Ấn Độ đang nổi lên là nền kinh tế chất lượng cao khi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2022 và 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2024.
>> Ấn Độ và Trung Quốc "mở cửa" không gian cho Nam bán cầu
Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, có ba luồng gió thuận chiều cho thấy giai đoạn tăng trưởng của Ấn Độ có thể kéo dài khá lâu.
Đầu tiên là yếu tố cơ sở. Theo Richard Yetsenga, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng ANZ, Ấn Độ chỉ trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp vào năm 2018 và phải đến sau đại dịch COVID-19, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người mới vượt qua mức 2.000 USD một cách bền vững.
Yếu tố thứ hai đến từ các cải cách chính sách. Chuyên gia Yetsenga nhận định, có thể thấy rõ sự tiến bộ gần đây của Ấn Độ khi việc áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ quốc gia vào năm 2017 đã làm đơn giản hóa mạng lưới thuế trung ương và thuế tiểu bang phức tạp, đồng thời giúp hợp lý hóa việc vận chuyển hàng hóa trên khắp 36 tiểu bang và vùng lãnh thổ của Ấn Độ.
Tốc độ xây dựng đường cao tốc đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2015. Tỷ lệ chi tiêu vốn cho đường sắt trong GDP đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua. Cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều đánh giá cao cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số đẳng cấp thế giới của Ấn Độ, giúp chính phủ nhắm mục tiêu tốt hơn vào các chương trình phúc lợi và cải thiện việc tuân thủ thuế.
Các chỉ số phát triển con người cũng cho thấy xu hướng cải thiện tương tự. Các phúc lợi xã hội ở Ấn Độ đều cho thấy sự cải thiện vượt bậc trong thập kỷ qua. Một thập kỷ trước, 40% hộ gia đình không có điện; ngày nay tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 3%. Sự phát triển đang cải thiện cuộc sống của không chỉ trong tầng lớp thượng lưu ở Ấn Độ.
Làn gió thuận thứ ba là Trung Quốc. Sự đảo ngược tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã thúc đẩy cả nguồn vốn và sự chú ý dịch chuyển đến các nước khác.
Trong bốn năm qua, tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong GDP ở Ấn Độ cao gấp ba lần so với Trung Quốc. Mười lăm năm trước, dòng chảy vốn vào Trung Quốc đôi khi lớn gấp bốn lần so với vào Ấn Độ.
Cũng trong bốn năm qua - một giai đoạn khó khăn đối với dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi - dòng vốn đầu tư ròng vào Ấn Độ đã trở nên tích cực hơn, trong khi Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn chảy ra bên ngoài lớn nhất trong những năm gần đây.
>> Ấn Độ sớm soán “ngôi vương” kinh tế của Trung Quốc?
Mặc dù vậy, giới quan sát vẫn tiếp tục đặt câu hỏi liệu Ấn Độ có thể tiếp tục vượt trội hay không. Thách thức lịch sử của Ấn Độ không phải là tăng trưởng nhanh mà là tăng trưởng bền vững. Ví dụ, từ năm 2004 đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ đạt trung bình 7,2%.
Tuy nhiên, ông Rohit Lamba, chuyên gia của Đại học bang Pennsylvania nhận định, Ấn Độ nổi tiếng về tình trạng thiếu đầu tư kéo dài, nhưng đó là câu chuyện trước đây. Ấn Độ là nền kinh tế châu Á duy nhất có tỷ lệ đầu tư trên GDP cao hơn so với thời điểm trước đại dịch.
Sự phụ thuộc vào nhập khẩu của Ấn Độ cũng đã giảm do lượng kiều hối tăng mạnh và sự gia tăng của các trung tâm năng lực toàn cầu, dựa trên thành công trước đây của Ấn Độ trong lĩnh vực BPO, hay còn gọi là thuê ngoài dịch vụ kinh doanh. Khối lượng chuyển tiền cũng tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2022.
Mặt khác, nền kinh tế Ấn Độ hiện nay cũng được cho là cởi mở hơn so với nền kinh tế Trung Quốc ở giai đoạn phát triển tương tự.
Sau 10 năm gián đoạn, Ấn Độ gần đây đã bắt đầu ký kết các hiệp định thương mại với Australia và Mauritius cũng như các cuộc đàm phán đang được tiến hành với Oman, Anh và 4 quốc gia châu Âu khác.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để phát huy hết tiềm năng kinh tế của Ấn Độ, sẽ cần nhiều hoạt động cải cách hơn nữa. Ấn Độ vẫn có xu hướng áp đặt các hạn chế về thương mại để giải quyết các thách thức về chi phí sinh hoạt, lĩnh vực nông nghiệp vẫn được bảo hộ cao và sản xuất thường ở quy mô nhỏ. Đặc biệt, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ thấp đến mức đáng kinh ngạc.
Mặc dù vậy, Aditi Nayar, Chuyên gia kinh tế trưởng tại cơ quan xếp hạng Icra cho biết, lạm phát của Ấn Độ có thể sẽ ở mức vừa phải. Cùng với đó, mức tăng trưởng kinh tế Ấn Độ dự kiến 6,5% trong năm tài chính 2024 và 6,2% trong năm tài chính 2025.
Có thể bạn quan tâm