông Việt Nam 2022, giáo dục trực tuyến tại Việt Nam có triển vọng lớn với hơn 23 triệu sinh viên, thu nhập trung lưu tăng và tỷ lệ sử dụng Internet cao trên 70% người dùng. Người Việt Nam chi tới 30% thu nhập khả dụng cho giáo dục và các bậc cha mẹ sẵn sàng trả thêm tiền để đảm bảo giáo dục chất lượng cao cho con cái của họ.
Bởi vậy, xu hướng phát triển của giáo dục trong tương lai của Việt Nam (mà thị trường công nghệ giáo dục đóng vai trò thúc đẩy) vẫn tiếp tục sôi động và hấp dẫn. Một yếu tố khác nữa để các nhà đầu tư đặt niềm tin vào thị trường EdTech là trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào loại cao trên thế giới.
Có thể bạn quan tâm