Giá trị của tăng trưởng âm

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 03/07/2020 06:30

COVID-19 là cú sốc toàn diện “buộc” tất cả không thể không nhìn vào sự thật và biết đâu được cũng là “cơ hội” để người ta đủ dũng khí đánh giá lại thực trạng tại địa phương mình!

Lần đầu tiên trong lịch sử Đà Nẵng tăng trưởng âm

Lần đầu tiên trong lịch sử Đà Nẵng tăng trưởng âm

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, có 12 tỉnh thành ghi nhận tăng trưởng âm lần đầu tiên trong lịch sử thống kê kinh tế. Mẫu số chung của các địa phương này là cơ cấu kinh tế dịch vụ, du lịch chiếm tỷ lệ lớn.

Đơn cử như Đà Nẵng, du lịch và dịch vụ đóng góp tới 64% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn). Kết quả là Đà Nẵng tăng trưởng âm (-) 3,61%, Bà Rịa - Vũng Tàu -6,87%, Khánh Hòa -12,02%,…

Thêm một nguyên nhân khác là cũng có nhiều địa phương rơi vào tình trạng tương tự do quá phụ thuộc vào khu vực FDI. “Khi khu vực FDI không xuất khẩu được do dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế các địa phương này đã bị ảnh hưởng đáng kể”, bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê kết luận.

Từ năm 1975 đến nay, nền kinh tế Việt Nam cơ bản tăng trưởng theo chiều hướng tích cực, mặc dù có một số thời điểm bị “lạc đường” do sự lỗi thời của mô hình kinh tế.

Chúng ta có nhiều bản báo cáo tổng kết rất đẹp, những con số luôn thể hiện sự hồng hào, mặc dù thực tế đôi khi không giống như lý thuyết. COVID-19 là cú sốc đầu tiên, toàn diện “buộc” tất cả không thể không nhìn vào sự thật và biết đâu được cũng là “cơ hội” để người ta đủ dũng khí đánh giá lại thực trạng tại địa phương mình!

Có một câu chuyện rất liên quan, đó là quy hoạch xây dựng cảng biển, sân bay ở các tỉnh duyên hải Miền Trung. Với chiều dài bờ biển hơn 1.200km, các tỉnh miền Trung thi nhau làm cảng, có thời, làm cảng biển là “mốt”

“Phát triển cảng biển tại miền Trung còn nhiều bất hợp lý, ngay cả trong tư duy của người thực hiện quy hoạch vẫn còn nặng tính bao cấp, nên địa phương nào cũng cho xây dựng cảng nước sâu, mạnh ai nấy làm...” Ông Doãn Mạnh Dũng, nguyên Trưởng ban cơ sở hạ tầng cảng biển, Cục Hàng hải nhận xét.

Với tư duy tỉnh bạn có, tỉnh ta cũng phải có. Rất nhiều cảng biển hoạt động không hết công suất ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…, nhưng các dự án cảng mới siêu to khổng lồ vẫn mọc ra như nấm gây lãng phí nguồn lực. Câu chuyện về sân bay cũng tương tự.

Nó cũng y hệt như ngành du lịch. Có vị lãnh đạo Sở ở Quảng Trị nói vô tư rằng, chỉ cần đi du lịch đến một tỉnh ở miền Trung cũng đủ biết gần hết các tỉnh còn lại có gì.

Xưa nay, người ta luôn kêu gọi “phát huy thế mạnh tiềm năng của địa phương” nó đương nhiên đúng. Nhưng nếu hàng chục tỉnh thành hao hao nhau về điều kiện, nguồn lực, tài nguyên thì cũng chấp nhận một loạt bản sao mô hình tăng trưởng giống nhau, không có khác biệt?

Tư duy có gì làm nấy cần thay đổi, đó là bài toán thuộc về tầm nhìn quy hoạch phát triển vùng chứ không phải mỗi địa phương là mỗi bản vẽ mà không cần quan tâm đến bố cục chung.

Ở Miền Trung, Đà Nẵng và Khánh Hòa Thừa Thiên Huế là những “ông kẹ” du lịch được tạo hóa và lịch sử ban tặng tài nguyên phong phú. Nên không khó hiểu khi họ lấy du lịch và dịch vụ làm mũi nhọn.

Còn tại Quảng Trị, kinh tế phụ thuộc trên 90% vào nông nghiệp cũng sốt sắng phát triển du lịch, chạy đua công nghiệp hóa, thu hút các dự án công nghiệp bằng cách nới lỏng điều kiện để phù hợp với phương châm “trải thảm đỏ”.

Bằng cách này, bỏ sở trường chạy theo sở đoản và cuối cùng cứ mãi thấy tụt hậu khi so sánh với các địa phương lân cận vì xuất phát điểm không bằng. Nhìn rộng ra toàn quốc, chúng ta có khá nhiều mục tiêu, phương hướng, khẩu hiệu xây dựng nền kinh tế.

Chúng ta muốn trở thành cường quốc công nghiệp, lại còn ao ước cường quốc du lịch và còn mong mỏi là quốc gia có thứ hạng cao trong ngành nông nghiệp, chế biến thủy hải sản. Đó là khát vọng chính đáng. Nhưng liệu có quá tầm với?

Như Ấn Độ, mấy thập kỷ tập trung toàn lực xây dựng ngành công nghiệp công nghệ cao, gia công phần mềm. Kết quả đầu tiên là họ có thung lũng Silicon Bangalore sánh ngang với California của Mỹ.

Hàn Quốc chú trọng vào Chaebol (doanh nghiệp gia đình lớn), cho đến nay Hàn Quốc có Samsung, LG, Kia, Huyndai, Lotte làm bệ đỡ vững vàng cho nền kinh tế giàu chất xám.

Người Israel kiên trì với nông nghiệp công nghệ cao mặc dù họ hầu như không có thế mạnh về lĩnh vực này, bây giờ Israel được ví như “anh nông dân giỏi nhất thế giới”, cũng được kính nể, biết bao quốc gia muốn sang tận nơi để học hỏi.

Câu chuyện tăng trưởng âm ở Việt Nam không chỉ là một nguyên nhân từ dịch bệnh COVID-19. Nếu có một cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, tự chủ và đa dạng ngành nghề hơn thì thời kỳ hậu dịch sẽ trở thành thế mạnh để vươn lên. Và những con số thống kê tuy không đẹp lắm, nhưng biết đâu được lại giúp nhiều địa phương tự nhìn lại mình!

Có thể bạn quan tâm

  • Kịch bản tăng trưởng kinh tế: Không để nền kinh tế tăng trưởng âm

    Kịch bản tăng trưởng kinh tế: Không để nền kinh tế tăng trưởng âm

    11:00, 02/07/2020

  • Vốn FDI tăng mạnh trong khi hầu hết các ngành chủ đạo tăng trưởng âm

    Vốn FDI tăng mạnh trong khi hầu hết các ngành chủ đạo tăng trưởng âm

    11:04, 07/05/2020

  • [COVID-19] Bách Hóa Xanh có

    [COVID-19] Bách Hóa Xanh có "cứu" được Thế giới di động thoát tăng trưởng âm?

    03:00, 27/03/2020

  • Xuất khẩu cá tra sang Mỹ khó thoát

    Xuất khẩu cá tra sang Mỹ khó thoát "tăng trưởng âm kéo dài"

    00:16, 05/09/2019

  • Vinamilk xoay sở thế nào trước tình cảnh thị trường sữa liên tục tăng trưởng âm?

    Vinamilk xoay sở thế nào trước tình cảnh thị trường sữa liên tục tăng trưởng âm?

    06:30, 21/09/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá trị của tăng trưởng âm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO